Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tập trung cho nhiệm vụ chiến lược

Tập trung cho nhiệm vụ chiến lược
Ngày đăng: 07/10/2015

Chú trọng nông thôn mới

Năm 2014, huyện Thăng Bình có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Bình Tú. Đầu năm 2015, Thăng Bình tổ chức đoàn công tác tham quan, học tập việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã Điện Trung, Điện Quang (Điện Bàn).

Việc họp Ban Chỉ đạo thực hiện nông thôn mới và họp trực báo giao ban hằng tháng cũng được thực hiện đúng định kỳ.

Với sự chuẩn bị chu đáo về nhiều mặt, Thăng Bình đặt ra chỉ tiêu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015 là Bình Giang, Bình An, Bình Định Bắc, Bình Quý và Bình Chánh. Đến thời điểm này, cả 5 xã đã đủ 19 tiêu chí đạt chuẩn, huyện đã hoàn thành hồ sơ đề xuất UBND tỉnh công nhận.

Mới đây, đoàn công tác của tỉnh đến kiểm tra, thẩm định 19 tiêu chí nông thôn mới của các xã Bình Giang, Bình Định Bắc và Bình Chánh.

Các xã Bình An, Bình Quý cũng đã được UBND tỉnh lên kế hoạch thẩm định trong thời gian tới.

Như vậy, về cơ bản, kế hoạch xây dựng nông thôn mới của Thăng Bình trong năm 2015 đã được thực hiện trước thời hạn gần 3 tháng.

Thăng Bình đang phấn đấu để có 2 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2016 là Bình Định Nam và Bình Phú. Cả 2 xã có 14 tiêu chí đạt chuẩn đến thời điểm này.

Các xã Bình Trung, Bình Trị, Bình Sa phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017.

Các xã này đã có 11 - 13 tiêu chí đủ chuẩn. Ông Hồng Quốc Cường, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, hoàn thành xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng điểm của tỉnh và của huyện.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2015 - 2020) thông qua. Thăng Bình đang tập trung đồng bộ các nguồn lực, các ngành, các cấp cũng như huy động sức người, sức của để có thể đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất, dự kiến là trước năm 2019.

“Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý điều hành xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, thi đua trong nhân dân cũng như thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn để phát triển sản xuất hiệu quả là những giải pháp cốt lõi của huyện từ nay cho đến lúc hoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Trên cơ sở đó, các xã sẽ lĩnh hội và linh hoạt bắt tay thực hiện” - ông Hồng Quốc Cường nói.

 

Trồng rau theo tiêu chí VietGAP ở Bình Triều.

Tái cơ cấu nông nghiệp

Về nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX nêu rõ phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, toàn diện, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo phát triển bền vững trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.

Huyện tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển sản xuất hiệu quả; khai thác, vận dụng tốt các cơ chế chính sách; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, lao động, nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động.

Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Phan Công Vỹ, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, Thăng Bình đang khẩn trương rà soát, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp cho các loại cây có lợi thế cạnh tranh như rau, hoa nhiệt đới, lúa.

Huyện sẽ hình thành một số chuỗi rau sạch, an toàn theo tiêu chí VietGAP. Trước mắt, đối với thị trường cung ứng, huyện khuyến khích một số doanh nghiệp tin cậy cung ứng giống, thuốc thực vật an toàn.

Các giống lúa, cao su, rau, hoa cho năng suất cao sẽ được ứng dụng rộng rãi mà lại phù hợp với điều kiện tự nhiên.

Đến xã Bình Triều vào những ngày này, chúng tôi nhận thấy sản xuất nông nghiệp diễn ra khẩn trương. Tại thôn Phước Ấm, các nông hộ tất bật trộn phân bón vào đất rồi đơm gọn các lô chậu được sắp đặt gọn gàng trong vườn.

Trồng hoa ly ly, cúc, thược dược được kỳ vọng sẽ đem lại thu nhập khấm khá cho các nhà vườn ở thôn vào vụ tết sắp đến.

Ở thôn Hưng Mỹ, các luống rau húng, hành, ngò, xà lách được các nông hộ tỉa tót, bón phân, làm nước. Trong khi đó, tại thôn Phước Châu, người dân tập trung be đắp lại các đường kênh dẫn nước, sửa sang hạ tầng thủy lợi.

Ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho biết, xã đã quy hoạch cụ thể từng vùng sản xuất nông nghiệp ở từng thôn gắn với đầu tư chế biến và thị trường tiêu thụ cụ thể.

Ở thôn Vân Tây, các nông hộ chú tâm sản xuất lúa với các giống cho năng suất cao đã được lựa chọn kỹ càng. Người dân thôn Hưng Mỹ chuyên canh trồng rau sạch theo hướng VietGAP.

Hợp tác xã rau sạch Mỹ Hưng ra đời trong vài năm qua, đảm nhiệm việc thu mua, chế biến và cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.

Các nông hộ ở thôn Phước Ấm trồng hoa, cây cảnh để gắn bó với truyền thống địa phương vừa phù hợp với thổ nhưỡng.

Phát triển theo vùng

Huyện Thăng Bình có 3 vùng khác nhau về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội là vùng đông, vùng trung và vùng tây.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện coi trọng quy hoạch để phát triển kinh tế ở mỗi vùng. Trọng tâm của vùng tây là phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn đồi, trang trại theo mô hình nông, lâm kết hợp.

Về kinh tế rừng, huyện tập trung trồng keo nguyên liệu, cao su. Các cánh đồng cao su tiểu điền và đại điền đang xanh ngút ngàn ở các xã Bình Phú, Bình Trị, Bình Định Nam. Kinh tế vườn đồi có các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Thực hiện Nghị quyết của huyện, xã Bình Lãnh tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa.

Định hướng của xã là tập trung các diện tích đồi núi để trồng cỏ. Cỏ được trồng thêm ở các diện tích sản xuất lúa 1 vụ sau khi đã thu hoạch, phục vụ chăn nuôi bò.

Ngoài chăn nuôi bò, xã phát triển mạnh các đàn gia cầm, gia súc với quy mô trang trại tập trung. Bình Lãnh lên kế hoạch phát triển đàn gia cầm từ 18.000 con hiện nay tăng lên 28.000 con đến năm 2020.

Xã phấn đấu nâng đàn heo từ 1.500 con hiện nay lên 5.000 con vào năm 2020.

“Xã đã tổ chức quán triệt chủ trương sản xuất theo nghị quyết của Đảng bộ huyện đến từng cán bộ, đảng viên và người dân để nâng cao nhận thức và huy động sức mạnh tổng thể.

Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể sẽ nhất quán phối hợp với từng tổ, thôn, vận động người dân tập trung phát triển kinh tế đúng định hướng của huyện.

Việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các gương điển hình sản xuất tốt sẽ được thực hiện, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế” - ông Huỳnh Kim Chánh, Bí thư Đảng ủy xã Bình Lãnh nói.

Đối với vùng trung, Thăng Bình tập trung phát triển công nghiệp trên cơ sở các khu, cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quy hoạch cũng như phát triển các cánh đồng mẫu và đẩy mạnh thương mại - dịch vụ.

Ở vùng đông của huyện, phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm.

Cùng với đó là ưu tiên phát triển du lịch biển.

Ông Trần Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết:

“Trên cơ sở nghị quyết của Đảng bộ huyện, xã Bình Minh đã đặt ra nhiệm vụ là huy động tất cả nguồn lực trong nhân dân, tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của trung ương, của tỉnh để đóng mới tàu vỏ thép, cải hoán nâng cấp tàu vỏ gỗ có công suất lớn cũng như ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ qua đó không ngừng phát triển khai thác hải sản theo chiều sâu”.


Có thể bạn quan tâm

Gói Tín Dụng Vực Dậy Ngành Cá Tra Cần Cơ Chế Thông Thoáng Gói Tín Dụng Vực Dậy Ngành Cá Tra Cần Cơ Chế Thông Thoáng

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho nông dân và doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cá tra, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của vùng ĐBSCL, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) Nhà nước nhanh chóng triển khai việc cho vay với lãi suất ưu đãi cho chăn nuôi và thủy sản. Tuy nhiên, đến thời điểm này nguồn vốn ưu đãi vẫn còn "xa tầm với" của doanh nghiệp (DN) và người nuôi cá. Vẫn khó tiếp cận vốn

20/10/2012
Phối Hợp Ngăn Chặn Tình Trạng Sử Dụng Chất Cấm Trong Chăn Nuôi Phối Hợp Ngăn Chặn Tình Trạng Sử Dụng Chất Cấm Trong Chăn Nuôi

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Công an, Tài chính, Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp, có biện pháp xử lý nghiêm để ngăn chặn tình trạng nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

24/06/2012
Người Mê Tôm Hùm Người Mê Tôm Hùm

Ông Nguyễn Thành Nhơn ở thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên gắn bó với nghề nuôi tôm hùm gần 20 năm với bao thăng trầm, nay đã trở thành tỷ phú.

23/04/2012
Tiền Tỷ Từ Ba Ba Ở Yên Bái Tiền Tỷ Từ Ba Ba Ở Yên Bái

Xuất hiện ở thị trấn Nông trường Trần Phú (Văn Chấn, Yên Bái) từ năm 1991, giờ đây chăn nuôi thuỷ đặc sản ba ba đang trở thành một nghề mang lại thu nhập tiền tỷ. Nhiều gia đình ở đây có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm, xây dựng được nhà cửa khang trang cũng là nhờ nuôi ba ba.

10/06/2012
Mô Hình Nuôi Lợn Rừng Cho Thu Nhập Hàng Tỷ Đồng Mô Hình Nuôi Lợn Rừng Cho Thu Nhập Hàng Tỷ Đồng

Với những lợi thế về giá, khả năng kháng chịu dịch bệnh tốt, tận dụng được nguồn thức ăn tại chỗ, thị trường tiêu thụ rộng và ổn định, mô hình nuôi heo rừng bán hoang dã ở thôn Trung Nghĩa, xã Hoà Ninh, huyện Hoà Vang, thành phố Đà Nẵng đang giúp nhiều hộ nông dân có thu nhập hàng tỷ đồng một năm.

25/10/2012