Thạch Don Giỏi Trồng Điều

Sau 3 lần lỡ hẹn, tôi mới gặp được ông “vua điều” Thạch Don để nghe anh kể một vài bí quyết trồng điều sao cho hiệu quả.
Mới 44 tuổi nhưng bề ngoài Thạch Don khá chững chạc. Vì sản xuất kinh doanh giỏi lại có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc nên anh được bà con bầu làm trưởng khu phố, đại diện cho 96 hộ đồng bào Khmer khu phố Phước Hòa, phường Tân Thiện, thị xã Đồng Xoài, Bình Phước.
Ở thủ phủ cây điều Bình Phước thì Thạch Don không phải là người có nhiều đất. Gia đình anh hiện có 11ha đất, trong đó đã có 3ha cao su, vậy mà bình quân mỗi năm vẫn thu hơn 20 tấn điều nhân.
Năm nay giá hạt điều thấp, bình quân 20.000 đồng/kg, anh thu từ cây điều được 400 triệu đồng. Còn những năm trước, mỗi năm anh thu trên 700 triệu đồng, cùng với gần 300 triệu đồng từ 3ha cao su.
Điều tôi băn khoăn là tại sao với diện tích không nhiều mà sao năng suất điều của anh vẫn cao và ổn định đến thế? “Vua điều” bật mí: Khoảng 5-6 năm về trước, cây cao su có giá, người dân đổ xô vào trồng cao su. Nhiều doanh nghiệp chế biến hạt điều ở Bình Phước bị giảm nguồn cung nên đã đầu tư cho cây điều nhằm giữ mối.
Nắm thời cơ này, Thạch Don đã hợp tác với Trung tâm Khuyến nông tỉnh để tìm hiểu trồng và chăm sóc giống điều cao sản gốc Ấn Độ trên 8ha.
Bước sang năm thứ tư cây điều bắt đầu ra trái, nhưng vụ đầu tiên, anh dập hết hoa không cho ra trái. Đến năm thứ 5, anh bắt đầu đầu tư phân bón, tỉa cành, phun thuốc sâu bệnh thuốc dưỡng hoa phòng ngừa sâu bệnh cho điều theo quy định.
Theo Thạch Don, cây điều không kén đất nhưng phải biết chọn giống và kỹ thuật chăm sóc. Nếu trồng điều ở những địa hình dốc, mùa khô cần tưới nước để bảo đảm nguồn dinh dưỡng cho cây điều.
Do biết gắn kết giữa kỹ thuật với sản xuất, dịch vụ chế biến, tính toán chi phí giá thành hợp lý nên sản phẩm điều của anh đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Và vì vậy mà Thạch Don đã được đồng bào Khmer trong vùng tôn là “vua điều”…
Với thành tích trên, anh Thạch Don vừa được Hội Nông dân tỉnh Bình Phước đề nghị Hiệp hội Điều Việt Nam trao tặng bằng khen hộ nông dân trồng điều giỏi nhất tỉnh.
Có thể bạn quan tâm

Những năm gần đây, nông dân xã Tân Phong (Cai Lậy, Tiền Giang) đã mạnh dạn áp dụng các tiến bộ kỹ thuật xử lý chôm chôm ra hoa trái vụ, góp phần nâng cao mức sống cho nhiều nông hộ, trong đó có anh Huỳnh Văn Chiến ở ấp Tân Luông A.

Hiện tôm thẻ chân trắng đang phát triển mạnh đối với loại hình nuôi công nghiệp và đang thâm nhập loại hình quảng canh truyền thống. Tuy nhiên, người dân còn thiếu thông tin về giá cả, loại giống và chất lượng, vì thế không ít chủ đầm tôm công nghiệp đổ nợ vì tôm chết.

Thời ấy giá 1 ký dông giống lên đến 450.000 đồng, mặc dù vậy nhiều người vẫn bỏ ra một khoản tiền lớn để nuôi động vật này. Đến nay, do nhu cầu tiêu thụ dông của các nhà hàng trong đất liền xuống thấp, người nuôi dông ở Phú Quý bị điêu đứng vì đầu ra. Thời điểm mà nghề nuôi dông trên đảo ăn nên làm ra là vào đầu năm 2008 đến cuối năm 2012.

Tuy nằm sâu trong ấp 17, xã Khánh Thuận, huyện U Minh, Cà Mau nhưng để tìm đến nhà anh Nguyễn Trung Kiên không khó, bởi trong ấp ai cũng biết đến anh. Anh trở thành người “nổi tiếng” cách đây khoảng hơn 1 năm nhờ vào mô hình nuôi gà nòi lai F1 trên đệm lót sinh học bằng men balaza N01.

Những năm gần đây, nhờ tận dụng lợi thế đất đai và tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất rau, quả an toàn, huyện Mỹ Đức đã có nhiều sản phẩm nông sản được gắn nhãn VietGAP như: Rau, táo, nhãn..., tạo tiền đề để địa phương phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, bền vững.