Tân Sơn Chú Trọng Bảo Vệ Và Phát Triển Rừng
Tân Sơn là huyện có diện tích đất rừng khá lớn, trong tổng số hơn 68 nghìn ha đất tự nhiên thì có tới ¾ là đất rừng. Vì vậy công tác bảo vệ và phát triển rừng được huyện đặc biệt quan tâm.
Năm 2014, trên địa bàn huyện trồng gần 1.800ha rừng, trong đó trồng rừng theo Dự án bảo vệ và phát triển rừng được 500ha, 2 công ty lâm nghiệp trồng hơn 500ha, người dân tự trồng 427ha, Ban quản lý dự án Vườn quốc gia Xuân Sơn trồng 160ha.
Đồng chí Đặng Ngọc Quyền - Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện cho biết: “Để trồng rừng đúng tiến độ, đạt kết quả tốt Hạt kiểm lâm đã tổ chức tập huấn cho các hộ dân trồng rừng trên địa bàn. Triển khai nhận và cấp cây giống, phân bón cho các hộ sản xuất. Trồng rừng xong các cán bộ kiểm lâm còn hướng dẫn, đôn đốc các hộ chăm sóc và trồng dặm rừng, yêu cầu các hộ có chất lượng rừng kém ký cam kết chăm sóc, trồng dặm để rừng đạt tiêu chuẩn kỹ thuật”.
Nhờ được tuyên truyền vận động, qua các chương trình dự án bà con được hỗ trợ về cây giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật nên thấy được hiệu quả từ rừng, vì vậy không chỉ lo trồng rừng bà con đã biết quan tâm chăm sóc và bảo vệ rừng. Anh Sa Tiến Sỹ- người dân ở xã Xuân Đài cho biết: “Gia đình tôi có hơn 4ha rừng trồng keo.
Chúng tôi đã làm theo hướng dẫn của cán bộ nên rừng tốt lắm. Nhờ trồng rừng và nuôi lợn, gà mỗi năm gia đình tôi đã thoát nghèo và có thu nhập mỗi năm 60-70 triệu đồng. Cũng do rừng bây giờ được bảo vệ tốt hơn nên chúng tôi yên tâm trồng rừng”.
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Tân Sơn tình trạng phá rừng trái phép đã giảm hẳn và không xảy ra cháy rừng. Mặc dù vậy nhận thức của người dân về rừng còn nhiều hạn chế, cuộc sống còn khó khăn dẫn đến tình trạng khai thác rừng trái phép làm nương rẫy còn tiềm ẩn.
Để làm tốt công tác bảo vệ rừng, Hạt kiểm lâm đã chủ động phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, các chủ rừng tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật nghiệp vụ về bảo vệ, phát triển rừng và PCCCR. 6 tháng đầu năm đã tổ chức được 6 buổi tuyên truyền cho lực lượng dân quân tự vệ với gần 400 người tham gia.
Cán bộ kiểm lâm địa bàn còn tích cực tuyên truyền trực tiếp cho người dân pháp luật về rừng; phát hàng nghìn tờ gấp tuyên truyền về bảo vệ rừng, PCCCR đến các chủ rừng. Hạt kiểm lâm đã chỉ đạo các trạm kiểm lâm địa bàn thường xuyên kiểm tra rừng trên địa bàn đặc biệt là các khu rừng tự nhiên là rừng đặc dụng và rừng phòng hộ tại các xã Kim Thượng, Đồng Sơn, Xuân Sơn và Thu Cúc.
Chỉ đạo làm tốt công tác PCCCR theo phương châm 4 tại chỗ, hướng dẫn các chủ rừng thực hiện đúng quy định xử lý thực bì bằng phương pháp đốt. Do làm tốt công tác bảo vệ rừng PCCCR nên từ đầu năm đến nay trên địa bàn không xảy ra cháy rừng.
Thực hiện công tác thừa hành pháp luật về rừng, lực lượng kiểm lâm đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra rừng địa bàn, đặc biệt đối với những địa bàn trọng điểm như: Khu Bến Thân, xã Đồng Sơn, khu Tân Hồi, xã Kim Thượng, khu Đồng Mai, xã Thu Cúc… ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm Luật bảo vệ và phát triển rừng. Trong 6 tháng đầu năm đã lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ phá rừng trái phép, 1 vụ vận chuyển lâm sản trái phép.
Có thể bạn quan tâm
Từ nay đến cuối năm, lực lượng chức năng tại sáu tỉnh thành là TP.HCM, Đồng Nai, Vĩnh Long, Hà Nội, Hưng Yên và Thanh Hóa sẽ đồng loạt ra quân kiểm tra các địa điểm sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi nhằm kiểm soát tình trạng buôn bán các chất cấm trong chăn nuôi.
Trong những ngày tháng 8, có dịp về thăm Trung tâm KHKT Giống cây trồng Đạo Đức, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự thay đổi không ngờ: Được đầu tư nhà trưng bày sản phẩm, nhà nuôi cấy và các thiết bị nuôi cấy mô; đội ngũ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ.
Dù DN xuất tiểu ngạch đang điêu đứng nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, gạo xuất chính ngạch sang Trung Quốc vẫn bình thường.
Điều đáng nói là, cùng với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện canh tác như nhau, trong khi người dân các xã vùng thấp lụt huyện Đức Thọ “lúa đã đầy bồ” thì hầu hết diện tích lúa hè thu của các địa phương trên toàn tỉnh chưa đến kỳ thu hoạch, thậm chí, đến thời điểm này, nhiều diện tích mới trổ bông!
Hiện nay, toàn tỉnh Đác Lắc có tổng diện tích cà-phê hơn 202.500ha, trong đó có 190 nghìn ha cà-phê kinh doanh cho thu hoạch với sản lượng khoảng 430 nghìn tấn cà-phê nhân/niên vụ. Tuy nhiên, theo khảo sát, diện tích cà-phê già cỗi cần tái canh từ nay đến năm 2020 lên tới 30.442 ha.