Tất Bật Ra Đồng Sau Tết
Sau những ngày nghỉ tết, nông dân trên địa bàn tỉnh lại tất bật bắt tay vào công việc đồng áng với hy vọng sẽ có một năm bội thu.
Hy vọng mùa bội thu
Mấy ngày nay, nhiều nông dân ở Bàu Tròn (xã Đại An, Đại Lộc) tập trung ra đồng để cải tạo đất, chăm bón và phòng trừ dịch bệnh cho cây màu và chuẩn bị cho vụ mùa mới. Bà Nguyễn Thị Lài ra đồng từ sớm để bón phân cho mấy sào ớt và bắp vừa mới gieo trồng trong vụ đông xuân để kịp thời thu hoạch vào cuối tháng 2 âm lịch sắp tới.
Chân bước vội qua những luống ớt bắt đầu cho quả, bà Lài cho biết: “Đồng đất Bàu Tròn mùa này bắt đầu khô hơn nên bà con nông dân ở đây chủ yếu trồng dưa hồng, bắp và các loại cây ngắn ngày khác. Tết này mấy loại cây ăn trái như đậu, khổ qua, dưa leo... giá bán khá cao, rau ghim thì thấp hơn nhưng nhờ thời tiết thuận lợi nên chúng tôi cũng thu nhập ổn định, đón tết tươm tất hơn”.
Không chỉ tập trung chăm bón cây màu, ngay sau những ngày nghỉ tết, nông dân ở Đại Lộc cũng tập trung gieo sạ, tỉa dặm và chăm sóc giống lúa lai 2 dòng. Giống lúa này cho năng suất cao và thời gian phát triển khác so với giống lúa thuần chủng nên nông dân xuống giống khá trễ. Không khí ra đồng ngày đầu năm rất phấn khởi và khẩn trương. Cả cánh đồng rộn ràng tiếng cười nói, mỗi người một công việc trên thửa ruộng của gia đình, người thì bắt ốc, tỉa dặm, bón phân…
Nhìn cánh đồng lúa lên xanh mơn mởn, ông Dương Tám (thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) mừng vui nói: “Nói với mấy chú mừng chứ làm lúa giống cho công ty, chúng tôi có thu nhập gấp 2 lần so với làm lúa để ăn. Mỗi ký lúa giống công ty trả bằng 2 ký lúa thường. Tuy hơi vất vả do quy trình chăm sóc kỹ lưỡng, an toàn dịch bệnh, quy trình phân bón nghiêm ngặt nhưng bù lại nông dân chúng tôi biết thêm cách làm lúa an toàn dịch bệnh, có thêm kiến thức về nông sản sạch…”.
Vụ đông xuân 2014 - 2015, huyện Đại Lộc triển khai sản xuất lúa giống khoảng 1.500ha, gần 280ha sản xuất lúa lai 2 dòng. Mặc dù trước tết, tình hình sâu bệnh diễn biến không quá phức tạp nhưng ngành nông nghiệp huyện Đại Lộc không chủ quan, khuyến cáo, hướng dẫn bà con nông dân cách phòng trừ sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn trên cây lúa, từ đó tạo sự yên tâm để người dân tiếp tục sản xuất lúa vụ đông xuân.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Thanh - Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Đại Lộc cho biết, nông dân Đại Lộc xuống giống trễ hơn so với các địa phương trên địa bàn tỉnh, sạ trà 1 vào khoảng giữa tháng 2.2015, vào mùng 6 tháng Giêng (ngày 24.2) nông dân tiếp tục sạ trà 2.
Ngành nông nghiệp địa phương tập trung quản lý đồng ruộng về dịch hại rất hiệu quả. “Chúng tôi không phải lo lắng nhiều vì khi sản xuất lúa hàng hóa được sự tham gia từ nhiều phía… Ngành nông nghiệp cũng dự báo, khuyến cáo sâu bệnh kịp thời, người dân tham gia đồng loạt nên rất hiệu quả” – ông Thanh nói.
Đề phòng hạn hán
Mấy năm gần đây, thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện thành công các bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao năng suất, hướng đến chất lượng hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nông dân. Cây màu được xem là cây cải thiện đời sống người dân tại nhiều địa phương trong những năm qua.
Các huyện Đại Lộc, Thăng Bình, Duy Xuyên, Phú Ninh… tập trung đầu tư xây dựng hệ thống điện, thủy lợi hóa đất màu, hạ tầng giao thông nội đồng, triển khai cánh đồng mẫu sản xuất rau màu, thâm canh theo hướng an toàn dịch bệnh giúp nông dân giảm chi phí, tăng thu nhập trên đơn vị diện tích. Thời điểm này, nông dân thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu, Duy Xuyên) tập trung chăm sóc đậu phụng, ớt, bắp, đậu cô ve trên hơn 60ha ở bãi bồi ven sông. Nhờ hệ thống điện, thủy hóa đất màu rộng khắp nên nông dân chủ động được nước tưới cho cây trồng. Đây là khâu quyết định đến hiệu quả vụ mùa.
Bà Phan Thị Hường (thôn Lệ Bắc) neo người nhưng vẫn gieo trồng mấy sào màu tốt tươi. Bà nói: “Điện kế bên, giếng cũng có rồi, việc tưới nước cho cây màu ở đây không khó khăn chi, mùa nắng thì 2 ngày tưới một lần, còn bữa ni thời tiết ấm áp 3 ngày tôi mới tưới lần, rứa nên cây cối ở đây cũng xanh tốt lắm, mùa mô năng suất cũng cao”.
Năm 2014 ngành nông nghiệp Quảng Nam thu được nhiều thắng lợi, vì thế ngay từ đầu vụ, ngành nông nghiệp đã có hướng dẫn cụ thể về lịch thời vụ cũng như cử cán bộ khuyến nông xuống từng địa phương hướng dẫn bà con tăng cường các biện pháp kỹ thuật, chủ động diệt chuột bảo vệ cây trồng.
Hiện nay hầu hết diện tích lúa và cây trồng cạn tương đối an toàn dịch bệnh. Tuy nhiên, việc đảm bảo nước tưới vẫn được ngành nông nghiệp đặt lên hàng đầu. Theo Sở NN&PTNT, công tác chống hạn cần phải đặt ra ngay từ đầu năm. Ngành nông nghiệp đề nghị các địa phương vận động nhân dân tưới tiết kiệm và có biện pháp điều hành nước, đề phòng hạn xảy ra gây hại trên cây trồng...
Có thể bạn quan tâm
Nếu không được ông Phan Văn Nhàn, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vĩnh Phú cho biết trước thì chúng tôi khó có thể nghĩ đó là một ông chủ đang sở hữu gần 20 trại nuôi chim bồ câu đặt tại 6 tỉnh, thành và còn là ông chủ của 4 nhà hàng ở Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trạm đã tổ chức khảo sát địa bàn, nhận thấy các hộ đăng ký nhận nuôi ở hai xã Phan Hiệp và Phan Điền có đầy đủ điều kiện để chăm sóc và phát triển đàn dê, như có đủ diện tích đất để làm bãi chăn thả và trồng cỏ, thuận lợi đường giao thông, có khả năng đầu tư phù hợp với yêu cầu kỹ thuật và nội dung của mô hình.
Vụ Đông năm 2014, xã Mỹ Thành gieo trồng 234ha cây trồng các loại, trong đó có tới 232ha đậu tương, còn lại là rau màu. Do phù hợp với đồng đất nơi đây nên cây đậu tương cho hiệu quả kinh tế cao, trung bình gấp 1,5 – 2 lần so với cấy lúa truyền thống. Vì vậy, từ nhiều năm nay, người dân Mỹ Thành đã đưa diện tích cây đậu tương gieo trồng vụ Đông lên cao.
Theo đó, Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học sẽ chuyển giao toàn bộ quy trình sản xuất, cách ương cấy meo, tạo phôi 7 loại nấm ăn và nấm dược liệu cho phía Công ty TNHH MTV dịch vụ phát triển nông nghiệp Đồng Tháp. Buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Công ty TNHH MTV dịch vụ phát triển nông nghiệp Đồng Tháp và Viện nghiên cứu và phát triển công nghệ sinh học kết thúc tốt đẹp với sự thống nhất cao giữa hai bên.
Theo lãnh đạo Hợp tác xã (HTX) hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), hiện đơn vị có 60 hộ xã viên với diện tích sản xuất khoảng 40 ha, cho sản lượng hành thương phẩm khoảng 720 tấn. Từ khi được thành lập cuối tháng 3/2014 đến nay, HTX hành tím Vĩnh Châu đã có dịp tham gia nhiều đoàn xúc tiến thương mại trong, ngoài nước và các cuộc hội chợ để giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường.