Táo Đài Loan Giòn, Ngọt Trên Vùng Đất Lục Ngạn (Bắc Giang)
Được đưa vào huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trồng từ năm 2005, sau 10 năm "bén duyên", giờ đây táo Đài Loan trở thành cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đối với các hộ nông dân. Đây cũng là đặc sản của vùng đất Lục Ngạn được người tiêu dùng gần, xa ưa thích.
Chúng tôi về thôn Bèo, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn vào dịp nông dân đang thu hoạch táo Đài Loan. Những vườn táo um tùm, sai quả tắm mình trong nắng ấm cùng tiếng nói, cười giòn giã của bà con nông dân khiến bức tranh thôn quê miền núi càng thêm sinh động.
Vừa nhanh tay ngắt những chùm táo quả căng đầy chớm độ chín cho vào bao, bà Trịnh Thị Phon, một hộ trồng táo của thôn kể: Cách đây 5 năm, 5 sào ruộng của gia đình bà chỉ để cấy lúa một vụ không ăn chắc, thu nhập bấp bênh. Sau đó, bà Phon chuyển hẳn sang trồng táo Đài Loan. Ban đầu bà chỉ trồng 60 cây, thấy hiệu quả kinh tế cao, bà tiếp tục tăng dần số lượng. Hiện trong vườn của gia đình có khoảng 200 cây. Với giá bán hiện tại khoảng 30 nghìn đồng/kg, gia đình bà Phon thu về gần 90 triệu đồng/năm.
Không chỉ riêng gia đình bà Phon, 100% các hộ ở thôn Bèo đều trồng táo Đài Loan và táo xuân, trong đó chủ yếu là táo Đài Loan với diện tích khoảng 7ha. Ông Vi Văn Bình, Bí thư Chi bộ thôn Bèo tâm sự: "Khi mới đưa cây táo Đài Loan vào trồng, nhiều hộ dân băn khoăn không biết hiệu quả đến đâu, vì đây là loại giống mới. Sau một vài vụ, thấy chăm sóc không mấy khó khăn, thu nhập lại cao hơn so với cấy lúa, trồng vải, bà con đã mở rộng diện tích".
Giống táo Đài Loan được đưa vào trồng trên đất Lục Ngạn từ năm 2005, đồng thời được Bộ NN&PTNT công nhận là loại giống đầu tiên được trồng ở Việt Nam với tên gọi BG1. Do điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất Lục Ngạn khá phù hợp, nên cây táo sinh trưởng, phát triển tốt. Hiện nay, diện tích trồng táo Đài Loan của huyện Lục Ngạn khoảng 100 ha, tập trung ở các xã Biển Động, Phì Điền, Giáp Sơn, Thanh Hải...
Giống táo Đài Loan quả to, mã sáng, ăn ngọt và giòn hơn so với các loại táo thông thường đang trồng trên địa bàn huyện, được thương lái và người tiêu dùng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội rất ưa chuộng, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Từ tháng 12 dương lịch năm trước đến hết tháng 2 dương lịch năm sau là thời điểm chính vụ của táo Đài Loan. Khi táo chín trên cây có thể kéo dài được 20 ngày.
Vườn táo của bà Trịnh Thị Phon, thôn Bèo, xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang)
Theo kinh nghiệm của những người trồng táo Đài Loan lâu năm, loại cây này có giá trị kinh tế cao, năng suất ổn định, dễ trồng, đầu tư thấp, không kén đất. Trong quá trình chăm sóc, nông dân cần giữ đủ độ ẩm cho cây, bón phân đầy đủ, phun thuốc bảo vệ thực vật đúng quy định để phòng tránh bệnh hương mai thán thư và bệnh nấm mốc. Thời gian bắt đầu trồng cho đến lúc thu hoạch chỉ mất 1 năm; năng suất đạt khoảng 8 - 9 tấn/ha. Bình quân, 1 sào trồng táo, nông dân thu khoảng 20 triệu đồng, cao gấp 1,5 - 2 lần so với trồng vải.
Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lục Ngạn cho biết: Để khuyến khích bà con nông dân phát triển trồng táo Đài Loan, thời gian qua, UBND huyện Lục Ngạn đã có những cơ chế như hỗ trợ kinh phí 35% giá giống, phân bón; tập huấn kỹ thuật, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh... Đặc biệt, cây táo Đài Loan là loại cây trồng nằm trong Đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của huyện Lục Ngạn giai đoạn 2014 - 2020.
Năm nay, sản lượng táo Đài Loan toàn huyện ước đạt 850 tấn, tăng gấp đôi so với năm ngoái, doanh thu đạt khoảng 25 tỷ đồng.
Từ một vùng quê nổi tiếng với trái vải thiều chín đỏ, giờ đây, cùng với cam Đường Canh, bưởi Diễn, táo Đài Loan đã trở thành cây đặc sản, giúp bà con nông dân Lục Ngạn xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình.
Thời gian tới, huyện Lục Ngạn tiếp tục duy trì và phát triển thêm diện tích trồng táo Đài Loan. Đồng thời, tích cực hướng dẫn bà con áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc nhằm nâng cao giá trị kinh tế của loại cây trồng này. Ông Chu Văn Báo, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Lục Ngạn.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 26/5, theo thông báo nhanh của Trung tâm Nông nghiệp huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), trong thời gian gần đây, nạn sùng trắng đã phát sinh và gây hại trên nhiều loại cây trồng của huyện này như mía, tiêu, ca cao, khoai lang, cà phê, măng cụt, khoai mỳ, cao su, mít...; địa bàn bị sùng trắng gây hại nhiều nhất là 3 xã Đạ Tồn, Đạ P'loa và Đạ M’ri.
Ngoài ra, nhiều hộ cũng dành dụm đất trồng các loại cỏ làm thức ăn cho trâu vào mùa khô. Mỗi năm nông dân xã Đắk D'rông bán cho các địa phương khác trung bình từ 300 đến 500 con nghé, 200 trâu kéo và 300-400 trâu thịt thu về hàng chục tỉ đồng.
Với khát khao vươn lên phát triển kinh tế, bằng nghị lực và tinh thần cầu tiến không ngừng học hỏi, ông Đinh Văn Trẻ (1932) dân tộc H're ở thôn Làng Chai, xã Sơn Ba (Sơn Hà) đã gầy dựng nên trang trại nuôi trâu, bò trên chính mảnh đất quê hương mình với quy mô lên đến hơn cả trăm con.
Với khát khao vươn lên phát triển kinh tế, bằng nghị lực và tinh thần cầu tiến không ngừng học hỏi, ông Đinh Văn Trẻ (1932) dân tộc H're ở thôn Làng Chai, xã Sơn Ba (Sơn Hà - Quảng Ngãi) đã gầy dựng nên trang trại nuôi trâu, bò trên chính mảnh đất quê hương mình với quy mô lên đến hơn cả trăm con.
Hiện nay, tại vườn nhà bà H'Rinh Niê (buôn Cuôr Kăp, xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột) có một cây chuối trổ 2 buồng, không như những cây chuối bình thường.