Liên Kết Sản Xuất Và Tiêu Thụ Sản Phẩm Gia Cầm
Mới đây, tại Tiền Giang đã diễn ra hội thảo Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm gia cầm, do Cục Chăn nuôi phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam tổ chức.
Mục đích nhằm tháo gỡ khó khăn cho nghề chăn nuôi gia cầm, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập và SX bền vững,
LIÊN KẾT KHÉP KÍN
Theo Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam, năm 2013, cả nước có gần 320 triệu con gia cầm, trong đó vùng có đàn gia cầm lớn nhất là ĐBSH với hơn 85 triệu con; tiếp đến là ĐBSCL 58,7 triệu con. Tuy nhiên, chăn nuôi gia cầm hiện nay chủ yếu theo quy mô nông hộ, nhỏ lẻ, thiếu liên kết và định hướng thị trường.
Ông Trần Công Xuân, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho biết: “Ngành chăn nuôi gia cầm đang gặp nhiều khó khăn bởi chăn nuôi tự phát, theo phong trào, không có kế hoạch khi cung cao hơn cầu thì giá rớt mạnh, nông dân giảm quy mô đàn nuôi; còn khi cung thấp hơn cầu, giá tăng mạnh, nông dân lại đua nhau ồ ạt tái đàn, tăng đàn...
Cứ như vậy chăn nuôi rơi vào vòng luẩn quẩn không có lối thoát. Do đó, nếu không xây dựng được chiến lược để tổ chức liên kết với nhau thành chuỗi khép kín từ sản xuất, giết mổ đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm thì không thể phát triển bền vững trong chăn nuôi gia cầm”...
Trước thực tế này, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cũng đã khuyến cáo các giải pháp cần phải làm đó là: Liên kết giữa cơ sở sản xuất con giống và cơ sở nuôi thương phẩm; liên kết giữa cơ sở thức ăn, sản xuất thương phẩm với cơ sở thú y và cơ sở con giống; liên kết cơ sở chăn nuôi thương phẩm với giết mổ chế biến và tiêu thụ; liên kết hoàn chỉnh sẽ bao gồm cả ba liên kết trên và đây là liên kết tạo ra sản phẩm có giá thành thấp, kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng ATTP, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cho sản phẩm.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, thực trạng chăn nuôi ở Việt Nam hiện vẫn thiếu sự liên kết. Do vậy, chúng ta chưa đủ sức để kết nối các liên kết với khu vực để tạo ra chuỗi giá trị hàng hóa ở cấp vùng.
Ông Hải đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa xã viên với HTX, giữa HTX với DN, nhằm tăng chuỗi giá trị hàng hóa bền vững trong chăn nuôi, chế biến sản phẩm gia cầm.
"Bộ NN- PTNT đang tập trung vào những giống nội có chất lượng cao để cạnh tranh với giống năng suất cao của các công ty nước ngoài đang chiếm lĩnh thị trường. Hơn nữa, sẽ định hướng từng vùng, từng tỉnh phải chọn cho địa phương mình từ 1- 2 giống chủ lực để có lợi thế về mặt vùng mới mang lại hiệu quả cao. Về cơ cấu giống, phải ổn định chăn nuôi gia súc, tăng chăn nuôi gia cầm, tăng tỉ trọng chăn nuôi gia cầm từ 17% lên 28-30% vào năm 2020”, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi.
Nhất là trong thời gian tới, khi Hiệp định TPP (Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương) có hiệu lực, dự kiến thuế của nhiều mặt hàng chăn nuôi NK vào Việt Nam sẽ bằng 0%, thì tính cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi về cả chất lượng lẫn giá cả sẽ càng trở nên quan trọng.
HƯỚNG TỚI HIỆU QUẢ BỀN VỮNG
Trong thực tế, hiệu quả liên kết chuỗi đã thể hiện rõ qua những mô hình chăn nuôi tiêu biểu như HTX Cổ Đông-Sơn Tây (Hà Nội) đang liên kết với cả chục DN từ sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm gia cầm. Đồng thời, đến nay HTX còn phát triển liên kết với 50 trang trại chăn nuôi lợn và 40 trang trại chăn nuôi gà, giúp cho thu nhập của HTX cao hơn từ 20-30% và ổn định hơn.
HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công (Tiền Giang) cũng đã liên kết với DN San Hà (TP.HCM) ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm thịt gà ta Gò Công với giá cả ổn định.
Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Chủ nhiệm HTX phấn khởi chia sẻ: “HTX chúng tôi đang tiếp tục mở rộng liên kết tiêu thụ, ký hợp đồng cung ứng với các nhà phân phối thực phẩm ngoại tại Việt Nam và XK sản phẩm gà ta Gò Công sang thị trường Campuchia...”.
Theo ông Kiệt, trong quá trình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm thịt gà ta Gò Công, HTX đã nhận thấy rõ hiệu quả và thành công mang lại từ chính mối liên kết “4 nhà”. Tương tự, với Công ty Ba Huân (TP.HCM) cũng đã tổ chức liên kết với các hộ chăn nuôi tại nhiều tỉnh thành để tạo nguồn cung nông sản hàng hóa bền vững và đôi bên cùng có lợi...
Trao đổi với PV NNVN, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Tái cơ cấu phải tập trung mạnh vào thị trường, tăng tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi (thịt, trứng, sữa) đối với thị trường nội địa thông qua chế biến, đa dạng hóa sản phẩm.
Dựa trên lộ trình đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Cục Chăn nuôi sẽ định hướng quy hoạch phát triển cụ thể từng đối tượng vật nuôi theo từng vùng phù hợp gắn với tái cơ cấu theo chuỗi giá trị, ngành hàng, đồng thời phát huy vai trò các DN, Tổ hợp tác, HTX, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm…
Nguồn bài viết: http://nongnghiep.vn/lien-ket-san-xuat-va-tieu-thu-san-pham-gia-cam-post135120.html
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này, đi đến xã Vĩnh Quới (thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng), đâu đâu cũng thấy màu xanh bạt ngàn của những vườn mãng cầu xiêm.
Nghe thương lái bán hoa quả ở thành phố Tuyên Quang kháo nhau, ở xã Thượng Ấm (Sơn Dương) có giống nhãn lồng Phố Hiến ngon hơn hẳn giống nhãn địa phương, chúng tôi đã tìm đến thôn Hàm Ếch để mục sở thị về loại nhãn này. Những chùm nhãn to, trĩu quả sà xuống bờ rào khiến cành nhãn phải gồng mình gánh đỡ là hình ảnh đầy ấn tượng về nhãn lồng Phố Hiến thời điểm này.
Hưởng ứng phong trào vận động của nhà nước, người dân huyện Yên Minh (Hà Giang) đã mạnh dạn chuyển đổi đất đai không màu mỡ sang trồng nhiều loại cây ăn quả. Nhiều hộ đã thoát nghèo và còn tiến tới làm giàu.
Cây hoa tam giác mạch được đồng bào các dân tộc thiểu số vùng Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) gieo trồng từ lâu đời để dùng làm lương thực. Ngoài ra, hoa có vẻ đẹp tinh khôi nên rất hấp dẫn du khách.
Mô hình nuôi lươn không bùn đầu tiên ở Nghệ An trên quê lúa Yên Thành cho thu nhập cao.