Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Công Nghiệp Tỷ Đô Mắc Ca

Phát Triển Công Nghiệp Tỷ Đô Mắc Ca
Ngày đăng: 20/06/2014

Dự báo ngành công nghiệp mắc ca của Việt Nam có thể tạo ra giá trị thương mại hàng tỷ đô la sau năm 2025.

Mắc ca là loại cây công nghiệp mới bắt đầu phát triển vào giữa thế kỷ 20 tại Úc, Mỹ, sau đó mở rộng ra một số nước khác như Nam Phi, Guatemala, Nigeria, diện tích trồng trọt đến nay trên toàn thế giới mới đạt 80.000 ha (2014).

Sản lượng hạt thu hoạch đạt 150.000 tấn (2014), chiếm 1% sản lượng các hạt cứng toàn thế giới. Nhưng giá trị dinh dưỡng của mắc ca lại cao hơn các loại hạt khác. Giá trị kinh tế của mắc ca trên đơn vị diện tích cao gấp đôi, gấp ba cà phê, điều, hạnh nhân, óc chó... Thị trường tiêu thụ các sản phẩm mắc ca trên thế giới rất lớn, nhất là tại Úc, Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Việt Nam biết đến mắc ca chậm hơn các nước khoảng 30-50 năm, mãi đến đầu thế kỷ 21 mới bắt đầu nghiên cứu phát triển loài cây này. Sau năm 2002 Việt Nam mới thực sự nhập giống và kỹ thuật của Úc, TQ, Mỹ vào khảo nghiệm, nghiên cứu và phát triển mắc ca. Trải qua 10 năm gần đây nhờ có sự hợp tác về KHKT với Úc, Việt Nam đã có một bước tiến khá dài về phát triển mắc ca.

Hiện nay đã có trên 10 giống mắc ca phù hợp trồng tại Tây Nguyên và Tây Bắc. Diện tích đã trồng trên 2.000 ha mắc ca (2013). Một số doanh nghiệp tư nhân như Cty Vinamacca và một vài Cty khác đang dẫn đầu công việc tạo giống chuẩn, xây dựng mô hình vườn cây có năng suất, chất lượng cao và giúp đỡ nông dân.

Nhiều nông dân tại Tây Nguyên đã có thu nhập từ hạt mắc ca. Nhìn chung cây mắc ca trồng tại Tây Nguyên lúc 4 tuổi cho bình quân 3 kg hạt/cây, 5 tuổi cho 5 kg hạt/cây, 6 tuổi cho 8 kg hạt/cây, 8 tuổi cho 15 kg hạt/cây. Sản lượng hạt mắc ca ở Tây Nguyên thường cao hơn các nơi khác trên thế giới nhờ khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây rất phù hợp loại cây này.

Công tác khảo nghiệm giống được tiến hành bài bản và đã cho một số kết quả bước đầu xác nhận 9 giống phù hợp, một số giống khác cũng đang được công nhận. Hàng chục vườn ươm cây giống ghép được công nhận đạt chuẩn có thể cung cấp hàng năm trên 500.000 cây giống, có thể trồng khoảng 2.000 ha/năm.

Năng lực này có thể nâng lên gấp đôi nếu có yêu cầu và có biện pháp chính sách tốt. Công tác nghiên cứu về quản lý vườn cây cho năng suất cao ổn định, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh đối với cây trồng và sau thu hoạch cũng đang được tiếp tục thực hiện.

Úc là nước phát triển mắc ca thành công nhất thế giới. Úc có một diện tích vườn cây mắc ca trên 20 triệu cây, sản lượng hạt hàng năm 45.000 tấn, lượng tiêu thụ nhân mắc ca 3.500 tấn (2010). Bình quân dân Úc tiêu thụ 157 gam mắc ca/người/năm (cao nhất thế giới).

Cty MPC (Macadamia Processing Company) tại Lismore NSW Úc là một Cty rất thành công trong ngành công nghiệp mắc ca của Úc. Cty thành lập năm 1983, lúc đầu chỉ có 4 cổ đông, sau 30 năm (1983-2013) Cty đã có 186 cổ đông. Lúc đầu Cty có số vốn 100.000 đô la Úc, chế biến 50 tấn hạt/năm.

Đến nay nhà máy chế biến mắc ca MPC đã chế biến 10.000 tấn hạt/năm. Doanh thu 40 triệu đô la Úc/năm, tạo việc làm ổn định cho gần 200 lao động. Thu nhập của cổ đông bền vững và tăng hàng năm. Điểm quan trọng là mô hình này gắn chặt chẽ giữa người trồng cây với nhà máy chế biến và tiêu thụ thành một chuỗi giá trị liên hoàn.

Trung Quốc là nước sớm nghiên cứu phát triển mắc ca, nhưng trải qua 30 năm gặp không ít thất bại và đình đốn, nay đã có bước phát triển ngoạn mục. Có 2 mô hình có thể tham khảo: Cty Phát triển mắc ca Vân Nam, thành lập năm 2003, hợp tác với Úc, nay đã có 4 vườn ươm sản xuất 2 triệu cây giống ghép/năm, 2 vườn cây mẫu diện tích 120 ha, 2 nhà máy chế biến 1.000 tấn và 10.000 tấn, hỗ trợ hàng vạn nông dân trồng hàng vạn ha và thu mua hạt mắc ca của nông dân để chế biến cung ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cty được nhà nước hỗ trợ cho vay vốn xây dựng nhà máy, chính sách cho nông dân vay vốn và tổ chức khuyến nông cho nông dân. Chỉ trong 3 năm gần đây Vân Nam đã trồng được trên 16.000 ha mắc ca, đưa sản lượng hạt lên 3.000 tấn hạt (2013). Vân Nam có kế hoạch sẽ đưa sản lượng lên 100.000 tấn hạt vào năm 2020.

Cty Kim Quang Quảng Tây thành lập năm 2005, hiện có diện tích vườn cây 300 ha, sản lượng đạt 400 tấn hạt (2013), trước năm 2005 là một nông trường quốc doanh nhưng quản lý kém và giống cây trồng không phù hợp, sau đó nhà nước khoán cho công ty tư nhân quản lý kinh doanh, nhờ tiếp thu KHKT tiên tiến của Úc thay đổi giống mới nên nay đã phát triển tương đối tốt.

Nhà máy chế biến đặt tại Zhongshan Quảng Đông cách vườn cây trên 500 km. Cty cũng hỗ trợ cây giống cho hàng trăm hộ nông dân trồng một diện tích khoảng 300 ha, thu mua hạt cho nông dân, tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến thị trường.

Nhận thức về lợi thế cạnh tranh, về giá trị kinh tế xã hội môi trường của công nghiệp mắc ca, dựa trên cơ sở kinh nghiệm phát triển 10 năm gần đây, Việt Nam đã quy hoạch phát triển 200.000 ha mắc ca tại Tây Nguyên và 50.000 ha tại Tây Bắc. Mục tiêu phấn đấu 10-15 năm tới đạt 200.000 tấn hạt (năm 2025) chế biến 70.000 tấn nhân mắc ca thành các sản phẩm mang thương hiệu mắc ca Việt Nam.

Dự báo ngành công nghiệp mắc ca của Việt Nam có thể tạo ra giá trị thương mại hàng tỷ đô la sau năm 2025, tạo hàng triệu việc làm mới, cải thiện môi trường và sử dụng hợp lý đất đai. Năm 2013 Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ các công ty làm đầu tàu phát triển ngành công nghiệp này bằng hỗ trợ vốn đầu tư và cho vay tín dụng. Nhà nước cũng có đầu tư cho công tác nghiên cứu và khuyến nông.

Đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học về mắc ca ở nước ta cần được đào tạo, bồi dưỡng và tạo điều kiện làm việc, các kết quả nghiên cứu cần được phổ biến và chuyển giao. Tại các nước nhờ biết dựa vào những kết quả nghiên cứu mà ngành công nghiệp mắc ca phát triển nhanh và bền vững.

Việt Nam đi sau có thể học tập kinh nghiệm các nước đi trước, nhưng chắc chắn phải có tiềm lực tự mình nghiên cứu giải quyết những vấn đề trong thực tế phát triển mắc ca tại Việt Nam.

Để kiến tạo phát triển một ngành công nghiệp mới – để ngành công nghiệp mắc ca ở nước ta có thể đi nhanh và bền vững, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm các nước, chúng tôi đề nghị đặc biệt cần chú trọng các điểm sau đây:

Chất lượng cây giống tốt là quan trọng hàng đầu, quản lý vườn cây, bón phân tưới nước đầy đủ. Không nên chạy theo số lượng như đã từng ồ ạt trồng điều, cà phê, cao su tràn lan không hiệu quả. Một số nông dân hiện nay vẫn trồng cây mắc ca thực sinh, nhiều nông dân ham mua cây giống rẻ tiền nhưng không đảm bảo chất lượng.

Hạt mắc ca có nhiều dầu nên việc bảo quản sau thu hoạch rất quan trọng. Kích cỡ hạt và màu sắc nhân mắc ca là những tiêu chí quan trọng về chất lượng để sản phẩm có giá cao trên thị trường. Chất lượng sản phẩm mắc ca chế biến cần phải được đảm bảo để có thể bán với giá cao trên thị trường thế giới, không bị ép cấp ép giá, như ta đã gặp phải đối với gạo, cà phê...

Nhà nước nên có chính sách mạnh mẽ hỗ trợ một số doanh nghiệp tư nhân làm đầu tàu phát triển, đi đầu về áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, tạo ra những trang trại mắc ca có quy mô lớn hàng trăm ha, năng suất và chất lượng cao, có nhà máy chế biến sản phẩm tốt. Những doanh nghiệp này cần tích cực hỗ trợ nông dân về giống cây, kỹ thuật, thu mua hạt, cùng nông dân tạo thành chuỗi giá trị từ trồng trọt đến chế biến - tiêu thụ trên thị trường.

Doanh nghiệp và nông dân cùng nhau chia sẻ lợi ích một cách hợp lý và thỏa đáng. Tạo ra sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp có giá trị cao. Đối với những nông dân có diện tích đất đai nhỏ lẻ manh mún cũng nên khuyến khích liên kết thành những tổ hợp tác có vườn cây diện tích quy mô từ hàng chục đến hàng trăm ha để áp dụng cơ giới và kỹ thuật tiên tiến nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hạ giá thành.

Ngành công nghiệp mắc ca nên coi trọng đầu tư nghiên cứu khoa học và chế biến sản phẩm đồng thời coi trọng nghiên cứu thị trường nhằm đảm bảo phát triển một cách bền vững. Úc sau 30 năm phát triển vẫn duy trì một quỹ nghiên cứu 2 triệu đô la/năm (trong đó người trồng cây và nhà sản xuất đóng góp 50%, nhà nước hỗ trợ 50%). Trung Quốc đầu tư cho nghiên cứu về cây mắc ca 2 triệu đô la/năm.


Có thể bạn quan tâm

Chuyển Giao Kỹ Thuật Trồng Pó Xôi Cho Nông Dân Chuyển Giao Kỹ Thuật Trồng Pó Xôi Cho Nông Dân

Công ty Tư vấn dịch vụ kỹ thuật phát triển nông nghiệp Đà Lạt (ATDC) vừa hoàn thành việc chuyển giao kỹ thuật trồng rau pó xôi gồm các nội dung từ khâu chọn giống đến kỹ thuật làm đất, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch bảo quản theo VietGAP cho hơn 1.300 lượt nông dân và 30 cán bộ khuyến nông tại các địa bàn Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng và Đơn Dương (Lâm Đồng).

16/08/2013
Cá Rô Đầu Vuông Nhanh Lớn, Giá Cao Cá Rô Đầu Vuông Nhanh Lớn, Giá Cao

Nhận thấy cá rô đầu vuông là đối tượng nuôi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) tỉnh Quảng Trị đã thực hiện mô hình nuôi cá rô đầu vuông thương phẩm.

17/08/2013
Người Nuôi Tôm Hùm Nhơn Hải Thiệt Hại Trên 2 Tỉ Đồng Người Nuôi Tôm Hùm Nhơn Hải Thiệt Hại Trên 2 Tỉ Đồng

Ngày 16.8, ông Phạm Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn (Bình Định), cho biết: Theo kết quả kiểm tra ban đầu, thiệt hại do vụ tàu vận tải Yong Li 2 Trung Quốc xâm nhập trái phép vào vùng biển Việt Nam, gây ra cho khu vực nuôi tôm hùm thương phẩm của ngư dân xã Nhơn Hải tại vùng biển thôn Hải Giang (xã Nhơn Hải) lên đến trên 2 tỉ đồng.

17/08/2013
Mở Lối Làm Giàu Bằng Tri Thức Mở Lối Làm Giàu Bằng Tri Thức

Trong khi nhiều thanh niên ở các vùng quê rời quê đi làm ăn xa, một số thanh niên có bằng đại học, cao đẳng cũng đều cố tìm cho mình một công việc ổn định ở các thành phố lớn thì Nguyễn Đức An (30 tuổi), chàng trai vừa tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư đã tự mở lối làm ăn táo bạo cho riêng mình bằng cách xây dựng mô hình trang trại tổng hợp tại vùng đồi quê nhà ở xã Hải Phú, huyện Hải Lăng (Quảng Trị). Sau hơn 3 năm gây dựng, đến nay trang trại của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

17/08/2013
Sông Mã Cải Tạo, Nâng Cao Chất Lượng Vườn Nhãn Sông Mã Cải Tạo, Nâng Cao Chất Lượng Vườn Nhãn

Sau gần 2 năm (2012 - 2013) triển khai, thực hiện Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất nhãn chất lượng cao theo VietGAP tại huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La”, kết quả ghép cải tạo thí điểm thành công mô hình giống nhãn địa phương cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần đang mở cho hướng phát triển nhãn ở Sông Mã.

17/08/2013