Tăng cường kiểm soát dư lượng kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản
Dư lượng kháng sinh và tác hại
Dư lượng kháng sinh (DLKS) là tình trạng kháng sinh vẫn còn trong thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa… ở dạng nguyên chất hay đã chuyển hóa, vì thế có thể gây tác hại đối với người sử dụng. Nguyên nhân gây ra hiện tượng DLKS là do việc không tuân thủ quy định về sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm, chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật; sử dụng các chất kích thích sinh trưởng, thuốc thú y trong chăn nuôi và thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục cho phép; sử dụng kháng sinh để bảo quản thực phẩm.
DLKS là một trong những nguyên nhân của tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm, gây tác hại đối với sức khỏe con người như dị ứng (Penicillin là kháng sinh thường gây dị ứng nhất), nhất là trường hợp những người có cơ địa dị ứng với một loại thuốc nào đó; nổi mề đay, ban đỏ cũng thường gặp với DLKS sulfonamid. DLKS cũng gây ngộ độc, ví dụ Cloramphenicol là loại kháng sinh cấm sử dụng trên thế giới do gây các dạng thiếu máu và ở một số trường hợp đặc biệt có thể dẫn đến tử vong; một số thuốc như Nitrofurans, Quinoxalinedinoxides, Nitroimidazoles nếu tích lũy do dùng lâu ngày có thể gây suy gan, suy thận thậm chí gây ung thư, đột biến gen.
Đồng thời, DLKS cũng là nguyên nhân tạo dòng vi khuẩn đề kháng kháng sinh. Một số thuốc thú y bị cấm hẳn không được có trong thực phẩm (thủy sản, thịt gia súc, gia cầm) như: chloramphenicol, malachite green và leuco malachite green, crystal violet và leuco crystal violet, nitrofurans, nitroimidazoles… vì chúng đi vào cơ thể con người qua thực phẩm, tích lũy theo thời gian và gây hiện tượng lờn thuốc; không hiệu quả khi trị bệnh bằng kháng sinh.
Tình hình nhiễm kháng sinh trong thủy sản xuất khẩu
Việt Nam có diện tích nuôi trồng thủy sản tăng đều qua từng năm, từ năm 1990, gần 500.000 ha đến nay đã hơn 1 triệu ha và sản lượng tăng lên hơn 54%, với hai sản phẩm chủ lực tôm và cá tra. Các nhà máy chế biến thủy sản hiện nay có quy mô công nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm như HACCP, GMP, SSOP; hàng trăm nhà máy đông lạnh đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang EU, nhiều nhà máy, vùng nuôi đạt chứng nhận tự nguyện như GlobalGAP, ASC, BAP, BRC…
Tuy nhiên, tình hình nhiễm DLKS vẫn chưa được xử lý triệt để. Theo kết quả báo cáo của Tổ chức Phát triển Công nghiệp của Liên Hợp Quốc (UNIDO) ở 4 thị trường lớn là EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc thì Việt Nam là một trong ba nước đứng đầu về số vụ bị từ chối nhập khẩu sản phẩm thủy sản giai đoạn 2006 - 2010. Tính trung bình trong giai đoạn này, mỗi năm Việt Nam thiệt hại hơn 14 triệu USD do hàng xuất khẩu thủy sản bị trả lại.
Tuy NAFIQAD đã áp dụng các biện pháp kiểm soát tăng cường nhưng vẫn chưa cải thiện tình trạng lây nhiễm kháng sinh cấm có nguồn gốc từ khâu nuôi trồng, nhất là tôm (trong đó có những loại cấm sử dụng trong nuôi trồng từ trước như Chloramphenicol, Trifluralin).
Cơ quan thanh tra thực phẩm Canada (CFIA) thống kê tình hình vi phạm dư lượng Fluoroquinolones trong các lô hàng thủy sản nuôi của Việt Nam từ năm 2009 đến nay chưa có sự cải thiện. Nhóm kháng sinh này gồm flumequin, norfloxacin, enrofloxacin, ciprofloxacin, difloxacin, marbofloxacin, ofloxacin…
Bộ Nông lâm ngư nghiệp Úc (DAFF) đã phát hiện nhiều lô hàng thủy sản Việt Nam nhiễm dư lượng fluoroquinolones chủ yếu là enrofloxacin, ciprofloxacin, norfloxacin, ofloxacin trong cá fillet.
Những tháng đầu năm 2014, EU và Nhật Bản liên tiếp phát hiện dư lượng oxytetracycline vượt mức giới hạn cho phép trong các lô hàng tôm nuôi của Việt Nam nên đã áp dụng chế độ kiểm tra 100% các lô hàng và sẽ có những biện pháp trừng phạt nặng hơn nếu tình trạng nhiễm oxytetracycline không suy giảm.
Tuy trước khi xuất khẩu, mỗi lô hàng tôm được các doanh nghiệp và đại diện nhà nhập khẩu kiểm kháng sinh/vi sinh ít nhất 6 lần nhưng tình trạng nhiễm DLKS vượt mức cho phép đối với thủy sản xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Đó là do quá lạm dụng kháng sinh trong khâu nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh và không tuân thủ thời gian sử dụng kháng sinh, thời gian ngưng kháng sinh trước khi thu hoạch.
Vẫn phát hiện DLKS
Theo kết quả giám sát thủy sản nuôi thường kỳ tháng 7/2015 của NAFIQAD, vẫn phát hiện dư lượng các hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng.
Cụ thể, theo kết quả phân tích giám sát các vùng thủy sản nuôi của Cơ quan quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nam bộ, tại các tỉnh ĐBSCL và TP.HCM, trong tháng 7/2015, đã phát hiện tồn dư chất cấm Enrofloxacin với hàm lượng 90,68ppb, chất Ciprofloxacin (chất hạn chế sử dụng) với hàm lượng 10,33ppb trên một mẫu cá rô phi đỏ thương phẩm tại cơ sở nuôi ở tỉnh An Giang. Chất cấm Enrofloxacin cũng được phát hiện với hàm lượng 2,1ppb trên mẫu cá tra thương phẩm tại ao nuôi của một công ty ở tỉnh Tiền Giang; phát hiện với hàm lượng 8,9ppb trên mẫu cá rô phi đỏ thương phẩm tại một bè nuôi tỉnh Tiền Giang.
Hiện Cơ quan quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Nam bộ đã gửi thông báo đến Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản Tiền Giang, An Giang, triển khai biện pháp khắc phục phù hợp, đồng thời lấy mẫu lô hàng có nguồn gốc từ các cơ sở nuôi bị phát hiện chất cấm gửi Phòng kiểm nghiệm được Bộ NN-PTNT chỉ định để kiểm tra chỉ tiêu tương ứng, chỉ xuất khẩu hoặc tiêu thụ trong nước nếu kết quả phân tích mẫu đạt yêu cầu…
Tại phía Bắc, trong tháng 7/2015, Nafiqad cũng đã phát hiện dư lượng kháng sinh cấm sử dụng là Chloramphenicol trong mẫu cua biển nuôi và mẫu cá bống bớp tại hai cơ sở nuôi ở Nam Định. Nafiqad cho biết sẽ có kế hoạch lấy mẫu kiểm tra tăng cường chỉ tiêu Chloramphenicol tại các hộ nuôi này để làm rõ vấn đề và xử lý nếu vi phạm.
Có thể bạn quan tâm
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 7 ước đạt 9.000 tấn, với giá trị đạt 74 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 7 tháng đầu năm 2014 tăng gần 29% về khối lượng và tăng 42% về giá trị so với cùng kỳ năm 2013.
Hiệp hội thức ăn chăn nuôi "kêu trời" vì mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) do một số cục hải quan áp trên hàng vạn tấn bắp và lúa mì nhập khẩu do có sự hiểu lầm về hai khái niệm “thức ăn chăn nuôi” và “nguyên liệu thức ăn chăn nuôi”.
Những ai từng nhiều năm theo dõi lĩnh vực thủy sản sẽ nhận thấy, trước đây VASEP cũng từng bất lực trước tình trạng doanh nghiệp thi nhau giảm giá đến nỗi… cá tra bị kiện bán phá giá ở Mỹ. Vì thế, có thời điểm VASEP dù không chính thức đã đưa ra giá sàn xuất khẩu fillet cá tra thấp nhất là 3 USD/kg. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp "nghe rồi để đó" và vẫn bán với giá 2,6 USD/kg.
Ông Nguyễn Thanh Hải ở ấp Hòa Lợi, xã Lương Hòa (Giồng Trôm - Bến Tre) nuôi giống gà Đông Tảo hơn hai năm nay, mỗi năm thu về trên 200 triệu đồng từ bán gà giống và 100 triệu đồng từ gà thịt.
Trạm Kiểm soát liên hợp Km15 - Bến tàu Dân Tiến vừa phối hợp với các ngành chức năng trên địa bàn TP Móng Cái tổ chức tiêu hủy 800kg cá quả có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập lậu.