Kỹ Thuật Nuôi Bò Lai F1BBB
Nuôi bò thịt là việc làm quen thuộc của dân ta từ lâu đời. Giống bò phổ biến là con bò vàng. Do tầm vóc nhỏ nên bà con đặt cho nó cái tên là “bò cóc”.
Bò cóc có nhiều ưu điểm như: Khỏe mạnh, nhanh nhẹn, chịu đựng được điều kiện kham khổ ở nhiều nơi, chống chịu với bệnh tật tốt và mắn đẻ. Tuy nhiên, nó có tầm vóc quá nhỏ bé, khối lượng ít và thành thục tính dục chậm (2,5-3 tuổi mới phối giống được lứa đầu) năng suất sữa và thịt đều thấp. Khối lượng bình quân chỉ đạt 160-200kg/con. Tỷ lệ thịt xẻ của chúng thấp, chỉ đạt độ 40-42%...
Vì vậy, chúng ta có chủ trương cải tạo đàn bò (kể cả bò thịt và bò sữa). Riêng với bò thịt, ta đã có chương trình “zebu hóa” để tạo ra đàn bò lai giữa bò cóc với các giống bò khác như: Sindhi, Brahman, Saliwal... Đặc biệt, con bò lai sind được bà con rất hâm mộ. Tầm vóc của nó lớn hơn bò vàng, khối lượng sơ sinh từ 17-19kg, khối lượng trưởng thành ở con đực từ 400-450kg và con cái từ 250-350kg.
Ta có thể cho nó phối giống lần đầu lúc 18-24 tháng tuổi. Khoảng cách giữa hai lứa đẻ là 15 tháng. Nó chịu đựng kham khổ tốt, khả năng chống bệnh tật cao và thích nghi được với điều kiện nóng ẩm ở ta. Tuy nhiên, các chuyên gia về giống gia súc của Hà Nội vẫn chưa thỏa mãn. Họ hướng con bò lai tới một đối tượng khác, đó là giống bò BBB.
Gọi là bò BBB vì tên tiếng Anh của nó là Blanc Bleu Belge. Đây là giống bò siêu thịt của Vương quốc Bỉ. Nó có 3 màu chính là trắng, trắng loang xanh và trắng loang đen. Có nơi còn gọi nó là bò trắng xanh Bỉ. Nó có cơ thể đồ sộ, các thớ thịt lúc nào cũng cuồn cuộn. Khi trưởng thành, bò đực có khối lượng tới 1.250kg và bò cái cũng đạt tới 750kg. Con sơ sinh cũng đã có trọng lượng là 45kg.
Trong năm đầu, mỗi ngày nó tăng trọng tới 1,3kg. Được 1 năm tuổi, nó đã nặng tới 450kg. Tỷ lệ thịt xẻ của chúng cũng rất cao, đạt tới 66%. Rõ ràng, đây là giống bò thịt tuyệt vời. Bò BBB rất hiền, ăn uống dễ dàng. Chỉ có điều, bò BBB khó đẻ. Ở Bỉ, 95% số ca đẻ của nó phải sử dụng đến phẫu thuật.
Các chuyên gia ở Công ty Giống gia súc Hà Nội đã lai con BBB với con cái là bò Sind hoặc lai sind. Ta không thể lai chúng với con bò cóc được vì bò cóc bé quá, đẻ sao nổi! Người ta chọn con mẹ là con lai Sind đã đẻ từ lứa thứ 2 tới lứa thứ 5. Nó phải có khối lượng ít nhất từ 280kg trở lên. Ta lấy tinh của bò BBB để phối cho nó. Kết quả rất mỹ mãn: Con sơ sinh đạt từ 27-35kg.
Tuy khối lượng lớn nhưng bò lại đẻ rất dễ. Thậm chí có con còn đẻ sinh đôi. Trong 3 tháng đầu, tốc độ tăng trọng đạt 700g/ngày. Từ tháng thứ 3 cho tới tháng 12, nó tăng trọng 840g/ngày. Nuôi nó chỉ 1,5 năm là đã có thể đạt tới 460kg/con.
Bê lai F1BBB thuần tính, dễ chăm sóc, đạt trọng lượng cao khi nuôi vỗ béo. Thịt của nó thơm, ngon và luôn có giá cao.
Công ty Giống gia súc Hà Nội đã nhân cho thành phố tới trên 3.000 con. Họ sẵn sàng giúp cho bà con các nơi nhân nhanh giống bò lai F1BBB. Hãy gọi ngay cho họ để được hỗ trợ (điện thoại: 0437.630.895).
Có thể bạn quan tâm
Chiều 9.6, Phó Chủ tịch thường trực T.Ư Hội NDVN Hà Phúc Mịch đi thăm mô hình trồng quýt của anh Trần Văn Bảo ở ấp 8, xã Tấn Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước.
Bộ NNPTNT vừa có văn bản đề nghị Bộ TNMT xem xét, đưa tôm thẻ chân trắng (TTCT) ra khỏi danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại. Lý do là nếu giữ TTCT trong danh mục đó sẽ ảnh hưởng đến tình hình phát triển sản xuất và xuất khẩu loại thủy sản này
Sau dừa, khoai lang, cua..., các thương nhân Trung Quốc (TQ) đã đến vùng nguyên liệu ở ĐBSCL đặt trạm và trực tiếp mua khóm (dứa) của nông dân với giá cao. Họ còn tới tận ruộng khóm xem xét và gợi ý sẽ “cung cấp thuốc” để nông dân xử lý cho trái thật to!
Trái cóc là một loại quả có nhiều ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài việc trái cóc dùng để ăn (có vị ngọt và hơi chua, rất dễ ăn), lá cóc còn dùng để nấu canh chua - món ăn dân dã được nhiều người ưa chuộng
Lâu nay, nghề nuôi yến chủ yếu phát triển mạnh ở các vùng ven biển miền Trung, nhất là tỉnh Khánh Hòa, bởi nơi đây hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để nghề này phát huy hiệu quả cao. Những năm gần đây, nghề nuôi yến bắt đầu phát triển tại các tỉnh miền Đông Nam bộ. Tại Dầu Tiếng (Bình Dương), nghề nuôi yến được bà con nông dân thử nghiệm thành công, trong đó mô hình nuôi yến tại nhà của bà Vũ Thị Tuất, ngụ ấp Tân Phú, xã Minh Tân là một điển hình.