Tăng Cường Chăm Sóc Cây Trồng Vụ Đông Xuân
Theo dự báo của Đài Khí tượng thuỷ văn Quảng Trị, vụ đông xuân năm 2014-2015 có nền nhiệt độ bằng hoặc ấm hơn trung bình nhiều năm, các đợt rét đậm, rét hại có khả năng không kéo dài và nhiệt độ cũng không xuống thấp như các vụ đông xuân trước, vào các tháng cuối vụ xuất hiện nắng nóng cục bộ. Lượng mưa toàn vụ đông xuân năm nay ở mức xấp xỉ hoặc thấp hơn TBNN cùng kỳ.
Vì vậy, nông dân cần tăng cường chăm sóc các loại cây trồng ngay từ khi mới gieo để đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt cho một vụ mùa bội thu.
Đối với cây lúa, trong thời gian có gió mùa đông bắc cần rải tro vào ruộng lúa. Trong những ngày nhiệt độ xuống dưới 16oC, cho nước khoảng 1/3 chiều cao cây lúa. Các ruộng lúa chưa phun thuốc cỏ tiền nảy mầm được thì có thể sử dụng thuốc hậu nảy mầm để hạn chế cỏ dại.
Tiến hành bón phân thúc đẻ nhánh khi lúa có 3- 4 lá thật, tức là sau sạ 18- 20 ngày, sau cấy khoảng 10- 15 ngày; bón 3 - 4 kg phân urê/ sào. Bón thúc đòng khi lúa có đòng cứt gián (trước lúc lúa trỗ 22- 25 ngày tuỳ theo giống) với lượng phân gồm: urê bón từ 1-3 kg/sào tuỳ theo màu xanh của lá lúa; kali bón từ 3- 4 kg/ sào. Để tăng năng suất và chất lượng lúa nên phun thêm phân bón lá trước và sau trỗ 10 ngày, đặc biệt nên phun khi bộ rễ bị tổn thương.
Lưu ý, khi bón phân thúc đẻ nhánh và đón đòng cho lúa phải kịp thời và đúng lượng quy định, vì đây là giai đoạn quan trọng nhất có ảnh hưởng rất lớn đến năng suất của cây lúa. Không được bón phân nhiều lần làm cho lúa đẻ lai rai, ảnh hưởng đến năng suất. Phải nhìn trời, nhìn đất, nhìn cây để bón phân cho chính xác và tiết kiệm được phân bón. Những ngày nắng nên bón phân vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Những ngày mưa lớn, rét (nhiệt độ dưới 16oC), hoặc khi cây đang bị bệnh không nên bón phân, đặc biệt là phân đạm. Lúa tốt, lá mềm lướt không nên bón phân đạm, mà tăng cường bón lân và kali để cứng cây, chống đổ ngã. Lúa đỏ lá, tím lá nên bón kali, lân nung chảy hoặc vôi. Sau khi bón phân cần giữ mực nước trên ruộng từ 2- 3 cm để tránh mất phân.
Để có năng suất cao, lúa cần được chăm sóc kịp thời. Trên ruộng lúa mặc dù đã phun thuốc trừ cỏ nhưng khi bón thúc đợt 1 cần xới xáo sục bùn, tỉa dặm kịp thời để lúa phát triển tốt và đẻ nhánh tập trung. Cần áp dụng biện pháp tưới tiêu hợp lý khoa học để tăng năng suất và tiết kiệm nước, cụ thể cách tưới: Sau khi gieo 6- 7 ngày, cho nước vào và tăng dần theo chiều cao của lúa để hạn chế cỏ dại. Đối với lúa cấy, khi cấy xong cho nước vào 3- 5 cm để lúa nhanh hồi xanh.
Khi lúa bắt đầu đẻ nhánh tháo cạn nước chỉ để 3- 5 cm kết hợp bón phân thúc lần 1 và xới xáo sục bùn. Khi lúa kết thúc đẻ nhánh hữu hiệu (sau gieo hoặc cấy 25- 35 ngày tuỳ theo thời gian sinh trưởng của từng giống) cho nước ngập 7- 10 cm để khống chế lúa đẻ nhánh lai rai.
Khi lúa đứng cái, tháo nước cạn, phơi ruộng 4- 5 ngày để ruộng khô nẻ nhằm giúp rễ ăn sâu, hút được nhiều dinh dưỡng và hạn chế đổ ngã về sau. Khi lúa làm đòng đến trỗ xong nên cho nước ngập 6- 7 cm sau đó tháo cạn dần, tháo kiệt nước trước gặt 5- 7 ngày. Nếu gặp thời tiết bất thuận như nắng nóng trên 35oC hoặc rét dưới 16oC, đặc biệt là giai đoạn lúa làm đòng cần cho nước vào ngập ruộng từ 10- 15 cm tuỳ theo chiều cao cây để chống nóng, chống rét cho lúa.
Các loại sâu bệnh thường xuất hiện trong vụ đông xuân là bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ, sâu keo, sâu đục thân, rầy các loại, bệnh đạo ôn, khô vằn, thối thân thối bẹ, lem lép hạt...
Đặc biệt, bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá có thể phát sinh và gây hại với diện tích lớn. Vì vậy nông dân cần thường xuyên kiểm tra thăm đồng, nếu thấy cây lúa có hiện tượng lùn xuống, đầu lá xoăn lại phải báo cho cơ quan Bảo vệ thực vật để có biện pháp xử lý.
Đối với cây lạc, sau khi cây nảy mầm cần tiến hành dặm ngay khi mất khoảng, dặm càng sớm càng tốt, nên dặm bằng hạt giống đã ủ nứt nanh. Khi hạt lạc đã nứt nanh và chui lên khỏi mặt đất cần xới đất xung quanh gốc để lộ 2 lá mầm sẽ giúp tăng năng suất 10- 12%.
Khi lạc có 3- 4 lá thật (từ 15- 20 ngày sau khi gieo tuỳ theo thời tiết) tiến hành làm cỏ và bón thúc đợt 1. Lượng phân urê 1,5- 2 kg/sào hoặc 3- 4 kg đạm sunphat, bón cách gốc 5- 7 cm, kết hợp làm cỏ. Làm cỏ lần 2 kết hợp bón thúc khi hoa tàn đợt 1 với lượng 3- 4 kg kali/sào. Các loại sâu bệnh thường gặp đối với cây lạc là sâu khoang, sâu xanh, rệp, rầy xanh, sâu xám, bệnh đốm lá, bệnh nấm gốc, bệnh héo xanh vi khuẩn.
Đối với cây ngô, tiến hành tỉa, dặm sớm để đảm bảo mật độ cho cây phát triển đều, nên dặm bằng cây đã gieo trong bầu hoặc hạt giống đã ủ nứt nanh. Khi ngô có 4- 5 lá, tiến hành làm cỏ và bón thúc đợt 1, lượng phân urê 4- 5 kg/sào và kali 4- 5 kg/sào, bón cách gốc 5- 7 cm và bón cạn, kết hợp làm cỏ và vun gốc nhẹ. Đợt 2, làm cỏ lần 2 kết hợp bón thúc, vun gốc cao khi ngô xoáy nõn loa kèn (ngô 9- 10 lá), lượng phân urê 4- 5 kg/sào, kali 4- 5 kg/sào, bón cách gốc 10- 12 cm.
Năm nay, do lượng mưa năm 2014 chỉ đạt 67% của năm 2013 và dự báo nền nhiệt độ ấm, ít mưa nên khả năng xảy ra hạn hán là rất lớn. Vì vậy, ngay từ đầu năm toàn tỉnh phải tiến hành phòng chống hạn hán mà một trong những biện pháp cần chú trọng là tưới tiêu khoa học để tiết kiệm nước.
Nông dân cần tuân thủ đúng sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật trong chăm sóc, tỉa dặm, bón phân, phòng trừ sâu bệnh kịp thời và đúng lúc để đảm bảo cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đồng thời tiết kiệm nước tưới tạo điều kiện tiến hành sản xuất cả 2 vụ trong năm đạt thắng lợi.
Có thể bạn quan tâm
Vào vụ nuôi tôm 2012, người dân các tỉnh ven biển vùng bán đảo Cà Mau hết sức thận trọng, tìm đủ mọi cách ứng dụng kỹ thuật, vệ sinh ao nuôi trước khi thả giống.
Theo chỉ dẫn của người bạn, chúng tôi đến nhà ông Ngô Hòa, ở khu phố 1, phường An Ðôn, thị xã Quảng Trị, người đầu tiên ở Quảng Trị trồng giống quýt mang ký hiệu PQ1 trên đất phù sa cho hiệu quả kinh tế cao.
Trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc và Bắc Bình vừa có thêm 63 ha thanh long được cấp giấy chứng nhận Global GAP, nâng tổng diện tích thanh long đạt tiêu chuẩn Global GAP trong toàn tỉnh đạt gần 220 ha. Cụ thể là các trang trại Kim Hải (xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam) với diện tích 30ha; trang trại Trương Tấn Luận (xã Hàm Hiệp, Hàm Thuận Bắc) 4 ha và trang trại Hồng Ân (xã Hải Ninh, Bắc Bình) với 29 ha.
Cây ngô lai không chỉ thay thế dần cây sắn, đậu tương mà còn giúp nông dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo hiệu quả. Ở các huyện miền núi phía bắc, diện tích tự nhiên chủ yếu là đồi núi, đất SX nông nghiệp ít nên địa phương đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả.
Sở Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả trung ương tiến hành đề tài "Nghiên cứu chất lượng đặc thù, điều kiện tự nhiên của vùng trồng quýt", đây là bước tiến tới xây dựng chỉ dẫn địa lý cho loại cây trồng này