Tăng Cường Kiểm Tra, Xử Lý Việc Bơm Nước Vào Gia Súc, Thịt Gia Súc

Bộ NN-PTNT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ và các bộ: Công an, Công thương, Thông tin Truyền thông, về việc tăng cường kiểm tra, xử lý việc bơm nước vào gia súc, thịt gia súc.
Theo đó, trong thời gian vừa qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã liên tục phản ánh việc bơm nước vào gia súc trước và sau khi giết mổ tại một số địa phương như Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Cà Mau, Hậu Giang, An Giang, Đồng Tháp, Đà Nẵng, Đăk Lăk...
Đây là hành vi gian lận thương mại nhằm trục lợi bất chính, gây thiệt hại kinh tế cho người tiêu dùng; đồng thời làm cho thịt gia súc dễ bị ô nhiễm vi sinh vật, hóa chất độc hại từ nguồn nước, dụng cụ bơm nước, gây mất VSATTP.
Để ngăn chặn triệt để hành vi nêu trên, nhằm đảm bảo VSATTP và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng, Bộ NN-PTNT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu UBND cấp huyện, xã:
- Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân buôn bán, giết mổ động vật không được bơm nước vào gia súc, thân thịt gia súc, hoặc liên kết với người buôn bán thịt gia súc để gian lận thương mại;
- Chỉ đạo lực lượng công an, QLTT phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y tổ chức điều tra, đấu tranh, triệt phá việc bơm nước vào gia súc, thân thịt gia súc trên địa bàn; xử lý đồng bộ các hình thức xử phạt theo đúng quy định của pháp luật (bao gồm cả hình thức phạt tiền, chuyển mục đích sử dụng sản phẩm động vật làm thức ăn chăn nuôi, xử lý gian lận thương mại...).
- Đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc TƯ yêu cầu Sở NN-PTNT, Sở Công thương: Chỉ đạo lực lượng thanh tra chuyên ngành tăng cường phối hợp với lực lượng công an, thú y, ban quản lý chợ và chính quyền cơ sở để thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc bơm nước vào gia súc, thịt gia súc; công khai danh sách, địa chỉ các cơ sở giết mổ, buôn bán thịt gia súc vi phạm để người tiêu dùng biết và không mua thịt gia súc đã bị bơm nước.
Bộ NN-PTNT cũng đề nghị các bộ, ngành có liên quan tùy theo chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan chức năng chủ động phối hợp với chính quyền và lực lượng quản lý thị trường tăng cường tổ chức kiểm tra, đấu tranh, triệt phá hành vi bơm nước vào gia súc, thịt gia súc trong quá trình vận chuyển, giết mổ và kinh doanh gia súc, thịt gia súc và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tăng cường tuyên truyền các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm; tác hại về kinh tế và sức khỏe cho người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm động vật bị bơm nước.
Bộ NN-PTNT giao Cục Thú y chủ trì, phối hợp với Thanh tra Bộ tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất, nhằm phát hiện việc bơm nước vào gia súc, thịt gia súc để chấn chỉnh, xử lý kịp thời; rà soát các tồn tại, bất cập và báo cáo Bộ để chỉ đạo, điều hành; tổng hợp các vụ vi phạm tại các địa phương và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Related news

Kết quả xét nghiệm mẫu nước tại 12 địa điểm nuôi thủy sản tập trung trên địa bàn tỉnh Phú Yên của Trung tâm Giống và Kỹ thuật Thủy sản Phú Yên cho thấy dịch bệnh trên tôm hùm và cá mú vẫn tiếp tục xảy ra tại hai xã Xuân Thịnh và Xuân Phương thuộc thị xã Sông Cầu.

Trên địa bàn thị xã Tam Điệp (Ninh Bình), diện tích nuôi trồng thuỷ sản đang được mở rộng, tuy nhiên các hộ nuôi nơi đây chủ yếu vẫn trông chờ vào nguồn cá giống do thương lái đưa về, vận chuyển xa nên chất lượng cá không đảm bảo, tỷ lệ sống thấp, cá nuôi chậm lớn, hay bị bệnh, năng suất không cao.

Các nhà sản xuất, phân phối cá tầm Việt Nam vừa gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ về việc cần có giải pháp chống cá tầm nhập lậu, không rõ nguồn gốc đang đe dọa trực tiếp đến ngành nuôi cá tầm và quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.

Rừng phòng hộ ven biển huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang có chiều dài hơn 20km, tổng diện tích trên 1.000ha. Nơi đây có hệ sinh thái rừng ngập mặn với hệ động thực vật phong phú; dưới tán rừng đước là các trảng nước và con kênh thích hợp cho nhiều loài thủy sản sinh sống. Mô hình nuôi thủy sản dưới tán rừng đang chứng tỏ hiệu quả, cải thiện cuộc sống của chủ rừng.

Trong khi ngành chăn nuôi lao đao vì giá cả bấp bênh, vì dịch bệnh thì riêng chăn nuôi bò lai nông dân ít gặp rủi ro, giá cả luôn ổn định, trở thành mũi nhọn kinh tế cho nhà nông hiện nay.