Tàu Đầy Cá, Ngư Dân Vẫn Lỗ
Những con tàu trở về từ ngư trường Hoàng Sa đầy ắp cá, mực, nhưng ngư dân vẫn lỗ từ 20-50 triệu đồng.
“Tôi phải năn nỉ mãi, bên thu mua mới tăng thêm 200 đồng/kg cá sơn. Vậy mà chuyến biển vẫn lỗ gần 30 triệu đồng”, anh Nguyễn Út (ngụ Sa Huỳnh, Quảng Ngãi), chủ tàu giã cào đôi QNg 947… TS than thở khi vừa bán xong hai tàu cá tại Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng).
Lỗ nặng vì ép giá?
Anh Nguyễn Út cho biết, chuẩn bị cho chuyến đi biển của đôi tàu giã cào vừa qua chi phí hết 295 triệu đồng, trên tàu có 23 lao động. Những ngày đầu biển vắng (biển không có cá - PV) nên anh Út rất lo lắng. Đến ngày thứ 15 trở lên, đôi tàu của anh trúng luồng đi của cá sơn.
Anh mừng thầm chuyến biển sẽ dư dả, bởi giá cá sơn bán tại bến trước đây khoảng 6.000 đồng - 8.000 đồng/kg. Khi trở về từ ngư trường Hoàng Sa, hai con tàu nặng trĩu cá. Nhưng tàu vừa cập Cảng cá Thọ Quang, nỗi lo ập đến trong anh.
“Chủ cá mua giá 4.000 đồng/kg, tôi phải năn nỉ mãi mới lên được 4.200 đồng/kg, nhưng cũng chỉ bán được gần 270 triệu đồng, tính ra lỗ gần 30 triệu đồng. Bấm bụng trích cho mỗi lao động một ít để họ lo cuộc sống, rồi còn đi tiếp với mình”, anh Út than thở.
Còn anh Phạm Thái Hiếu, chủ tàu QNg 945... TS và 458…TS cũng lỗ nặng sau khi tàu cập Cảng cá Thọ Quang. Tàu anh Hiếu đi chuyến biển 17 ngày, do bị tàu cá của Trung Quốc rượt đuổi, gây hư hỏng nhẹ phải quay về sớm, nhưng hai tàu giã cào cũng chở gần 30 tấn cá đù và các loại cá heo. Hy vọng sẽ bù lỗ được chuyến đi, vậy mà giá bán cá đù chỉ bằng 2/3 trước đây, nên anh lỗ gần 70 triệu đồng.
Theo anh Hiếu, trong chuyến biển vừa qua hầu như tàu nào cũng bị lỗ. “Người may mắn nhất là hòa vốn, còn ít thì lỗ 5-10 triệu, nhiều thì lỗ hàng chục triệu. Riêng chỉ có nghề đánh bắt cá ngừ và cá ngừ đại dương thì đỡ hơn nhưng cũng chẳng lời lãi bao nhiêu”, anh Hiếu chia sẻ.
Theo phản ánh của nhiều ngư dân, các chủ thu mua hải sản tại Cảng cá Thọ Quang cứ thấy tàu cá về bến nhiều là “tung chiêu” ép giá. Họ đưa ra đủ lý do như: cá ươn, cá xấu, lượng cá nhiều không tiêu thụ hết. “Không bán thì để cá thối, còn bán thì giá quá bèo. Trong khi muốn thuê xe chở về Quảng Ngãi bán để kiếm chút đỉnh tiền lời nhằm bù lỗ lại không được, bởi chủ các xe đông lạnh sợ bị hành hung”, một ngư dân cho biết.
Không dám ra khơi vì sợ lỗ
Thông thường, sau khi bán xong hải sản, ngư dân nghỉ ngơi một vài hôm rồi lại ra biển. Tuy nhiên, có mặt tại Âu thuyền – Cảng cá Thọ Quang, chúng tôi nhận thấy hàng chục tàu dù đã vào cả tuần nay nhưng vẫn “nằm bờ”, trong đó phần đông là tàu ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình. Anh Nguyễn Út cho biết: “Một số “bạn” sau khi thấy tình hình chuyến biển thua lỗ đã xin về quê, không đi nữa. Do đó, tôi cũng tạm “nằm bờ”, chờ xem tình hình thế nào mới quyết định được”.
Cùng cảnh, hai tàu giã cào của ngư dân Nguyễn Văn Quang (Quảng Ngãi) cũng phải đậu ở Âu thuyền Thọ Quang. Chuyến biển vừa qua, anh lỗ gần 20 triệu đồng. “Nghề biển hiện nay không còn như trước nữa. Giá xăng dầu tăng, biển giã ngày càng nguy hiểm, tàu nước ngoài liên tục xua đuổi, về bến thì bị “làm giá”. Ngư dân khổ trăm điều”, anh Quang than thở.
Dù lực lượng lao động vẫn đầy đủ trên tàu nhưng thuyền trưởng Nguyễn Văn Tú (ngụ tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa quyết định cho chuyến biển mới. Chuyến cá ngừ đại dương vừa qua không lỗ như các tàu giã cào nhưng tính ra mỗi lao động cũng chỉ kiếm được 1,5 triệu đồng/20 ngày, trong khi chủ tàu chỉ lãi có 5 triệu đồng. Do đó, anh Tú quyết định cho tàu “nằm bờ” ít hôm mới đi tiếp.
Sáng 13-4, một số ngư dân “đánh liều” chuẩn bị cho chuyến ra khơi cuối tháng 4. Họ chất đá, nước, gạo, thức ăn, trữ dầu, nhưng nét mặt ai nấy đều lo lắng, vì sợ ra khơi tiếp tục lỗ. Trong khi nợ ngân hàng thì cứ hối thúc, lao động càng ngày càng bỏ tàu để lên bờ, làm cho nhiều ngư dân “tiến thoái lưỡng nan”.
Có thể bạn quan tâm
Giai đoạn 2000 - 2005, phong trào trồng đậu tương hè trên địa bàn tỉnh phát triển rất mạnh. Tuy nhiên, những năm gần đây, cây trồng này mất dần "chỗ đứng". Để cải tạo đất và luân canh cây trồng cần tận dụng sản xuất đỗ tương hè hợp lý.
Một số người dân ở huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) đã biết đến việc nuôi cá chẽm theo mô hình công nghiệp. Với việc nuôi công nghiệp, chi phí khá lớn và độ hao hụt cao nên mức lãi cũng thất thường
Trong những ngày qua, hàng trăm hộ dân ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân, Bình Định) xôn xao chuyện giống lúa Nhị ưu 838 sản xuất vụ thu 2011 tại địa phương bị lẫn giống. Chúng tôi đã có cuộc khảo sát tìm nguyên nhân
Thời gian gần đây, Cty TNHH Hạt giống Syngenta Việt Nam đã đưa vào sản xuất tại Việt Nam một giống dưa không hạt đặc biệt chất lượng được thị trường rất ưa chuộng là giống dưa hấu Mặt Trời Đỏ
Trước đây, chuối là loại trái cây rẻ tiền và có nhiều ở vùng ngọt hóa bán đảo Cà Mau như huyện Trần Văn Thời, U Minh, Thới Bình. Vào mùa khô, chuối nhiều vô kể, bà con thường ép, mang phơi khô để dành ăn dần