Tàu dịch vụ, động lực cho nghề cá phát triển
Kết quả đó, ngoài yếu tố ngư trường, không thể không kể tới tác động từ việc phát triển tàu công suất lớn và mua sắm trang thiết bị hiện đại của ngư dân, trong đó đặc biệt là vai trò đóng góp của các tàu dịch vụ hậu cần trên biển.
Từ khi Đề án “Tổ chức lại nghề khai thác hải sản tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2013 – 2020” được triển khai, có dịp đi về các miền biển gặp gỡ, trao đổi với một số chủ tàu cá, chúng tôi ghi nhận thái độ hồ hởi của mọi người khi nêu quyết tâm đóng tàu lớn, chuyển dịch nghề vươn khơi xa đánh bắt hải sản làm giàu cho gia đình, quê hương và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh hải.
Nếu trong giai đoạn 2010 - 2013, toàn tỉnh chỉ có 11 chiếc đi đánh bắt xa bờ, thì đến nay đã tăng lên 62 chiếc (51 tàu khai thác và 11 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá), xu hướng đó đang tiếp tục tăng qua đăng ký của ngư dân.
“Hầu hết tàu cá này hoạt động khai thác ở vùng biển quần đảo Trường Sa, đây có thể coi là bước đầu thành công trong chuyển đổi nghề của ngư dân tỉnh nhà”- Anh Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục KT&BVNLTS tỉnh cho biết.
Cùng với yếu tố cơ cấu tàu cá đang chuyển dịch theo hướng đánh bắt xa bờ, đáng chú ý là hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá tương đối phát triển trên các cảng cá, bến cá, đủ khả năng đáp ứng cho 80% nhu cầu hoạt động khai thác hải sản.
Tàu dịch vụ vận chuyển cá cập cảng Đông Hải.
Không chỉ hoạt động trên bờ, cách đây 2 năm, qua tìm hiểu chúng tôi được biết đã có khoảng 24 tàu làm nghề dịch vụ thu mua hải sản trên biển, tuy hoạt động mới chủ yếu ở vùng lộng, gần bờ nhưng đã góp phần vào sự thay đổi dần nhận thức, tư duy hoạt động khai thác đánh bắt của ngư dân.
Sự thay đổi tư duy này được chứng minh rõ khi từ cuối năm ngoái đã có 6 tàu cá đăng ký hành nghề dịch vụ hậu cần nhưng là phục vụ cho khai thác xa bờ, riêng từ tháng 4 đến tháng 7 năm nay lại có thêm 5 tàu đăng ký tương tự.
Trong số 11 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá xa bờ này, có 7 chiếc của ngư dân xã Phước Dinh (Thuận Nam), 2 chiếc ở phường Mỹ Đông và 2 chiếc ở phường Đông Hải (Tp.Phan Rang-Tháp Chàm).
Các tàu này đều có công suất lớn, trong đó có 3 tàu (120 CV, 160 CV, 185 CV), 2 tàu (230 CV, 247 CV), 4 tàu (310 CV, 320 CV, 340 CV, 360 CV), 1 tàu 410 CV và 1 tàu 580 CV.
Gần đây, qua thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, ngày 7-7-2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, tỉnh ta có 8 ngư dân được phê duyệt vay vốn đợt đầu để đóng 1 tàu vỏ sắt, 3 tàu vỏ composite và 4 tàu vỏ gỗ bọc composite thì đã có 3 tàu xác định nghề làm dịch vụ hậu cần phục vụ cho khai thác xa bờ của ngư dân Dương Văn Thắng (Mỹ Đông), Võ Ngọc Minh (Đông Hải) và Nguyễn Đức Hải (Mỹ Tân, Thanh Hải, Ninh Hải).
Ông Dương Văn Thắng tâm sự:
Hiện tại gia đình có 1 tàu 160 CV đang làm dịch vụ hậu cần nghề cá ở biển khơi, cung cấp xăng dầu, thực phẩm và các nhu cầu khác, nhưng có sử dụng máy dò ngang nên cũng tham gia khai thác, lúc chưa thu mua được cá, nếu quét máy phát hiện có đàn cá lớn sẽ gọi tàu bạn đến đánh bắt chia đôi rồi nhận chở vào bờ.
Hiểu rõ tác động từ tàu dịch vụ đối với hoạt động đánh bắt xa bờ, ông Dương Văn Thắng tham gia dự án vay vốn theo NĐ số 67 và là người duy nhất đóng tàu sắt 800 CV chuyên làm dịch vụ hậu cần nghề cá.
Các ngư dân Võ Ngọc Minh và Nguyễn Đức Hải khi trao đổi với chúng tôi cũng cho biết, để phục vụ khai thác xa bờ, tàu họ ra khơi xa liên tục dùng máy dò ngang quét cá, phát hiện có đàn cá sẽ gọi ngay đội tàu gần nhất đến khai thác rồi ăn chia theo thỏa thuận và đảm trách vận chuyển vào bờ tiêu thụ.
Đến nay tỉnh ta đã có 98 tổ đoàn kết sản xuất trên biển với tổng số 468 tàu cá tham gia, so với đầu năm đã tăng thêm 22 tổ với 153 tàu cá.
Có thể nói, với sự xuất hiện của các tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ cho khai thác xa bờ, đã góp phần đẩy mạnh hoạt động hợp tác trong nghề đánh bắt và liên kết giữa các khâu (khai thác, chế biến, dịch vụ hậu cần thương mại ở các cảng cá, bến cá) nên tình hình tiêu thụ nhanh hơn và giá sản phẩm tiếp tục tăng so với năm trước.
Theo hướng khuyến khích ngư dân chuyển đổi cơ cấu thuyền nghề, tàu dịch vụ đang tạo động lực cho nghề cá tỉnh nhà phát triển và góp phần chuyển dịch dần cơ cấu hải sản đánh bắt xa bờ có giá trị kinh tế cao.
Có thể bạn quan tâm
Tuy không làm giàu nhanh nhưng việc tận dụng ao vườn để thả nuôi các loại thủy - hải sản cũng tạo thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Ông Lê Văn Nhịn ở Ấp 8 (xã Hòa Hiệp - Tam Bình - Vĩnh Long) đã “sống được” với mô hình nuôi tôm càng xanh.
Sau gần 5 năm gắn bó với nghề chăn nuôi, anh Trần Văn Hiếu, thôn Bích La, xã Triệu Đông (Triệu Phong, Quảng Trị) đã rút ra một kinh nghiệm quý báu: “Với tiềm năng, thổ nhưỡng ở địa phương, muốn vươn lên khá giả cần phải có sự chuyển đổi trong cách thức làm kinh tế, đồng thời nắm bắt được nhu cầu thị trường và tìm đầu ra thích hợp cho sản phẩm”. Chính ý chí ham học hỏi và quyết tâm làm giàu đã giúp anh Hiếu thành công với mô hình chăn nuôi vịt khép kín.
Trồng dưa leo trong vườn cao su là sáng kiến của anh Hồ Ngọc Phố ở ấp 8C, xã Lộc Hòa (Lộc Ninh - Bình Phước). Tuy mới đưa vào thử nghiệm nhưng bước đầu mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Từ ngày 1.7.2012, hàng năm, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ 500.000 đồng/ha/năm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất lúa trên đất chuyên trồng lúa nước.
Với niềm đam mê nuôi chim chóc từ thuở còn để chỏm, cộng với tính ham học hỏi, anh Lê Hữu Dũng ở thôn Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, Quảng Trị đã trở thành triệu phú từ nghề nuôi chim cút.