Tập Trung Chăm Sóc Cây Vụ Đông
Đến nay, toàn tỉnh đã gieo trồng khoảng 13 ngàn ha cây trồng vụ đông các loại, trong đó: Cây ngô là 8,5 ngàn ha, còn lại là khoai lang, rau đậu. Đây cũng là thời điểm bà con nông dân trên toàn tỉnh đang tập trung chăm sóc cây rau màu đã trồng và tiếp tục trồng các loại rau khác còn trong khung lịch thời vụ.
Thực tế cho thấy trong những năm gần đây diện tích cây trồng vụ đông ưa ấm như: Ngô, đậu tương có giảm nhưng những cây vụ đông ưa lạnh như rau xanh các loại có tăng. Đặc biệt năng suất cây trồng vụ đông tăng do bà con nông dân đã biết chú trọng đến việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng hướng dẫn kỹ thuật.
Ông Nguyễn Văn Tâm ở xã Văn Lung (thị xã Phú Thọ) cho biết: “Trước đây chúng tôi trồng rau theo kinh nghiệm là chính, chủ yếu để phục vụ bữa ăn trong gia đình nên thu hoạch chẳng được là bao, có khi sâu ăn hết cả rau. Bây giờ trồng rau để bán, cây rau trở thành nguồn thu nhập quan trọng của gia đình nên chúng tôi phải học hỏi để trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo đúng hướng dẫn kỹ thuật. Vì thế rau, củ, quả vụ đông cho năng suất cao hơn nhiều”.
Về Cẩm Khê, chúng tôi được biết huyện đã gieo trồng được 835ha ngô, 250ha rau và vẫn đang tiếp tục trồng các loại rau, đậu còn trong khung lịch thời vụ. Đáng lưu ý trên đồng ruộng đã xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh gây hại nhẹ trên ngô như: Bệnh đốm lá nhỏ, sâu đục thân; trên rau đã xuất hiện bọ nhảy, rệp, sâu xanh…
Vì vậy ngoài việc chỉ đạo, hướng dẫn nông dân tiếp tục mở rộng diện tích cây vụ đông với các giống rau màu ngắn ngày còn trong khung lịch thời vụ, huyện khuyến cáo bà con chú ý theo dõi, phòng trừ sâu bệnh kịp thời để bảo vệ sản xuất.
Vụ đông năm nay huyện Hạ Hòa gieo trồng được gần 800ha cây vụ đông. Đồng chí Lữ Mạnh Thắng- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT cho biết: “Để đảm bảo sản xuất vụ đông năm 2014 đạt năng suất, sản lượng cao, theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và PTNT, huyện đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh hại diện tích cây vụ đông đã trồng.
Đối với diện tích ngô trồng muộn (đầu tháng 10) bón thúc đợt 1 khi ngô có 4 - 5 lá: Lượng bón cho 1 sào là 10 kg N.P.K-S 12.5.10-14 (phân 3 màu) hoặc bón 4 kg đạm urê + 3 kg kali clorua; kết hợp với phun bổ sung 1 lượt phân bón lá để cung cấp các chất vi lượng giúp cây sinh trưởng tốt. Đối với diện tích ngô 7 - 9 lá bón thúc lần 2 với lượng 10 kg NPK 12.5.10 (phân ba màu) hoặc 4 kg đạm urê + 3 kg kali clorua cho 1 sào.
Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kịp thời phát hiện và phun trừ có hiệu quả các đối tượng sâu bệnh hại, đặc biệt lưu ý sâu cắn lá, sâu đục thân trên cây ngô; sâu đục quả hại cây đậu tương. Tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn nông dân đẩy mạnh gieo trồng các cây rau màu vụ đông khác như: Khoai tây, rau các loại...”
Trong những ngày này, Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH Nhà nước 1 thành viên khai thác công trình thủy lợi Phú Thọ phối hợp chặt chẽ với các địa phương, chỉ đạo và thực hiện cung cấp đủ nước tưới dưỡng cho cây trồng vụ đông. Chi cục Bảo vệ thực vật, Trung tâm Khuyến nông tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và đầu tư thâm canh tăng năng suất cây trồng .
Tuy nhiên khó khăn trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây vụ đông hiện nay là giá vật tư, phân bón tăng cao ảnh hưởng đến việc đầu tư thâm canh của bà con nông dân. Hệ thống công trình thủy lợi ở một số nơi chưa đảm bảo tưới tiêu cho cây vụ đông. Việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách vẫn xảy ra.
Tình trạng kinh doanh buôn bán phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng vẫn còn. Vì vậy, sở, ngành, đơn vị liên quan, các huyện, thành, thị tăng cường xuống cơ sở phối hợp chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện nhằm khắc phục những tồn tại trên để vụ đông đạt hiệu quả cao hơn.
Có thể bạn quan tâm
Trong khi nhiều nông dân thành phố hoa đang “quay lưng” lại với cây atiso - đặc sản của Đà Lạt do giá cả bấp bênh, đầu ra thiếu ổn định, thì anh Nguyễn Trung Thành, một người con đất Sài thành lại bỏ phố lên núi để gắn bó với loại cây trồng này dưới chân núi LangBiang.
Nấm linh chi đỏ là một loại thảo dược, thức ăn giàu chất dinh dưỡng, có giá thành khá cao và nhu cầu sử dụng lớn. Qua quá trình tự tìm hiểu trên các chương trình khuyến nông, mạng internet, ông Nguyễn Đình Thanh, ngụ tại khu phố 3, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành (Tây Ninh) đã trồng thử nghiệm với số lượng khoảng 5.000 bịch phôi nấm.
Nhân rộng các biện pháp thâm canh cân đối lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới phun sương… theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, nhiều vùng chè Ô long trong tỉnh đã giảm đáng kể nguồn vốn đầu tư và tăng rõ rệt nguồn lợi nhuận.
Đến nay, nông dân đã thu hoạch xong vụ Đông xuân 2013-2014 và vụ Hè thu 2014, với diện tích 1.427,7 ha. Trong vụ Đông xuân, nông dân tham gia mô hình có lời cao hơn ngoài mô hình gần 3,2 triệu đồng/ha. Còn vụ Hè thu, mức lời cao hơn ngoài mô hình từ 4,5 triệu đến 5,5 triệu đồng/ha.
18 hộ nông dân tham gia được Cty CP Chứng nhận GLOBALCERT trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật theo quy trình VietGAP. Từ mô hình, đã cho ra sản phẩm xoài an toàn đầu tiên của TP Quy Nhơn dựa trên 4 tiêu chí: Chuẩn về kỹ thuật SX; an toàn thực phẩm; môi trường làm việc; truy xuất nguồn gốc sản phẩm.