Tập trung tái canh cây cà phê
Cây cà phê là cây trồng thế mạnh của huyện Đức Cơ, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Tuy nhiên, với việc người dân chưa nắm bắt được các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn nên hiệu quả mang lại chưa cao.
Đặc biệt, đa phần diện tích cà phê người dân khai thác nhiều năm đã trở nên già cỗi, năng suất, sản lượng giảm mạnh. Qua khảo sát, kiểm tra của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, toàn huyện có khoảng 300 ha cà phê cho năng suất kém cần được tái canh.
Theo ông Nguyễn Quốc Tư-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ: Để khuyến khích người dân đẩy nhanh tái canh diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng, cho năng suất thấp, từ nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp huyện, hàng năm Phòng đã triển khai chính sách trợ giá giống cà phê có năng suất cao cho người dân tái canh.
Cụ thể, mỗi cây cà phê giống, người dân được huyện trợ giá 3 ngàn đồng, phần chênh lệch còn lại so với giá thị trường do người dân trả. Cùng với đó, người dân được tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê theo quy trình tái canh của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Đến nay, số diện tích cà phê tái canh mới là 68 ha, dự kiến trong năm 2015, huyện hỗ trợ khoảng 180 triệu đồng trợ giá tái canh thêm khoảng 60 ha.
Hiện Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đang tiến hành khảo sát, lập danh sách các hộ thực hiện tái canh (ưu tiên cho đồng bào dân tộc thiểu số) và sẽ tiến hành cấp giống cho người dân trồng vào khoảng trung tuần tháng 7.
Toàn huyện Đức Cơ hiện có 5.200 ha diện tích cà phê, trong đó diện tích cà phê kinh doanh khoảng 4.924 ha với năng suất bình quân đạt 27,5 tạ/ha; tổng sản lượng bình quân hàng năm trên toàn huyện đạt khoảng hơn 13 ngàn tấn. |
Ngoài ra, để giúp người dân nắm vững quy trình tái canh cà phê cũng như nâng cao hiểu biết về khoa học kỹ thuật trong canh tác, góp phần tăng hiệu quả kinh tế đối với loại cây trồng này, năm 2015, Trạm Khuyến nông huyện đã dành gần 160 triệu đồng để tiếp tục triển khai nhân rộng 2 mô hình trong năm 2014 là mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tái canh trên cây cà phê với quy mô 3 ha và mô hình ICM trên cây cà phê với diện tích 8 ha cho người dân trên địa bàn các xã, thị trấn.
Hướng tới mục tiêu đến năm 2020 nâng tổng diện tích cà phê trên toàn huyện đạt 6.000 ha, năng suất, sản lượng cà phê tăng dần qua các năm, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững, thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ người dân tái canh mới đối với diện tích cà phê bị già cỗi, kém chất lượng cũng như hỗ trợ kỹ thuật nhằm cải tạo lại diện tích cà phê cho năng suất kém do quy trình canh tác lạc hậu-ông Nguyễn Quốc Tư cho biết thêm.
Có thể bạn quan tâm
Đến thôn Toàn Thắng, xã Bách Thuận (Vũ Thư, Thái Bình), ai cũng biết anh Nguyễn Văn Trọng, bởi anh là chủ vườn có tiếng với nhiều loại cây quý và đẹp.
Trước đây, với 9 sào đất, anh Đồng Chí Nghị ở ấp Bình Tân, xã Xuân Phú (huyện Xuân Lộc) trồng cây ăn quả nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Năm 1994, anh quyết định cưa bỏ cây ăn quả để chuyển qua sản xuất rau màu. Do đất đai không bằng phẳng, có khoảnh cao, khoảnh thấp, anh Nghị đã tính toán bố trí cây trồng hợp lý. Với gần 4 sào đất cao được trồng bắp, đậu, 5 sào còn lại nằm vị trí thấp, anh trồng luân canh khổ qua, dưa leo, đậu ve và bắp trắng.
Trung tâm Nghiên cứu rừng ngập mặn Minh Hải (Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam) đã phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới trồng thí nghiệm ở Cà Mau ba loại cây, trong đó có cây chà là ăn trái rất có hiệu quả...
Hai bàn tay trắng, dắt díu vợ con chọn vùng đất nhiễm phèn nặng giữa Tứ giác Long Xuyên để mưu sinh, vậy mà bây giờ Phan Thành Tiến, ở ấp Vĩnh Lợi (xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) đã trở thành tỷ phú. Bí quyết gì? Tất cả nhờ vào cây khoai lang tím Nhật
Cách đây hơn 10 năm, như nhiều ND ở Chợ Gạo (Tiền Giang), vợ chồng chị Trần Thị Kim Hoàng ở ấp Hòa Mỹ, xã Bình Ninh chỉ nuôi ít heo nái sinh sản bán giống cho cô, bác trong ấp.