Thạch đen mất giá gây thiệt hại nhiều tỷ đồng
Người dân huyện Thạch An (Cao Bằng) gặp khó vì thạch đen mất mùa, mất giá.
Thạch đen là một cây trồng đem lại nguồn thu hàng năm ổn định cho người nông dân Thạch An (Cao Bằng). Mỗi năm, thạch đen cho thu hoạch hai vụ, sản lượng ước đạt 1.800 tấn, với mức giá khoảng 20 - 26 nghìn đồng/kg. Cao điểm có lúc bán được 40.000 đồng/kg.
Toàn huyện Thạch An có 5 xã trồng trên 300 ha thạch đen. Mỗi ha thu được 50 - 60 tạ, nên thu nhập người dân ổn định, diện tích trồng gia tăng dần theo năm.
Ông Lương Trung Kiên, Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thông (Thạch An) cho biết: “Toàn xã có 92 ha trồng thạch đen, thu nhập từ cây trồng này mỗi năm giúp hộ nghèo trong xã giảm từ 3-5%”.
Tuy nhiên, vụ thu hoạch thứ hai năm 2015, người dân Thạch An đang phải đối mặt với việc thua lỗ nặng khi một kg thạch đen chỉ còn đạt từ 8 - 13 nghìn đồng/kg.
Chưa kể đến, khí hậu khắc nghiệt dẫn đến sản lượng thạch đen thu được sụt giảm 20-30% so với các vụ trước.
Tổng thiệt hại lên đến nhiều tỷ đồng, khiến người dân thực sự lo lắng.
Bà Đinh Thị Hằng, xóm Nà Pò, xã Đức Thông cho biết: “Nhà tôi năm ngoái thu được 2 tấn thì năm nay chỉ được 1 tấn. Vậy mà giá xuống thấp như thế này, nếu bán ngay sẽ bị lỗ nặng”.
Ông Mã Vĩnh Quyết, Phó Trưởng phòng nông nghiệp huyện Thạch An cho biết: “Nguyên nhân thạch đen mất giá là do thị trường Trung Quốc giảm mạnh lượng thu mua. Hơn nữa, chúng ta chưa có một đơn vị nào đứng ra thu mua nên giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái”.
Hàng năm, lượng thạch đen thu hoạch được của hộ nông dân huyện Thạch An đều bị kiểm soát giá bởi các thương lái.
Những người đi buôn này lại phụ thuộc vào giá thành xuất sang Trung Quốc dẫn đến việc khi thị trường “hẹp cửa”, người nông dân bị ép bán với giá thấp hoặc rất thấp như năm nay.
Bà Hồ Thị Dùng, khu 5 (thị trấn Đông Khê, huyện Thạch An), một thương lái lâu năm chuyên thu mua thạch đen cho biết: “Giá xuất thấp thì chúng tôi thu mua thấp. Lợi nhuận không ảnh hưởng nhiều nhưng người nông dân sẽ bị thiệt hại lớn”.
Rõ ràng, việc chọn thạch đen làm cây chủ lực giảm nghèo là hướng đi đúng, nhưng ngành nông nghiệp Cao Bằng nói chung, huyện Thạch An nói riêng chưa tạo ra được môi trường kinh doanh bền vững, an toàn cho người nông dân.
Dẫn đến khi bị trượt giá, người nông dân rơi vào cảnh khốn đốn vì thua lỗ.
Các cấp quản lý trước mắt cần có phương án gỡ khó, giảm thiểu thiệt hại cho người nông dân. Sau đó, sớm tìm đầu ra lâu dài, bao tiêu thạch đen với giá ổn định, tránh lệ thuộc vào thị trường nước ngoài như hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh chương trình sản xuất tôm giống sạch giai đoạn 2015 - 2020 với mục tiêu hướng tới cung cấp nguồn tôm giống sạch cho người nuôi, loại trừ khả năng sử dụng nguồn giống kém chất lượng vốn đã chiếm tới 30% nguồn tôm giống thả nuôi hiện nay.
Đó sẽ là những sản phẩm "made in Vietnam" được tạo bởi nhóm học sinh trường THPT An Lạc Thôn (thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng).
Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ thời gian qua tiếp tục có những diễn biến phức tạp, công tác quản lý dịch bệnh vẫn còn một số khó khăn, tồn tại bất cập. Nhằm nâng cao hiệu quả và giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi tôm, ngày 14/8/2015, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đã ký Chỉ thị số 6621/CT-BNN-TY về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ.
Công nghệ năng lượng mặt trời (NLMT) đang được ứng dụng thử nghiệm vào quy trình nuôi tôm công nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu với diện tích 5 ha; tại Đầm Dơi - Cà Mau 0,3 ha với những lợi ích về môi trường cũng như làm giảm chi phí nuôi.
Ngày 19/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng chủ trì buổi làm việc với Tổ chức Thương mại sáng kiến bền vững Hà Lan tại Việt Nam (IDH) và Trung tâm Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn miền Nam về Chương trình phát triển cá tra bền vững.