Tăng Cường Kiểm Tra, Xử Lý Việc Bơm Nước Vào Gia Súc, Thịt Gia Súc

Bộ NN-PTNT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ và các bộ: Công an, Công thương, Thông tin Truyền thông, về việc tăng cường kiểm tra, xử lý việc bơm nước vào gia súc, thịt gia súc.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục phản ánh việc bơm nước vào gia súc trước và sau khi giết mổ tại một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Đăk Lăk...
Đây là hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi bất chính, gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng; đồng thời làm cho thịt gia súc dễ bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại từ nguồn nước, dụng cụ bơm nước, gây mất VSATTP.
Để ngăn chặn triệt để hành vi nêu trên, nhằm đảm bảo VSATTP và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu UBND cấp huyện, xã:
- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân buôn bán, giết mổ động vật không được bơm nước vào gia súc, thân thịt gia súc, hoặc liên kết với người buôn bán thịt gia súc để gian lận thương mại;
- Chỉ đạo lực lượng công an, QLTT phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y tổ chức điều tra, đấu tranh, triệt phá việc bơm nước vào gia súc, thân thịt gia súc trên địa bàn; xử lý đồng bộ các hình thức xử phạt theo đúng quy định của pháp luật (bao gồm cả hình thức phạt tiền, chuyển mục đích sử dụng sản phẩm động vật làm thức ăn chăn nuôi, xử lý gian lận thương mại...).
- Đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở Công thương: Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành tăng cường phối hợp với lực lượng công an, thú y, ban quản lý chợ và chính quyền cơ sở để thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc bơm nước vào gia súc, thịt gia súc; công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, buôn bán thịt gia súc vi phạm để người tiêu dùng biết và không mua thịt gia súc đã bị bơm nước.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các bộ, ngành có liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động phối hợp với chính quyền và lực lượng quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra, đấu tranh, triệt phá hành vi bơm nước vào gia súc, thịt gia súc trong quá trình vận chuyển, giết mổ và kinh doanh gia súc, thịt gia súc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; tác hại về kinh tế và sức khỏe cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm động vật bị bơm nước.
Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhằm phát hiện việc bơm nước vào gia súc, thịt gia súc để chấn chỉnh, xử lý kịp thời; rà soát các tồn tại, bất cập và báo cáo Bộ để chỉ đạo, điều hành; tổng hợp các vụ vi phạm tại các địa phương và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Có thể bạn quan tâm

Quy trình sinh sản nhân tạo tôm Rằn đã được công bố trên các tạp chí thủy sản: số 11 năm 2004; Số tháng 2 năm 2005. TS.Tôn Thất Chất - Trường Đại Học Nông Lâm - Đại Học Huế là chủ nhiệm đề tài sinh sản nhân tạo tôm Rằn cấp tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2004 - 2006

Do hiệu quả vượt trội, mô hình chống rét này hiện đã được nhân rộng tại các vùng nuôi cá bống bớp trên địa bàn huyện Nghĩa Hưng và trên cả tỉnh Nam Định. Ghi nhận của các chuyên gia nuôi trồng thuỷ sản, mô hình này có thể áp dụng với nhiều loài cá nuôi đặc sản nước mặn, lợ khác có khả năng chịu rét kém như vược, song, giò.

Phong trào trồng cacao xen trong vườn dừa và vườn cây ăn trái khác đang phát triển mạnh ở hầu hết đất vườn Bến Tre. Cùng với 52.000 ha diện tích dừa, 43.000 ha diện tích cây ăn trái, khoảng 9.500 ha cacao đang phát triển khá tốt và có chiều hướng gia tăng.

Trong những năm qua, khai thác lợi thế, nghề nuôi trồng thủy sản đã phát triển mạnh. Phong trào nuôi ngọt phát triển khắp nơi, từ vùng rừng núi xa xôi đến đồng bằng rộng lớn, nhất là đồng bào vùng sâu vùng xa, nơi giao thông còn gặp nhiều khó khăn

"Chưa bao giờ cá điêu hồng nuôi bè có giá cao và mang lại hiệu quả kinh tế hấp dẫn như hiện nay", đó là nhận định của một người nuôi cá điêu hồng trên bè ở Tiền Giang trong điều kiện giá cá điêu hồng hiện ở mức 35.000 đồng/kg, mỗi chủ bè thu hoạch cá có thể lãi hàng trăm triệu đồng