Tập trung cho nhiệm vụ chiến lược
Chú trọng nông thôn mới
Năm 2014, huyện Thăng Bình có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Bình Tú. Đầu năm 2015, Thăng Bình tổ chức đoàn công tác tham quan, học tập việc triển khai xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các xã Điện Trung, Điện Quang (Điện Bàn).
Việc họp Ban Chỉ đạo thực hiện nông thôn mới và họp trực báo giao ban hằng tháng cũng được thực hiện đúng định kỳ.
Với sự chuẩn bị chu đáo về nhiều mặt, Thăng Bình đặt ra chỉ tiêu có thêm 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2015 là Bình Giang, Bình An, Bình Định Bắc, Bình Quý và Bình Chánh. Đến thời điểm này, cả 5 xã đã đủ 19 tiêu chí đạt chuẩn, huyện đã hoàn thành hồ sơ đề xuất UBND tỉnh công nhận.
Mới đây, đoàn công tác của tỉnh đến kiểm tra, thẩm định 19 tiêu chí nông thôn mới của các xã Bình Giang, Bình Định Bắc và Bình Chánh.
Các xã Bình An, Bình Quý cũng đã được UBND tỉnh lên kế hoạch thẩm định trong thời gian tới.
Như vậy, về cơ bản, kế hoạch xây dựng nông thôn mới của Thăng Bình trong năm 2015 đã được thực hiện trước thời hạn gần 3 tháng.
Thăng Bình đang phấn đấu để có 2 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2016 là Bình Định Nam và Bình Phú. Cả 2 xã có 14 tiêu chí đạt chuẩn đến thời điểm này.
Các xã Bình Trung, Bình Trị, Bình Sa phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2017.
Các xã này đã có 11 - 13 tiêu chí đủ chuẩn. Ông Hồng Quốc Cường, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, hoàn thành xây dựng nông thôn mới là chương trình trọng điểm của tỉnh và của huyện.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX (nhiệm kỳ 2015 - 2020) thông qua. Thăng Bình đang tập trung đồng bộ các nguồn lực, các ngành, các cấp cũng như huy động sức người, sức của để có thể đạt chuẩn nông thôn mới sớm nhất, dự kiến là trước năm 2019.
“Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống quản lý điều hành xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền, thi đua trong nhân dân cũng như thực hiện tốt công tác đào tạo, tập huấn để phát triển sản xuất hiệu quả là những giải pháp cốt lõi của huyện từ nay cho đến lúc hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
Trên cơ sở đó, các xã sẽ lĩnh hội và linh hoạt bắt tay thực hiện” - ông Hồng Quốc Cường nói.
Trồng rau theo tiêu chí VietGAP ở Bình Triều.
Tái cơ cấu nông nghiệp
Về nông nghiệp, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Thăng Bình lần thứ XX nêu rõ phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, toàn diện, nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo phát triển bền vững trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp.
Huyện tổ chức thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển sản xuất hiệu quả; khai thác, vận dụng tốt các cơ chế chính sách; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ; sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, lao động, nâng cao năng suất, chất lượng hoạt động.
Nói rõ hơn về vấn đề này, ông Phan Công Vỹ, Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, Thăng Bình đang khẩn trương rà soát, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp cho các loại cây có lợi thế cạnh tranh như rau, hoa nhiệt đới, lúa.
Huyện sẽ hình thành một số chuỗi rau sạch, an toàn theo tiêu chí VietGAP. Trước mắt, đối với thị trường cung ứng, huyện khuyến khích một số doanh nghiệp tin cậy cung ứng giống, thuốc thực vật an toàn.
Các giống lúa, cao su, rau, hoa cho năng suất cao sẽ được ứng dụng rộng rãi mà lại phù hợp với điều kiện tự nhiên.
Đến xã Bình Triều vào những ngày này, chúng tôi nhận thấy sản xuất nông nghiệp diễn ra khẩn trương. Tại thôn Phước Ấm, các nông hộ tất bật trộn phân bón vào đất rồi đơm gọn các lô chậu được sắp đặt gọn gàng trong vườn.
Trồng hoa ly ly, cúc, thược dược được kỳ vọng sẽ đem lại thu nhập khấm khá cho các nhà vườn ở thôn vào vụ tết sắp đến.
Ở thôn Hưng Mỹ, các luống rau húng, hành, ngò, xà lách được các nông hộ tỉa tót, bón phân, làm nước. Trong khi đó, tại thôn Phước Châu, người dân tập trung be đắp lại các đường kênh dẫn nước, sửa sang hạ tầng thủy lợi.
Ông Nguyễn Ba, Chủ tịch UBND xã Bình Triều cho biết, xã đã quy hoạch cụ thể từng vùng sản xuất nông nghiệp ở từng thôn gắn với đầu tư chế biến và thị trường tiêu thụ cụ thể.
Ở thôn Vân Tây, các nông hộ chú tâm sản xuất lúa với các giống cho năng suất cao đã được lựa chọn kỹ càng. Người dân thôn Hưng Mỹ chuyên canh trồng rau sạch theo hướng VietGAP.
Hợp tác xã rau sạch Mỹ Hưng ra đời trong vài năm qua, đảm nhiệm việc thu mua, chế biến và cung cấp cho các nhà hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Các nông hộ ở thôn Phước Ấm trồng hoa, cây cảnh để gắn bó với truyền thống địa phương vừa phù hợp với thổ nhưỡng.
Phát triển theo vùng
Huyện Thăng Bình có 3 vùng khác nhau về điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội là vùng đông, vùng trung và vùng tây.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện coi trọng quy hoạch để phát triển kinh tế ở mỗi vùng. Trọng tâm của vùng tây là phát triển kinh tế rừng, kinh tế vườn đồi, trang trại theo mô hình nông, lâm kết hợp.
Về kinh tế rừng, huyện tập trung trồng keo nguyên liệu, cao su. Các cánh đồng cao su tiểu điền và đại điền đang xanh ngút ngàn ở các xã Bình Phú, Bình Trị, Bình Định Nam. Kinh tế vườn đồi có các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Thực hiện Nghị quyết của huyện, xã Bình Lãnh tập trung chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa.
Định hướng của xã là tập trung các diện tích đồi núi để trồng cỏ. Cỏ được trồng thêm ở các diện tích sản xuất lúa 1 vụ sau khi đã thu hoạch, phục vụ chăn nuôi bò.
Ngoài chăn nuôi bò, xã phát triển mạnh các đàn gia cầm, gia súc với quy mô trang trại tập trung. Bình Lãnh lên kế hoạch phát triển đàn gia cầm từ 18.000 con hiện nay tăng lên 28.000 con đến năm 2020.
Xã phấn đấu nâng đàn heo từ 1.500 con hiện nay lên 5.000 con vào năm 2020.
“Xã đã tổ chức quán triệt chủ trương sản xuất theo nghị quyết của Đảng bộ huyện đến từng cán bộ, đảng viên và người dân để nâng cao nhận thức và huy động sức mạnh tổng thể.
Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể sẽ nhất quán phối hợp với từng tổ, thôn, vận động người dân tập trung phát triển kinh tế đúng định hướng của huyện.
Việc sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng các gương điển hình sản xuất tốt sẽ được thực hiện, động viên mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân phát triển kinh tế” - ông Huỳnh Kim Chánh, Bí thư Đảng ủy xã Bình Lãnh nói.
Đối với vùng trung, Thăng Bình tập trung phát triển công nghiệp trên cơ sở các khu, cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quy hoạch cũng như phát triển các cánh đồng mẫu và đẩy mạnh thương mại - dịch vụ.
Ở vùng đông của huyện, phát triển kinh tế biển là nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với đó là ưu tiên phát triển du lịch biển.
Ông Trần Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết:
“Trên cơ sở nghị quyết của Đảng bộ huyện, xã Bình Minh đã đặt ra nhiệm vụ là huy động tất cả nguồn lực trong nhân dân, tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi của trung ương, của tỉnh để đóng mới tàu vỏ thép, cải hoán nâng cấp tàu vỏ gỗ có công suất lớn cũng như ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ qua đó không ngừng phát triển khai thác hải sản theo chiều sâu”.
Related news
Theo nhiều điểm bán trái cây ở khu vực nội ô TP Cần Thơ, gần đây nhiều loại trái cây ở khu vực ĐBSCL đã vào mùa thu hoạch rộ, nguồn cung tăng dẫn đến giá giảm.
Để tận dụng diện tích mặt nước (hơn 30.000 ha) tại các hồ chứa thuộc các huyện Ba Vì, Sơn Tây, Chương Mỹ và Mỹ Đức, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tạo mọi điều kiện để người dân triển khai mô hình nuôi cá lồng, nhất là các loài cá có giá trị kinh tế cao như rô phi, điêu hồng, chép...
Bệnh đốm trắng thanh long hay còn gọi là bệnh đốm nâu, tắc kè, bệnh ma là những tên gọi khác nhau mà bà con nông dân trồng thanh long ở Bình Thuận, Tiền Giang và Long An đặt tên cho một loại dịch hại mới phát sinh, gây thiệt hại nghiêm trọng và có xu hướng ngày càng lan rộng (NNVN đã phản ánh).
Nấm mối là đặc sản do thiên nhiên ban tặng. Mỗi năm, nấm mối chỉ xuất hiện 2 đợt vào giữa tháng 6 và đầu tháng 7, và những người tìm nấm phải thức từ rất sớm lùng khắp nơi và dạn dày kinh nghiệm mới thu hoạch được loại đặc sản này.
Qua một thời gian nuôi thử nghiệm, mô hình nuôi rắn mối đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đã mở ra cơ hội mới để người nông dân trên địa bàn tỉnh có thể đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập.