Thắng Đậm Vụ Tôm Hùm Giống
Tôm xuất hiện dày, cộng với cách đánh bắt mới đạt hiệu quả cao nên ngư dân có những chuyến biển thắng lớn.
Thời gian qua, ngư dân các vùng ven biển ở Bình Định trúng đậm tôm hùm giống. Tôm xuất hiện dày, cộng với cách đánh bắt mới đạt hiệu quả cao nên ngư dân có những chuyến biển thắng lớn.
Trúng mùa, trúng giá
Mùa đánh bắt tôm hùm giống của ngư dân Bình Định bắt đầu từ tháng Chạp năm trước đến tháng 3 (ÂL) năm sau. Đầu mùa, mặc dù tôm hùm giống chưa xuất hiện nhiều nhưng nhờ giá bán rất cao, từ 300.000 đến 350.000 đ/con nên ngư dân tham gia đánh bắt cũng có thu nhập khá.
Ông Nguyễn Từ Thiện, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến (Phù Cát, Bình Định), cho biết: “Từ đầu tháng 3 đến nay, không biết con nước biến chuyển như thế nào mà tôm hùm giống xuất hiện dày đặc, có ghe đi chỉ 1 đêm mà đánh bắt đến những 50 - 70 con. Hiện giá tôm sao gần 300.000 đ/con, tôm xanh gần 100.000 đ/con. Ghe nào trúng tôm, mỗi đêm thu nhập trên 14 triệu đồng, sau khi chia phần cho phương tiện, mỗi ngư dân tham gia được chia từ 1,4 đến 1,8 triệu đồng/người/đêm. Đặc thù của nghề đánh bắt tôm hùm giống là chiều đi sáng về, chỉ 1 đêm mà có được mức thu nhập ấy thì không còn gì bằng”.
Cũng theo ông Thiện, xã Cát Tiến có 13.000 dân thì có đến 4.000 người hành nghề ngư nghiệp với 234 tàu thuyền có công suất từ 60 CV trở lên, hầu hết đánh bắt tại ngư trường phía Nam, chỉ 1 ít khai thác gần bờ. Từ khi tôm hùm giống có giá, cứ đến mùa khai thác là nhiều tàu rời ngư trường xa bờ, quay về quê để đánh bắt tôm hùm. Hết mùa tôm hùm, những tàu này lại vươn khơi đánh bắt cá ngừ đại dương. Vụ đánh bắt tôm hùm giống năm nay vừa trúng mùa, vừa trúng giá, ngư dân vô cùng phấn khởi.
Không chỉ có ngư dân ở xã Cát Tiến trúng tôm hùm giống, mà ngư dân các xã láng giềng là Cát Thành, Cát Khánh, Cát Hải (Phù Cát) cũng có niềm vui tương tự. Ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Cát Thành, cho biết thêm: “Dọc bãi ngang xã Cát Thành có khoảng 30 hộ dân hành nghề đánh bắt tôm hùm giống. Mùa này mật độ tôm xuất hiện khá dày nên bà con đánh bắt cả ngày lẫn đêm.
Vùng đánh bắt chỉ cách mép sóng khoảng 100 m nên đêm thả lưới, sáng thăm; sáng thả chiều thăm để bắt tôm. Ít có năm nào ngư dân trúng tôm hùm giống như năm nay, mỗi người có thể có mức thu nhập 2 - 3 triệu đồng/ngày đêm. Đánh bắt gần bờ nên ít hao nhiên liệu mà kiếm được nhiều tiền nên ngư dân bám biển cả ngày lẫn đêm”.
Áp dụng phương pháp mới
Nghề đánh bắt tôm hùm giống phát triển tại các xã vùng biển ở Bình Định từ năm 2005, nghề này được ngư dân học được từ ngư dân tỉnh Phú Yên. Trước đây, phương pháp đánh bắt tôm hùm giống chủ yếu bằng lưới mành trủ. Cũng học từ ngư dân Phú Yên, bây giờ nhiều người đánh bắt tôm hùm giống ở đây đã chuyển đổi “công nghệ” đánh bắt tôm hùm giống bằng lưới mành trủ sang đánh bắt bằng lưới màng kết hợp cột cây khoan lỗ, ví như ở xã Cát Tiến (Phù Cát).
“Các hộ chuyên nuôi tôm hùm thương phẩm ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đang rất thiếu nguồn giống. Khi tôm hùm giống khan hàng, ngư dân không phải lo vốn đầu tư mua sắm phương tiện và ngư lưới cụ, đã có các chủ nậu đầu tư để sau đó thu mua. Do đó, hiện nay không chỉ có ngư dân trong xã Cát Thành tham gia đánh bắt tôm hùm giống ngày càng nhiều, mà ngư dân các xã lân cận như Cát Hải, Cát Khánh cũng đang rầm rộ làm theo”, ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Cát Thành.
“Mỗi cây có chiều ngang khoảng 2 - 3 cm, dài 50 - 60 cm, trên cây được khoan nhiều lỗ nhỏ. Lưới được may thành tấm hình chữ nhật, mỗi tấm lưới được cột dính với 4 thanh cây (trên 2 cây dưới 2 cây). Tấm lưới màng cột cây được thả chìm cách mặt nước biển từ 3 đến 7 m. Tôm đi dựa theo tấm lưới màng, chui vào những lỗ nhỏ được khoan trên thanh cây. Khi thu hoạch ngư dân kéo lưới lẫn cây lên tìm tôm trong những cái lỗ mà bắt”, Chủ tịch UBND xã Cát Tiến (Phù Cát), ông Nguyễn Từ Thiện, diễn tả cách đánh bắt mới của ngư dân.
Tại nhà chị Bảy ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, hộ chuyên sản xuất cây đánh bắt tôm hùm giống, chị cho biết: “Vợ chồng tui mua gỗ tạp chỉ có giá 4.000 đ/m, cưa ra thành khúc theo quy cách rồi dùng khoan 1 mũi khoan lỗ. Sau khi ngư dân ở địa phương học tập ngư dân Phú Yên dùng cây khoan lỗ đánh bắt tôm hùm giống đạt hiệu quả cao, vợ chồng tui học lóm nghề rồi cứ thế mà làm. Vợ chồng tui bắt đầu làm nghề này từ tháng 3 năm ngoái. Làm theo đơn đặt hàng của các chủ nậu, mỗi đợt nhận từ 1.000 đến 2.000 cây, từ đó đến nay đã cung cấp đến 15.000 cây”.
Anh Lê Đình Quý, một chủ nậu người cùng thôn Trung Lương đang đến nhà chị Bảy đặt hàng, cho biết thêm: “Để mua được hàng, các chủ nậu phải bỏ vốn đầu tư cho ngư dân đi đánh bắt; từ lưới, cây, đến kinh phí sắm phương tiện, mua nhiên liệu… Tui đầu tư cho 20 bạn hàng là ngư dân có nghề đánh bắt tôm hùm giống, mỗi chuyến đánh bắt mỗi bạn hàng đi 1.000 cây nên các cơ sở SX cây làm không kịp cung ứng”.
Năm nay, nghề đánh bắt tôm hùm giống ăn nên làm ra khiến những hộ ngư dân ở các xã ven biển thuộc huyện Phù Cát không có sẵn ghe thuyền thì làm thúng nhôm, gắn máy có công suất nhỏ (4 - 5 CV) vào chạy, tham gia đánh bắt tôm hùm giống.
Related news
Qua tổng hợp của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, đến cuối năm 2012 diện tích thanh long toàn tỉnh Bình Thuận đạt 19.419 ha; trong 6 tháng đầu năm 2013 nông dân các huyện, thị xã đã trồng mới 717 ha, nâng diện tích thanh long lên 20.136 ha, vượt so với quy hoạch đến năm 2015 là 5.136 ha thanh long.
Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 13 cơ sở, vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn GlobalGAP. Trong đó, có 4 cơ sở cây ăn trái, 2 cơ sở rau màu và 7 cơ sở thủy sản. Nông sản đạt chứng nhận GlobalGAP trên cây ăn trái chủ yếu trên bưởi Năm Roi, cam sành, nhãn, chôm chôm, mận, xoài,…
Với giá bán 3.800-6.000 đồng/kg dưa hấu, vụ dưa hấu cuối cùng trong năm của bà con đất cồn (thuộc xã An Thủy - Ba Tri, Bến Tre) được đánh giá là có lãi khá cao. Do đặc thù của vùng đất, từ nhiều năm nay, bà con đất cồn không trồng vụ dưa hấu Tết vì “đụng hàng” với dưa của miền Đông và các tỉnh lân cận.
Sau nhiều năm năng suất tôm trên đất trồng lúa kém hiệu quả, ông Ngô Văn Hùng, ấp Rau Dừa, xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước (Cà Mau), sáng tạo bằng cách chia nhỏ vuông tôm để nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến, kết quả năng suất tôm tăng trên 50%, lúa đạt trên 20 giạ/công.
Đến với ong là một sự tình cờ và gắn bó với nó như một cái duyên. Nhưng cái duyên đó đã mang lại thu nhập cao cho gia đình ông Phùng Văn Bắt, thôn Đoàn Kết, xã Hòa Sơn, huyện Hữu Lũng (Lạng Sơn).