Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tàu Đầy Cá, Ngư Dân Vẫn Lỗ

Tàu Đầy Cá, Ngư Dân Vẫn Lỗ
Publish date: Thursday. April 17th, 2014

Những con tàu trở về từ ngư trường Hoàng Sa đầy ắp cá, mực, nhưng ngư dân vẫn lỗ từ 20-50 triệu đồng.

“Tôi phải năn nỉ mãi, bên thu mua mới tăng thêm 200 đồng/kg cá sơn. Vậy mà chuyến biển vẫn lỗ gần 30 triệu đồng”, anh Nguyễn Út (ngụ Sa Huỳnh, Quảng Ngãi), chủ tàu giã cào đôi QNg 947… TS than thở khi vừa bán xong hai tàu cá tại Cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng).

Lỗ nặng vì ép giá?

Anh Nguyễn Út cho biết, chuẩn bị cho chuyến đi biển của đôi tàu giã cào vừa qua chi phí hết 295 triệu đồng, trên tàu có 23 lao động. Những ngày đầu biển vắng (biển không có cá - PV) nên anh Út rất lo lắng. Đến ngày thứ 15 trở lên, đôi tàu của anh trúng luồng đi của cá sơn.

Anh mừng thầm chuyến biển sẽ dư dả, bởi giá cá sơn bán tại bến trước đây khoảng 6.000 đồng - 8.000 đồng/kg. Khi trở về từ ngư trường Hoàng Sa, hai con tàu nặng trĩu cá. Nhưng tàu vừa cập Cảng cá Thọ Quang, nỗi lo ập đến trong anh.

“Chủ cá mua giá 4.000 đồng/kg, tôi phải năn nỉ mãi mới lên được 4.200 đồng/kg, nhưng cũng chỉ bán được gần 270 triệu đồng, tính ra lỗ gần 30 triệu đồng. Bấm bụng trích cho mỗi lao động một ít để họ lo cuộc sống, rồi còn đi tiếp với mình”, anh Út than thở.

Còn anh Phạm Thái Hiếu, chủ tàu QNg 945... TS và 458…TS cũng lỗ nặng sau khi tàu cập Cảng cá Thọ Quang. Tàu anh Hiếu đi chuyến biển 17 ngày, do bị tàu cá của Trung Quốc rượt đuổi, gây hư hỏng nhẹ phải quay về sớm, nhưng hai tàu giã cào cũng chở gần 30 tấn cá đù và các loại cá heo. Hy vọng sẽ bù lỗ được chuyến đi, vậy mà giá bán cá đù chỉ bằng 2/3 trước đây, nên anh lỗ gần 70 triệu đồng.

Theo anh Hiếu, trong chuyến biển vừa qua hầu như tàu nào cũng bị lỗ. “Người may mắn nhất là hòa vốn, còn ít thì lỗ 5-10 triệu, nhiều thì lỗ hàng chục triệu. Riêng chỉ có nghề đánh bắt cá ngừ và cá ngừ đại dương thì đỡ hơn nhưng cũng chẳng lời lãi bao nhiêu”, anh Hiếu chia sẻ.

Theo phản ánh của nhiều ngư dân, các chủ thu mua hải sản tại Cảng cá Thọ Quang cứ thấy tàu cá về bến nhiều là “tung chiêu” ép giá. Họ đưa ra đủ lý do như: cá ươn, cá xấu, lượng cá nhiều không tiêu thụ hết. “Không bán thì để cá thối, còn bán thì giá quá bèo. Trong khi muốn thuê xe chở về Quảng Ngãi bán để kiếm chút đỉnh tiền lời nhằm bù lỗ lại không được, bởi chủ các xe đông lạnh sợ bị hành hung”, một ngư dân cho biết.

Không dám ra khơi vì sợ lỗ

Thông thường, sau khi bán xong hải sản, ngư dân nghỉ ngơi một vài hôm rồi lại ra biển. Tuy nhiên, có mặt tại Âu thuyền – Cảng cá Thọ Quang, chúng tôi nhận thấy hàng chục tàu dù đã vào cả tuần nay nhưng vẫn “nằm bờ”, trong đó phần đông là tàu ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Bình. Anh Nguyễn Út cho biết: “Một số “bạn” sau khi thấy tình hình chuyến biển thua lỗ đã xin về quê, không đi nữa. Do đó, tôi cũng tạm “nằm bờ”, chờ xem tình hình thế nào mới quyết định được”.

Cùng cảnh, hai tàu giã cào của ngư dân Nguyễn Văn Quang (Quảng Ngãi) cũng phải đậu ở Âu thuyền Thọ Quang. Chuyến biển vừa qua, anh lỗ gần 20 triệu đồng. “Nghề biển hiện nay không còn như trước nữa. Giá xăng dầu tăng, biển giã ngày càng nguy hiểm, tàu nước ngoài liên tục xua đuổi, về bến thì bị “làm giá”. Ngư dân khổ trăm điều”, anh Quang than thở.

Dù lực lượng lao động vẫn đầy đủ trên tàu nhưng thuyền trưởng Nguyễn Văn Tú (ngụ tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa quyết định cho chuyến biển mới. Chuyến cá ngừ đại dương vừa qua không lỗ như các tàu giã cào nhưng tính ra mỗi lao động cũng chỉ kiếm được 1,5 triệu đồng/20 ngày, trong khi chủ tàu chỉ lãi có 5 triệu đồng. Do đó, anh Tú quyết định cho tàu “nằm bờ” ít hôm mới đi tiếp.

Sáng 13-4, một số ngư dân “đánh liều” chuẩn bị cho chuyến ra khơi cuối tháng 4. Họ chất đá, nước, gạo, thức ăn, trữ dầu, nhưng nét mặt ai nấy đều lo lắng, vì sợ ra khơi tiếp tục lỗ. Trong khi nợ ngân hàng thì cứ hối thúc, lao động càng ngày càng bỏ tàu để lên bờ, làm cho nhiều ngư dân “tiến thoái lưỡng nan”.


Related news

Nuôi Thử Chim Trĩ Nuôi Thử Chim Trĩ

Tại ấp Mỹ An B, xã Mỹ Thạnh An (TP. Bến Tre), chị Lê Thị Hoàng Anh - Bí thư Chi đoàn ấp là cán bộ Đoàn đầu tiên thử nghiệm mô hình nuôi chim trĩ.

Saturday. June 8th, 2013
Anh Vân Trúng Mùa Nho Tết Anh Vân Trúng Mùa Nho Tết

Anh Trần Thanh Vân 46 tuổi nêu gương sáng nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu ở thôn An Thạnh 1 thuộc xã An Hải, huyện Ninh Phước. Hôm sớm cần mẫn gắn bó ruộng vườn đem lại thu nhập cao bảo đảm cuộc sống gia đình hạnh phúc. Vườn nho nhà anh Vân trái chín treo chật cành màu đỏ thắm được thương lái thu mua trọn giàn phục vụ thị trường tết Nguyên đán Quý Tỵ.

Monday. July 29th, 2013
Ngư Dân Được Mùa Ruốc Ngư Dân Được Mùa Ruốc

Từ đầu tháng 8 đến nay, ngư dân xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam) rất phấn khởi vì được mùa ruốc, sản lượng khai thác khoảng 20 tấn/ngày. Giá ruốc tươi dao động từ 18- 25 ngàn đồng/kg, ruốc khô bán với giá là 90 ngàn đồng/kg. Nhờ được mùa ruốc nên ngư dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống.

Thursday. September 5th, 2013
Nông Dân “Chết Đứng” Vì Cá Chẽm Nông Dân “Chết Đứng” Vì Cá Chẽm

100 hộ dân ở xã Tịnh Kỳ, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đang điêu đứng vì cá chẽm nuôi ra không bán được, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.

Saturday. June 8th, 2013
Thử Nghiệm Thành Công Mô Hình Trồng Rong Nho Ở Huyện Trường Sa Thử Nghiệm Thành Công Mô Hình Trồng Rong Nho Ở Huyện Trường Sa

Đoàn công tác của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Hải dương học vừa nghiệm thu mô hình và bàn giao sản phẩm từ mô hình trồng đáy và trồng treo rong nho biển trong bể cho UBND huyện Trường Sa. Đây là kết quả thực hiện đề tài chuyển giao kỹ thuật trồng, chế biến và bảo quản rong nho biển cho quân và dân huyện đảo Trường Sa, do Thạc sĩ Nguyễn Xuân Hòa (Viện Hải dương học) làm chủ nhiệm.

Friday. September 6th, 2013