Sản Phẩm Bưởi Năm Roi Tạo Hình Của Nhà Vườn Ninh Thới (Trà Vinh)
Tết Ất Mùi 2015, sẽ là năm thứ 02 mà một số nhà vườn ở xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đưa sản phẩm bưởi năm roi tạo hình ra ngoài thị trường. Những trái bưởi năm roi được tạo hình hồ lô có chữ tài-lộc, phúc-lộc-thọ hoặc hình thỏi vàng… có giá gần 01 triệu đồng/cặp (loại I) và đang được người tiêu dùng ở các thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội Cần Thơ… tìm đến.
Đây là sản phẩm mới, hứa hẹn được nhiều người đón nhận với ước vọng sẽ đem lại những điều tốt lành, may mắn, gia đạo bình an… trong dịp những ngày đầu năm mới.
Người tiên phong đưa sản phẩm bưởi năm roi tạo hình về xã Ninh Thới
Mâm ngũ quả là hình ảnh quen thuộc trong các gia đình Việt Nam cứ mỗi dịp năm hết, tết đến, đó cũng là sự tưởng nhớ, thành kính mà con cháu Việt gửi tới ông bà Tổ tiên. Nó mang theo thông điệp tâm linh hoặc những thỉnh cầu của gia chủ về những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với gia đạo trong năm mới.
Vì vậy, với sáng tạo của nhà vườn đã mang tính tâm linh đến với từng sản phẩm của mình làm ra, tạo ra những trái cây có hình dáng tâm linh mà dân gian tín ngưỡng. Ông Bùi Văn Sáu, ấp Vàm Đình, xã Ninh Thới khoe: Sản phẩm bưởi năm roi tạo hình tuy cực nhưng bù lại cho thu nhập khá cao. Đặc biệt là sản phẩm ít bị dội chợ và luôn khan hiếm hàng, giá trị kinh tế cao gấp 07 - 08 lần so với bưởi truyền thống chưng tết.
Được biết, trong vụ bưởi năm 2013 - 2014, qua tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, 02 người con của ông Bùi Văn Sáu đã mày mò tìm học nghề trồng bưởi cho trái và tạo hình của các nhà vườn ở một số nơi. Anh Bùi Chí Linh, người con trai lớn của ông Bùi Văn Sáu sau khi sang tận tỉnh Hậu Giang để “bái sư”, từ kinh nghiệm học được anh đã mạnh dạn về áp dụng trên vườn bưởi của gia đình.
Theo anh Bùi Chí Linh, trong vụ đầu chỉ thực hiện loại 02 sản phẩm bưởi hồ lô mang chữ: phúc-lộc-thọ và tài-lộc. Với hơn 200 trái thực hiện làm thử nghiệm, sau khi thu hoạch có khoảng 120 trái đạt theo yêu cầu. Trong vụ này, sản phẩm bưởi hồ lô của anh Linh được các thương lái tìm đến tận vườn hỏi mua với giá từ 800.000 /cặp (loại I, từ 1,4kg/trái trở lên), loại II (từ 1,2 đến dưới 1,4 kg/trái) có giá 500.000 đồng/cặp. Riêng bưởi loại III có giá từ 250.000 - 300.000 đồng/cặp.
Cũng theo ông Bùi Văn Sáu, trong vụ bưởi tết 2013 - 2014 gia đình đã thu nhập trên 50 triệu đồng từ sản phẩm bưởi năm roi tạo hình hồ lô: phúc-lộc-thọ và tài-lộc. Để tiếp tục đa dạng sản phẩm chưng tết, phục vụ thị hiếu của khách hàng, vụ bưởi tết 2014 - 2015, gia đình đã triển khai làm sản phẩm loại bưởi hồ lô có hình thỏi vàng.
Trong diện tích 0,5ha đất trồng bưởi (xen canh trong vườn sa bô), khoảng 250 gốc được gia đình chọn làm bưởi tạo hình với số lượng gần 500 trái, do bưởi hồ lô tạo hình thỏi vàng đòi hỏi tính công phu và kỹ thuật cao hơn các loại sản phẩm khác (bù lại giá trị mang lại rất cao, có giá từ 01 triệu đồng/cặp trở lên). cho nên gia đình chỉ làm thử nghiệm khoảng 50 - 60 trái.
Sự ra đời của Câu lạc bộ bưởi năm roi tạo hình ở xã Ninh Thới
Thấy được hiệu quả của mô hình làm bưởi tạo hình, không chỉ là người có công phát triển và đưa kinh nghiệm, kỹ thuật làm bưởi tạo hình về địa phương, gia đình ông Bùi Văn Sáu còn có ý niệm muốn nhân rộng nghề này đến với các nhà vườn trong xã.
Ngoài việc nâng cao thu nhập cho các nhà vườn, những người con trong gia đình ông mong muốn thông qua việc phát triển nhân rộng sản xuất loại hình bưởi năm roi tạo hình để từng bước liên kết, xây dựng thương hiệu bưởi cho vùng đất Ninh Thới.
Anh Nguyễn Thanh Hoài, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè, cho biết: Tháng 11/2014, xã đã tiến hành thành lập câu lạc bộ (CLB) bưởi năm roi tạo hình, có 14 thành viên tham gia với diện tích khoảng 05ha đất trồng bưởi. Đây sẽ là điều kiện để góp phần nhân rộng và phát triển phong trào sản xuất bưởi tạo hình. Anh Bùi Chí Linh được chọn làm Chủ nhiệm CLB và anh Nguyễn Văn Cần, Phó Chủ nhiệm CLB.
Vụ bưởi tết 2014 - 2015, thông qua mô hình CLB bưởi năm roi tạo hình sẽ triển khai việc trồng, sản xuất bưởi hồ lô với 03 sản phẩm: phúc-lộc-thọ, tài-lộc và thỏi vàng. Đồng thời, thực hiện liên kết với một đơn vị ở Hà Nội để làm bưởi có hình bàn tay Phật.
Theo anh Nguyễn Văn Cần, do các tổ viên còn mới mẻ với tay nghề, nên trong vụ bưởi tết này chỉ có khoảng 05 tổ viên tham gia làm bưởi tạo hình để bán. Các tổ viên còn lại chỉ làm thử nghiệm, vừa làm - vừa học hỏi và trau dồi tay nghề với nhau. Riêng tôi, do đây là vụ đầu tiên nên cũng chỉ làm thử nghiệm khoảng 200 trái bưởi hồ lô phúc-lộc-thọ và tài-lộc; riêng sản phẩm bưởi thỏi vàng chỉ thử nghiệm vài cặp.
Nói về kinh nghiệm để làm bưởi hồ lô tạo hình, ông Bùi Văn Sáu cho biết: Khi trái bưởi non đạt kích cỡ khoảng quả trứng vịt là tiến hành cho vào khuôn. Các khuôn này được mua từ các chủ đại lý độc quyền, có giá 42.000 đồng/khuôn (phúc-lộc-thọ), thấp nhất là khuôn hồ lô tài-lộc có giá 13.000 đồng/khuôn.
Từ lúc đưa trái bưởi vào khuôn đến thu hoạch khoảng 06 tháng là tiến hành cắt bán, để có sản phẩm bán tết nhà vườn phải biết canh thời tiết và xử lý hoa, tạo trái. Tỷ lệ hao hụt khi làm ra sản phẩm từ 25 - 30%.
Có thể bạn quan tâm
Bước vào mùa vụ ở Bắc Ninh, chiếc máy gặt đập liên hợp (GĐLH) luôn trở thành “tâm điểm” cần mẫn làm việc trên khắp những cánh đồng lúa chín rộ. Cùng với việc hoàn thành dồn điền đổi thửa ở nhiều địa phương, nhu cầu sử dụng cơ giới trong thu hoạch lúa tăng cao, việc đầu tư cho những chiếc máy GĐLH cũng được nhiều nông dân quan tâm và chuyển theo hướng chất lượng hơn.
Theo Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh, sản lượng thủy sản ngư dân Bình Định khai thác được trong 6 tháng đầu năm 2014 đạt 78.000 tấn, tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, cá ngừ đại dương đạt gần 5.000 tấn, tăng 6,6%. Sản lượng thủy sản khai thác được khá lớn, nhưng ngư dân không vui vì chi phí đầu vào đang ở mức cao, trong khi giá sản phẩm giảm mạnh.
Hiện giá nấm sò đang được các thương lái mua với giá 7 ngàn đồng/kg (giảm 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ), giá nấm mèo dao động từ 50-55 ngàn đồng/kg (giảm 20.000 đồng/kg). Nguyên nhân do thị trường xuất khẩu là Trung Quốc giảm nhập hàng. Với giá bán này, sau khi trừ các khoản chi phí đầu tư, người trồng nấm lỗ hoặc chỉ huề vốn.
UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản giao các sở ngành, địa phương triển khai biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh trên tôm theo chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo kế hoạch, năm 2014 toàn tỉnh Nam Định phấn đấu diện tích nuôi trồng thủy sản đạt 15.567ha các loại; trong đó nuôi nước ngọt 9.408ha tập trung vào các loại cá truyền thống và 6.159ha nuôi mặn lợ chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao, cá bống bớp...