Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhân giống gia cầm cho biên giới

Nhân giống gia cầm cho biên giới
Ngày đăng: 11/09/2015

Dù gặp không ít khó khăn, nhưng các mô hình đều đạt kết quả tốt. Song, để mục tiêu xây dựng nguồn giống tại chỗ, chủ động chăn nuôi cho đồng bào thì cần nỗ lực hơn nữa...

Thời tiết khắc nghiệt

Giữa mênh mông núi đá nơi cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), thị trấn Phó Bảng nằm im lìm như một khu rừng nguyên sinh. Nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch có khi cả chục độ C. Nơi đây là một trong những điểm được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chọn xây dựng mô hình.

Ông Nguyễn Đức Vinh, GĐ Sở NN-PTNT Hà Giang cho biết, Phó Bảng nằm cách TP Hà Giang hơn 120 km nhưng lại chỉ cách biên giới Trung Quốc… chừng vài bước chân. Vì điều kiện địa hình, thời tiết như vậy nên việc chăn nuôi của bà con, đặc biệt là chủ động nguồn giống hết sức khó khăn.

Tình trạng người dân vùng biên qua Trung Quốc nhập gà giống về nuôi diễn ra khá phổ biến. Tuy nhiên, những giống gà này nuôi chậm lớn, chất lượng thịt không tốt. Nguy cơ phát sinh các loại bệnh liên quan đến gia cầm là nhãn tiền.

Theo ông Vinh, dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia là hết sức thiết thực, nhen nhóm hy vọng ngăn chặn được việc nhập lậu gà giống Trung Quốc, an toàn dịch bệnh, ổn định kinh tế - xã hội vùng biên.

Sau khi tiếp nhận 2.000 con gà giống từ dự án, Sở NN-PTNT Hà Giang đã giao cho Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng (Đồng Văn) triển khai thực hiện.

Ông Giang Lộc Thăng, GĐ Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng cho biết, đơn vị đã bắt tay ngay vào sửa sang, vệ sinh chuồng trại, đấu nối lại hệ thống điện sưởi ấm cho gà.

Ngoài 1.000 con nuôi tại trung tâm, nửa còn lại được giao cho 5 - 6 nhóm SX nông hộ ở xã Phố Cáo (Đồng Văn). Ngoài con giống, dự án còn hỗ trợ 50% lượng thức ăn đối ứng trong từng giai đoạn phát triển.

Đến nay, số gà giống bố mẹ đạt 16 - 17 tuần tuổi, phát triển tương đối tốt, trọng lượng trung bình 2 kg/con. Tuy nhiên, số gà giao cho người dân lại bị chết khá nhiều.

Theo ông Thăng, nguyên nhân là do người dân chưa nắm vững kỹ thuật, vệ sinh, sưởi ấm chuồng trại trong khi thời tiết khắc nghiệt, biên độ nhiệt độ ngày đêm lớn.

Để đảm bảo lượng giống bố mẹ, trung tâm đang xin được cấp bù số gà giống bị hao hụt. Đồng thời chuẩn bị mặt bằng bố trí xây dựng nhà ấp nở khép kín tại đây.

Thay đổi nhận thức chăn nuôi

TS Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), hiện tất cả các tỉnh biên giới phía Bắc không chủ động được nguồn giống gia cầm phục vụ chăn nuôi SX.

Tình trạng nhập lậu gia cầm không rõ nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc hết sức nhức nhối. Chính vì vậy, Bộ NN-PTNT giao cho Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì dự án gây dựng nguồn gia cầm giống vùng biên giới.

Trong năm 2015, đã triển khai được 7 mô hình tại 7 tỉnh là Điện Biên, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn và Lào Cai.

Trong đó, mô hình tại Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai có điều kiện tương đối thuận lợi. Đàn giống bố mẹ gây dựng tại những tỉnh này phát triển khá tốt.

“Vào tháng 10 tới, dự án tiếp tục cấp cho Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng 1 máy ấp công suất 11.500 quả/mẻ, máy nở 5.000 con cùng hệ thống máy phát điện, soi trứng, phun tiêu độc khử trùng. Chúng tôi cũng sẽ thường xuyên phối hợp với Sở NN-PTNT Hà Giang sát sao thực hiện, đảm bảo dự án có kết quả tốt nhât”, TS Hạ Thúy Hạnh, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết.

Tại Hà Giang, mô hình được triển khai với quy mô 2.000 con giống bố mẹ gà Lương Phượng lai Mía nhập của Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương (Viện Chăn nuôi).

Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã tổ chức tập huấn cho người dân cách làm chuồng, chăm sóc gà sinh sản, vệ sinh thú y. Hai cán bộ của Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng cũng được tập huấn kỹ thuật trong 7 ngày tại Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên (Viện Chăn nuôi).

Tuy nhiên, địa hình nơi đây khá phức tạp, độ cao từ 1.400 - 1.600 m so với mực nước biển. Biên độ chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm là khá lớn nên chất lượng con giống cũng ít nhiều bị ảnh hưởng.

Đánh giá chung, đàn gia cầm bố mẹ đến nay phát triển bình thường. Tuy nhiên, số lượng gia cầm bị hao hụt một phần do không thích ứng được thời tiết, khí hậu.

 Nguyên nhân nữa là do người dân cũng chưa thạo kỹ thuật chăn nuôi, việc giữ ấm, vệ sinh chuồng trại cho đàn gà chưa thực sự tốt. Phương án trước mắt là tiến hành cấp bù con giống để đảm bảo số lượng đàn giống bố mẹ.

Theo TS Hạ Thúy Hạnh, mục đích của dự án là tạo được một trung tâm cung cấp con giống gia cầm cho người dân địa phương mua, dần dần tạo thói quen mua gà giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.

Bởi lẽ, con giống Trung Quốc ngoài chất lượng thịt không ngon còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh cúm gia cầm. Nếu xảy ra, ngành chăn nuôi gia cầm trong nước mà trực tiếp là người dẫn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Cũng theo TS Hạ Thúy Hạnh, phấn đấu đến 2016, khi thực hiện năm thứ 2 của dự án, người dân có thể tiếp nhận lứa gà giống chất lượng đầu tiên từ đàn bố mẹ để chăn nuôi.

Trung tâm Giống cây trồng và gia súc Phó Bảng cũng sẽ là trung tâm cung cấp con giống cho các chương trình 30a của tỉnh Hà Giang. Việc cần làm trước mắt là tăng cường phối hợp giữa hỗ trợ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở NN-PTNT Hà Giang thông tin, tuyên truyền thay đổi nhận thức của đồng bào về vấn đề chăn nuôi.


Có thể bạn quan tâm

Kiểm Soát Cá Tầm Nhập Lậu Tại Sân Bay Kiểm Soát Cá Tầm Nhập Lậu Tại Sân Bay

Đây là chỉ đạo của bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, tại cuộc họp giao ban quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm diễn ra chiều 11/6 tại Hà Nội.

13/06/2013
Thoát Nghèo Nhờ Trồng Nấm Thoát Nghèo Nhờ Trồng Nấm

Cách đây gần 15 năm về trước, khi ra riêng anh Nguyễn Văn Dũng (35 tuổi) và chị Nguyễn Thị Ngọc Mai (32 tuổi) ở ấp 5, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An chỉ có đôi bàn tay trắng ngoài miếng đất nhỏ cất nhà lá ở tạm.

13/06/2013
Trồng Cà Tím Nhật Bản Hướng Phát Triển Trong Công Tác Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng Trồng Cà Tím Nhật Bản Hướng Phát Triển Trong Công Tác Chuyển Đổi Cơ Cấu Cây Trồng

Những năm trở lại đây, giống Cà tím Nhật đang được nhiều nông dân ở huyện Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) trồng và phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản phẩm làm ra có chỗ đứng trên thị trường, tiêu thụ nhanh, ngoài ra còn xuất khẩu sang Nhật.

13/06/2013
Nguy Cơ Thất Thu Lớn Mùa Nghêu Nguy Cơ Thất Thu Lớn Mùa Nghêu

Theo thường niên, vào đầu tháng 6 dương lịch, các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi nghêu ở các huyện ven biển tỉnh Trà Vinh bước vào cao điểm thu hoạch nghêu thương phẩm. Tuy nhiên, mùa nghêu năm nay, người nuôi nghêu ở đây đang đối mặt với nguy cơ thất thu nặng vì giá nghêu thương phẩm giảm mạnh và khó tiêu thụ.

14/06/2013
Lấy 30 Mẫu Cá Tầm, Cá Quả Để Kiểm Nghiệm Lấy 30 Mẫu Cá Tầm, Cá Quả Để Kiểm Nghiệm

Tại cuộc họp về chất lượng vật tư và ATTP vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, hiện Cites chưa cấp phép cho bất cứ một cơ sở nào nhập khẩu cá tầm nên cả cá tầm thương phẩm và cá tầm giống nuôi trong nước đều không chính ngạch.

14/06/2013