Bò Lai Sind Ở Trường Sa
Xã đảo Song Tử Tây nằm ở cực Bắc quần đảo Trường Sa thuộc tỉnh Khánh Hòa. Nơi đây có nguồn nước lợ và bãi cỏ xanh tốt về mùa mưa nhưng mùa nắng lại phải đối mặt với những khó khăn thường gặp như khô hạn và thiếu nước ngọt.
Tranh thủ mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 12 hàng năm, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đã mang một số bò địa phương ra nuôi thử nghiệm tại đảo này. Thời gian qua đàn bò phát triển tốt nhưng đây là giống bò nhỏ con, trọng lượng thịt hạn chế. Tháng 5-2011 có đoàn cán bộ của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Bùi Bá Bổng dẫn đầu ra thăm đảo, lãnh đạo, chỉ huy đảo đề xuất muốn có giống bò lai tốt hơn. Trở về đất liền, Thứ trưởng Bùi Bá Bổng gửi tặng đảo 3 con bò lai Sind.
Tiếp tục tinh thần vì Trường Sa thân yêu, lãnh đạo Bộ NN-PTNT giao Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam lập và thực hiện dự án “Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng, vật nuôi ở quần đảo Trường Sa”. Năm 2012, dự án đưa thêm ra đảo 4 con bò lai Sind. Đây là giống bò có năng suất thịt cao, thích nghi điều kiện kham khổ nơi đảo xa. Bò trưởng thành có trọng lượng khoảng 250 - 270kg.
Hiện nay, Song Tử Tây là đảo duy nhất ở quần đảo Trường Sa nuôi được bò. Vào những tháng khô hạn, thiếu cỏ, thức ăn chính của bò là cỏ khô, lá cây, giấy báo và bìa các tông. Khó khăn vậy nhưng con nào con nấy vẫn béo tròn như trái sim chín mộng. Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013 đã có 4 chú bê được sinh ra, khỏe mạnh. Dự kiến đến cuối năm 2013 sẽ có thêm 3 chú bê nữa ra đời. Mùa mưa các loại cây phát triển tươi tốt, cỏ mọc xanh non mơn mởn.
Những chú bê ngoài lúc được bò mẹ cho rúc vào bầu sữa còn tập gặm những cọng cỏ non nên lớn nhanh như thổi. Tuy nhiên, do nguồn thức ăn có hạn cũng như để đảm bảo môi trường, chỉ huy đảo chủ trương duy trì khoảng 9 - 10 con là vừa. Vì thế những con bò trước đây nhỏ con, năng suất thấp đã được thay thế bằng bò lai Sind. Những con bò trưởng thành sẽ góp phần cung cấp thịt cho quân dân xã đảo vào các dịp lễ, tết...
Chúng tôi gặp tiến sĩ Ngô Quang Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, chủ nhiệm dự án khi ông đang công tác tại đảo. Nhìn đàn bò to béo, khỏe mạnh, sinh trưởng tốt, ông vui mừng, phấn khởi và hy vọng số gà và ngỗng mới mang ra sẽ phát triển tốt không thua gì đàn bò. Tuy nhiên, để chủ động nguồn thức ăn mùa khô cho đàn bò, ông cũng mong muốn các cá nhân, đơn vị nếu có điều kiện, hàng năm gửi cho đảo khoảng chục khối (m³) rơm khô.
Nhìn đàn bò nhởn nhơ gặm cỏ ven sân bóng, với các chú bê con lúc tung tăng, nhảy nhót, đùa giỡn bên bò mẹ, lúc thong thả gõ nhịp trên đường rợp bóng cây tra, phong ba, bàng vuông… trông thật ngộ nghĩnh. Chỉ huy đảo đã phân công lực lượng theo dõi, chăm sóc, thậm chí giúp bò sinh đẻ với tình cảm, trách nhiệm rất đặc biệt. Sự thân mật với những con vật yêu quý trong gia đình nông dân Việt Nam làm cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân xã đảo Song Tử Tây không còn cảm giác xa cách mà thấy đất liền như luôn ở bên mình.
Có thể bạn quan tâm
Đó là nhận xét của lãnh đạo xã Phi Mô và Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Lạng Giang (Bắc Giang) về anh Nguyễn Thành Chung, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Phi Mô.
Nghề nuôi cá chình giúp nhiều nông dân ở khu vực bán đảo Cà Mau làm giàu. Do nhu cầu con giống ngày một tăng nên nhiều người đã nhập giống Trung Quốc về bán giá thấp.
Sản lượng thủy sản nuôi trong tháng 10/2013 ước đạt 10,1 nghìn tấn, tăng 33,75% so với cùng kỳ năm 2012, trong đó cá đạt 4,6 nghìn tấn, giảm 19,55%; tôm đạt 4,4 nghìn tấn, gấp 3 lần. Tính chung mười tháng năm 2013, sản lượng thủy sản nuôi ước tính đạt 76,2 nghìn tấn, tăng 17,81% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 48,4 nghìn tấn, tăng 2,65%; tôm đạt 19,4 nghìn tấn, tăng 85,78%.
Ba người đàn ông cùng quyết định “cột bè vào với nhau mà làm ăn”. Vậy mà đã 5 năm trôi qua, công việc lúc được lúc thua và dù cái máy xay, cái máy phát điện đều dùng chung, nhưng chưa bao giờ họ làm mất lòng nhau. Đó cũng là cái cách mà nhiều nhà lồng bè trên sông Chà Và (Bà Rịa - Vũng Tàu) đã chọn để cùng nương tựa vào nhau mà mưu sinh.
Trong những năm gần đây, ngành chăn nuôi của Hà Tĩnh phát triển với tốc độ khá nhanh. Đặc biệt chăn nuôi trâu, bò thịt đang được quan tâm và được xác định là một trong những chương trình phát triển trọng điểm của ngành nông nghiệp. Mặc dầu chăn nuôi trâu là một nghề vốn đã có từ lâu trong đời sống nông nghiệp, nông thôn của tỉnh, nhưng vẫn còn mang tính phân tán, nhỏ lẻ, người nuôi chưa chú trọng nhiều đến việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, nên hiệu quả mang lại từ nghề chăn nuôi trâu còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương tỉnh nhà.