Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nông dân Bảo Lâm đổ xô trồng tiêu

Nông dân Bảo Lâm đổ xô trồng tiêu
Ngày đăng: 17/09/2015

Trong khi đó, nguồn gốc cây giống lại được người dân mua trôi nổi và kỹ thuật trồng, chăm sóc chủ yếu được truyền miệng cho nhau. Ngành chức năng huyện Bảo Lâm đang ra sức tuyên truyền, khuyến cáo người dân không nên trồng tiêu ồ ạt.

Anh Phan Văn Lâm mới trồng tiêu trên đất cà phê

Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2015, theo thống kê chưa đầy đủ, nông dân xã Lộc Phú (huyện Bảo Lâm) đã trồng mới 15ha tiêu. Đối với một xã xác định cây trồng chủ lực là chè và cà phê thì việc phát triển diện tích tiêu nhanh chỉ trong một thời gian ngắn là điều khá bất thường.

Bất thường ở chỗ, theo chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã Lộc Phú trong năm 2015, diện tích tiêu trồng mới chỉ là 2ha. So với chỉ tiêu này, diện tích tiêu mà người dân tự trồng đã gấp 7,5 lần. Trên thực tế, diện tích tiêu do người dân trồng mới từ đầu năm đến nay còn lớn hơn nhiều.

Theo bà Lê Thị Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Phú, diện tích tiêu hiện tại có thể đã tăng gấp đôi so với con số thống kê trước đây và chủ yếu được người dân trồng xen trong vườn cà phê. Mặc dù xã đã có khuyến cáo người dân không ồ ạt trồng tiêu, nhưng vì giá tiêu tăng cao nên người dân vẫn tự phát trồng.

Điều đáng lo ngại nhất là người dân chưa biết kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây tiêu, nhất là tiêu giống được mua trôi nổi nên rất dễ xảy ra rủi ro. 

Cách đây 4 - 5 năm, gia đình ông Trương Việt Quang (thôn 2, xã Lộc Phú) đã bắt đầu trồng vài trăm gốc tiêu xen trong vườn cà phê. Trong giai đoạn thu trái bói, mỗi năm gia đình ông cũng thu được 60 - 70kg tiêu khô.

Thấy hiệu quả cao, bước sang năm 2015, ông đã mua hơn 3.000 gốc tiêu giống để về trồng xen trong 4ha cà phê. Tuy nhiên, hiện tại ông đang rất lo lắng vì số tiêu mới xuống giống này bị chết rất nhiều. Ngay cả một số nọc tiêu cũ cũng bị nhiễm bệnh và chết dần. Ông Quang cho biết:

“Được người quen giới thiệu, tôi đã xuống Bà Rịa - Vũng Tàu để mua tiêu giống. Giá cây giống là hơn 10 ngàn đồng/bịch. Khi mới đem về thì cây giống phát triển rất “sung”, nhưng chỉ một thời gian ngắn thì cây giống “lụi” dần. Hiện, 3.000 bịch cây giống đã chết gần hết; trong đó, có nhiều cây chưa kịp trồng đã chết luôn trong bịch”. 

Tại xã Lộc Phú, hiện tại, không có điểm cung ứng tiêu giống cũng như cây gòn để làm trụ tiêu. Người dân chủ yếu truyền miệng nhau về những địa điểm bán giống có “uy tín” tại trung tâm huyện Bảo Lâm hoặc các tỉnh lân cận như Đắk Nông, Đắk Lắk, Đồng Nai…

Anh Phan Văn Lâm (thôn 3, xã Lộc Phú) cho biết, trước đây, bố anh đã trồng vài trăm nọc tiêu trong vườn cà phê. Hiện, số nọc tiêu này đã cho thu bói, nhưng chủ yếu để làm quà biếu chứ chưa bán. Dù chưa biết hiệu quả trồng tiêu tới đâu, nhưng anh vẫn “mạnh dạn” phá bỏ 3 sào cà phê đã ghép cải tạo trước đây để trồng tiêu.

“Giống tiêu trước được mua từ Đắk Lắk. Đến nay, để có giống trồng mới thì tôi chiết nhánh “lươn” trong vườn để trồng. Sở dĩ tôi phá cà phê để trồng tiêu vì muốn thử nghiệm xem tiêu có phù hợp với đất ở đây không. Phải 2 - 3 năm nữa mới biết được kết quả như thế nào” - anh Lâm chia sẻ. 

Theo thống kê, những xã trên địa bàn huyện Bảo Lâm phát triển diện tích tiêu nhiều nhất trong thời gian gần đây là Lộc An, Lộc Ngãi, Lộc Đức, Lộc Phú… Ông Nguyễn Đình Gắn, Chủ tịch UBND xã Lộc Ngãi, cho biết:

“Chỉ trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 7 năm nay, nông dân trong xã đã trồng 105ha tiêu xen trong vườn cà phê. Đây là con số tăng “chóng mặt” và xã đã có khuyến cáo người dân không nên thâm canh cây tiêu. Bởi lẽ, đây là cây trồng khá mới đối với huyện Bảo Lâm, nên chưa biết được nguy cơ dịch bệnh như thế nào, giá cả ra sao khi diện tích tăng đột biến trong thời gian ngắn. Trong khi đó, để đầu tư 1 trụ tiêu thì mất chi phí khá cao (từ 100.000 đồng trở lên)”. 

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Bảo Lâm, từ trước đến nay, diện tích tiêu trên địa bàn toàn huyện chỉ giữ ổn định ở mức 50ha. Tuy nhiên, thời gian gần đây người dân trồng rất nhiều và Phòng đang tiến hành thống kê lại.

Cây tiêu không được huyện Bảo Lâm quy hoạch phát triển mà chủ yếu do người dân trồng tự phát xen trong vườn cà phê. Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với các xã khuyến cáo người dân không nên trồng ồ ạt. Còn theo ông Hồ Đình Quảng, Phó Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp huyện Bảo Lâm, kết quả điều tra vào quý I/2015 cho thấy diện tích tiêu trồng mới là 154ha.

Đến nay, diện tích này có thể tăng trên dưới 200ha. Điều đáng lo ngại là người dân hiện đang trồng ồ ạt, không có định hướng.


Có thể bạn quan tâm

Chợ Đồn Vào Vụ Thu Hoạch Quýt Chợ Đồn Vào Vụ Thu Hoạch Quýt

Có lẽ chẳng ai nhớ cây quýt được trồng ở các xã khu vực phía đông của huyện Chợ Đồn từ khi nào. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, quýt đã trở thành cây trồng giúp nhiều hộ dân xã Rã Bản, Đông Viên, Phương Viên, Đại Sảo có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy kinh tế - xã hội trên địa bàn.

17/12/2014
Rộn Ràng Mùa Cam Rộn Ràng Mùa Cam

Những ngày này không khí ở xóm Minh Hồ (xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp) náo nhiệt hẳn lên, bởi bà con đang bước vào mùa thu hoạch cam với niềm vui được mùa. Khắp các vườn trong xóm, xung quanh nhà, đâu đâu cũng thấy màu vàng chín rộ của những vườn cam quả trĩu cành.

17/12/2014
Nhiều Mô Hình Liên Kết Trong Chăn Nuôi Nhiều Mô Hình Liên Kết Trong Chăn Nuôi

Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho biết liên kết theo chuỗi trong chăn nuôi đang phát triển nhanh, nhưng giá trị từ các mô hình liên kết vẫn còn chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị ngành chăn nuôi. Do đó, tiềm năng để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi liên kết theo chuỗi GTGT vẫn còn rất lớn.

17/12/2014
Khoai Mì Rớt Giá Thê Thảm Khoai Mì Rớt Giá Thê Thảm

Ông Huỳnh Văn Năng ở ấp Phước Hòa A, thị trấn Cù Lao Dung, huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) cho biết: “Vụ này tôi trồng 4 công khoai mì chỉ bán được hơn 5 triệu đồng, trừ hết các chi phí như phân bón, thuốc BVTV, thuê nhân công thu hoạch coi như công sức mấy tháng trời chẳng thu được đồng nào. Người trồng càng nhiều càng lỗ nặng hơn”.

17/12/2014
Loại Cây Biến Hàng Vạn Hộ Thành Tỷ Phú Loại Cây Biến Hàng Vạn Hộ Thành Tỷ Phú

Trồng thanh long sau Long An nhưng Bình Thuận nhanh chóng trở thành thủ phủ của cây này với 24.000 ha, gấp 1.000 lần so với cách đây 20 năm. Năm 1990, anh Trần Ngọc Hiệp bán chiếc xe máy Honda 67 mua được 3 ha đất tại Hàm Thuận Nam đã trồng thử và điều bất ngờ đã đến, đất đai tại Bình Thuận còn hợp thanh long hơn so với Long An, nơi anh lấy giống. Rồi từ 3 ha đấy anh phát triển lên 30, 70, 100, 300 ha.

17/12/2014