Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Bấp Bênh Nghề Nuôi Cá Tra Ở Hậu Giang

Bấp Bênh Nghề Nuôi Cá Tra Ở Hậu Giang
Ngày đăng: 09/05/2012

Trong những ngày qua, giá thu mua cá tra nguyên liệu trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có chiều hướng giảm. Trong khi giá thức ăn, chi phí đầu tư cho ao nuôi không ngừng gia tăng. Từ đó, làm nhiều hộ nuôi cá tra gặp khó khăn và đứng trước nguy cơ bị thua lỗ.

Hiện nay, giá cá tra dao động ở mức từ 22.000 - 22.500 đồng/kg tùy loại, giảm khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg so với tháng trước. Giá cá giảm mạnh khiến người nuôi cá tra rất lo ngại, nhất là những hộ nuôi gần đến thời gian xuất bán. Theo nhiều người nuôi, hiện nay, giá cá tra đã giảm gần sát với giá thành sản xuất. Ông Huỳnh Ngọc Trung, ở khu vực I, phường Lái Hiếu, TX.Ngã Bảy đang thả nuôi 2 ao cá với diện tích khoảng 3.400 m2 mặt nước. Cá thả được 3,5 tháng, đạt trọng lượng từ 400 - 500 gr/con, dự kiến khoảng 3 tháng nữa cho thu hoạch. Nhưng với giá cá như hiện nay, ông Trung lo lắng vụ nuôi này chỉ huề vốn, thậm chí còn bị thua lỗ. Được biết, đợt nuôi vừa qua, gia đình ông xuất bán gần 90 tấn cá tra nguyên liệu. Trong đó, có khoảng 53 tấn bán với giá 25.300 đồng/kg, số còn lại được doanh nghiệp thu mua với giá thấp hơn, chỉ còn 23.800 đồng/kg. Với 2 ao cá, sau khi trừ chi phí, gia đình ông thu được lợi nhuận trên 400 triệu đồng.

Ông Nguyễn Thanh Huỳnh, ở khu vực I, phường Ngã Bảy, TX.Ngã Bảy, chia sẻ: “Nếu cá tra giá đứng ở mức thấp như hiện nay thì người nuôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Do chi phí đầu vào như giá cá giống, thức ăn đều tăng. Trong khi đó, giá cá nguyên liệu trong thời gian qua không ngừng lao dốc”. Theo ông Huỳnh, nếu giá cá tra giữ ở mức từ 23.000 đồng/kg trở lên, có thể đảm bảo được lợi nhuận cho người nuôi, nhưng với điều kiện là cá giống ít bị hao hụt. Từ nay đến cuối năm, nếu giá cá tra nguyên liệu không được cải thiện, cộng với chi phí đầu vào tăng, bà con thiếu vốn để đầu tư cho các ao nuôi, diện tích ao nuôi cá tra trên địa bàn có khả năng sẽ giảm. Trong thời gian qua, đã có rất nhiều người nuôi cá phải “treo ao” vì chi phí đầu tư tăng cao, nhưng giá cá nguyên liệu lại bấp bênh, không ổn định, nhiều hộ nuôi bị lỗ nặng. Giá cá giảm như hiện nay, tới đây chắc chắn tình trạng người nuôi “bỏ cuộc” giữa chừng sẽ còn gia tăng. Với 2 ao cá đang thả nuôi khoảng 7.000 m2 mặt nước, ông Huỳnh không khỏi lo lắng và chỉ biết hy vọng đến khi xuất bán giá cá có thể tăng trở lại, nhằm giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập để tiếp tục đầu tư cho vụ nuôi kế tiếp.

Giá cá tra giảm, người nuôi gặp nhiều khó khăn.

Giá cả biến động thất thường của con cá tra nguyên liệu hiện nay không phải là vấn đề mới. Bởi từ nhiều năm nay, cứ đến thời điểm thu hoạch rộ thì bà con lại phải chịu cảnh “được mùa, rớt giá”. Thách thức lớn nhất mà cả người nuôi và doanh nghiệp đang gặp phải là vấn đề vốn. Theo nhận định của ngành chuyên môn, một trong những nguyên nhân khiến cá tra rớt giá là do gần đây một số công ty, doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn, thậm chí có một số doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trong vùng bị phá sản nên đã ngừng hoặc hạn chế thu mua cá nên dẫn đến giá cá giảm. Các ngân hàng cũng đặt các doanh nghiệp và người nuôi cá tra vô “tầm ngắm”, thuộc dạng “rủi ro cao”. Cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay vì vậy bị hạn chế. Không chỉ doanh nghiệp gặp khó, phần lớn nông dân nuôi cá tra cũng đang gặp nhiều trở ngại do không vay vốn được ở các ngân hàng, còn nếu vay ở bên ngoài thì lãi suất khá cao. Trong khi, đầu ra của sản phẩm luôn gặp rủi ro bởi giá cả không ổn định.

Ông Lê Hùng Chiến, Trưởng phòng Kinh tế TX.Ngã Bảy, cho biết: Tổng diện tích nuôi cá tra của toàn thị xã là 59 ha, chủ yếu là nuôi cá tra thương phẩm, tập trung ở xã Đại Thành, Tân Thành và một phần của phường Lái Hiếu, Ngã Bảy. Qua theo dõi diễn biến thị trường, trong hai năm trở lại đây, giá cá tra ổn định đã giải quyết được phần nào thua lỗ của những năm trước mà người nuôi gặp phải. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp thu mua cá có nhiều biến động lớn đã gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho người nuôi. Hiện nay, người nuôi đang gặp khó khăn nguồn vốn và thiếu thông tin về các doanh nghiệp thu mua cá tra, từ đó, việc thực hiện các hợp đồng mua bán còn lúng túng. Trong thời gian tới, địa phương sẽ củng cố lại HTX nuôi cá tra Đại Thắng nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm cá tra, để các hộ nuôi yên tâm sản xuất. Dự kiến, trong tháng 5-2012, Sở NN&PTNT sẽ kết hợp với thị xã tổ chức tọa đàm về hợp tác và phát triển nghề nuôi thủy sản nhằm tìm ra giải pháp, giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc mà người nuôi cá tra đang gặp phải.

Xử lý kiến nghị của UBND tỉnh Hậu Giang về tiêu thụ nông sản cho nông dân năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh vừa yêu cầu Bộ NN&PTNT (Công văn số 2913/VPCP-KTTH ngày 27-4-2012 của VPCP) chủ trì, phối hợp với UBND các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, cơ quan liên quan kịp thời nắm tình hình, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá tra; vấn đề vượt thẩm quyền phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Sản xuất kinh doanh cá tra trong nước đang gặp khó; thức ăn và thuốc thú y thủy sản tăng, giá cá tra giảm mạnh: người nuôi “treo ao”, doanh nghiệp sản xuất cầm chừng hoặc tạm ngưng hoạt động; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn nhiều khó khăn.

Có thể bạn quan tâm

Các quy tắc quốc tế về nuôi tôm có trách nhiệm Các quy tắc quốc tế về nuôi tôm có trách nhiệm

Nguyên tắc 1: Đặt trại nuôi tôm theo quy hoạch quốc gia và khuôn khổ pháp luật tại những địa điểm phù hợp về mặt môi trường, sử dụng tài nguyên đất và nước hiệu quả và theo cách thức bảo tồn được đa dạng sinh học, nơi cư trú và các chức năng của hệ sinh thái nhạy cảm về mặt sinh học với ý thức rằng những hoạt động sử dụng đất đai, con người và loài khác cũng dựa vào cùng hệ sinh thái này.

10/07/2015
ASC đã có tiêu chuẩn cho Tôm! ASC đã có tiêu chuẩn cho Tôm!

Tiêu chuẩn ASC Tôm được chuyển giao tới Hội đồng quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC)

10/07/2015
Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm Thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm

Chiều qua (22/6), Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) và Hội đồng Nuôi trồng thủy sản Stewardship (ASC) đã ký Biên bản ghi nhớ cam kết sẽ phối hợp để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ở Việt Nam thông qua một phương pháp tiếp cận từng bước từ VietGAP sang chứng nhận ASC.

10/07/2015
Việt Nam thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm Việt Nam thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm

Chiều ngày 22/6, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Hội đồng Nuôi trồng thủy sản Stewardship (ASC) đã ký Biên bản ghi nhớ cam kết sẽ phối hợp để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm ở Việt Nam thông qua một phương pháp tiếp cận từng bước từ VietGAP sang chứng nhận ASC.

10/07/2015
Tiêu chuẩn ASC đối với ngành cá tra Việt Nam Tiêu chuẩn ASC đối với ngành cá tra Việt Nam

Qua hai thập niên, ngành cá tra Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc, tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng này đã đặt ra nhiều thách thức. Để giải quyết điều này cần phải có những tiêu chuẩn thiết thực và đáng tin cậy.

10/07/2015