Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Tam Nông Từ Chuyện Cây Bắp

Tam Nông Từ Chuyện Cây Bắp
Ngày đăng: 09/08/2014

Cách  đây chưa lâu, Đài Truyền hình Việt Nam đưa tin hàng năm nước ta phải nhập hơn 2 triệu tấn bắp để sản xuất thức ăn gia súc, nghe mà giật mình. Một đất nước nông nghiệp và là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới nhưng bắp thì không đủ để... sản xuất thức ăn gia súc thì quả là điều đáng để trăn trở. 

Nhớ lại cách đây hơn 15 năm, khi người viết còn làm công tác khuyến nông, đã chứng kiến nhiều chương trình tập huấn phổ biến kỹ thuật trồng bắp lai để thu được năng suất từ 8 - 10 tấn/ha, thậm chí còn cao hơn. Giống bắp lai ban đầu phải nhập từ nước ngoài như Thái Lan, Mỹ… nhưng sau đó Việt Nam cũng đã sản xuất được một số giống bắp lai có năng suất chất lượng cao.

Hiện nay, tập đoàn giống bắp Việt Nam rất phong phú và đa dạng về chủng loại, thời gian sinh trưởng, khả năng thích ứng..., đáp ứng mọi nhu cầu về giống bắp cho nông dân trong cả nước, năng suất cũng không thua kém bắp ngoại nhập.

Đất đai để trồng bắp cũng không kén chọn cho lắm, sâu bệnh ít, không tốn công tưới tiêu nhiều... Vậy nhưng chừng ấy năm rồi, chỉ nhìn từ chuyện cây bắp thôi, khi loại nông sản này chưa đủ để làm nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc mà vẫn phải nhập khẩu với một lượng lớn thì quả là một câu hỏi rất đáng suy ngẫm.

Đã từ lâu chương trình liên kết “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông) được phát động, triển khai nhưng đến bây giờ mối liên kết đó vẫn chưa thực sự cho hiệu quả như mong muốn. Sự thiếu chặt chẽ trong liên kết này đã khiến nông dân, doanh nghiệp không an tâm đầu tư, sản xuất.

Nông dân cứ nơm nớp lo khi được mùa thì mất giá. Vậy ách tắc từ đâu? “Nhà” nào chịu trách nhiệm trước thực trạng này? Cuối cùng thì nhà nông cực vẫn hoàn cực, lo vẫn hoàn lo và nông nghiệp nước nhà vẫn đang tiến lên hiện đại hóa với tốc độ khá chậm và thiếu bền vững.

Phải nhìn thẳng vào thực tế là Nhà nước vẫn là yếu tố chủ lực chi phối các “nhà” khác trong quá trình phối hợp hành động hỗ trợ nhà nông. Nhìn từ góc độ khoa học kỹ thuật cũng là một vấn đề rất trăn trở.

Dẫn chứng gần gũi và thực tế nhất là từ Hội cựu sinh viên Đại học Nông lâm TP.Hồ Chí Minh tại Quảng Nam và Đà Nẵng. Hàng năm các thế hệ cựu sinh viên của trường đều tổ chức họp mặt để trao đổi, giao lưu.

Đề cập về “chuyên môn”, các cựu sinh viên cho biết hội chỉ có chưa tới 20% trong tổng số hơn 200 kỹ sư nông nghiệp tốt nghiệp ra trường đến nay còn “làm bạn với nhà nông”, còn lại là làm việc và công tác trong các lĩnh vực chẳng dính dáng chút nào với nông nghiệp, nông thôn.

Có những sinh viên quê ở Quảng Nam, tốt nghiệp ra trường đã mấy năm nay rồi, đơn gửi khắp nơi mà vẫn chưa có nơi nào nhận, trong khi nhà nông vẫn đang loay hoay với câu chuyện về ứng dụng khoa học kỹ thuật để có năng suất và chất lượng cho cây trồng.

Một vấn đề nữa là nhân lực cho cả nông nghiệp hiện vẫn thiếu cả về chất và lượng. Nguyên nhân chính là họ không yên tâm để sống vì nông nghiệp, hay nói cụ thể hơn là vấn đề thu nhập không tương xứng với sự cống hiến nên nhiều người bỏ nghề chuyển qua làm các công việc ở lĩnh vực khác có thu nhập đảm bảo hơn.

Về lượng, cụ thể là lực lượng tại chỗ, thanh niên nông thôn có sức khỏe, có học thức hiện nay cũng ít ai ở lại bám trụ cùng đồng ruộng luống cày, mà đổ về các thành phố thị xã, khu công nghiệp để tìm việc làm.

Một nghịch lý nữa là đội ngũ các nhà khoa học liên quan đến nông nghiệp ở các trường đại học, viện nghiên cứu không ít, trong đó có nhiều thạc sĩ, tiến sĩ nhưng nghiên cứu  phục vụ thực tiễn rất ít, chỉ dừng lại ở cấp độ… tài liệu lưu trữ chứ không ra đến vườn, ao chuồng. Chính vì vậy mới có những phát minh sáng kiến của các “kỹ sư chân đất”!

Câu chuyện về “tam nông” (nông thôn - nông nghiệp - nông dân) giờ đây không còn xa lạ và chương trình nông thôn mới cũng đang được triển khai ở nhiều nơi.

Nhưng chúng ta vẫn phải đối diện với thực tế là tuy chiếm 70% dân số nhưng thu nhập của nông dân chỉ mới bằng 1/3 mức bình quân của cả nước. Nông nghiệp vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, dựa trên phương pháp truyền thống là chính. Giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích còn thấp, giá trị gia tăng hàng hóa nông phẩm kém…

Để tạo bước chuyển biến mang tính đột phá thì không thể làm theo kiểu phong trào mà phải làm có trọng tâm, trọng điểm, trong đó chú trọng hiện đại hóa nông nghiệp, xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng theo chiều sâu, coi trọng giá trị trên một đơn vị diện tích thay vì chạy theo sản lượng đơn thuần; phát triển các loại hình sản xuất có hiệu quả, mà thực chất là xác định chủ thể kinh tế thị trường ở nông thôn; chuyển đổi và phân bổ nguồn nhân lực ở nông thôn; xây dựng nông thôn mới và có những chính sách đầu tư hiệu quả và thiết thực.

Có như vậy, hy vọng nông nghiệp nước nhà mới thoát ra khỏi những nghịch lý, bất cập sau hơn 20 năm công nghiệp hóa.


Có thể bạn quan tâm

Chuẩn Bị Đủ Các Điều Kiện Cho Sản Xuất Vụ Mùa 2013 Chuẩn Bị Đủ Các Điều Kiện Cho Sản Xuất Vụ Mùa 2013

Xác định gieo cấy lúa mùa đúng trà, bảo đảm khung thời vụ và cấy hết diện tích là điều kiện tốt để thực hiện vụ đông và hoàn thành chỉ tiêu sản xuất lương thực cả năm. Vụ mùa 2013, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 25.339 ha lúa, có 12.764 ha lúa lai, chiếm 50,4% diện tích. Trong đó tập trung gieo cấy trà sớm và chính vụ và kết thúc cấy trước ngày 5-7..

14/06/2013
Thực Hiện Quyết Liệt Việc Phòng, Chống Dịch Bệnh Gia Súc Ở Hà Nội Thực Hiện Quyết Liệt Việc Phòng, Chống Dịch Bệnh Gia Súc Ở Hà Nội

Đây là những nội dung UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã cần tổ chức tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh lở mồm long móng.

29/03/2013
Giá Thu Mua Thanh Long Đạt Mức Kỷ Lục Từ Trước Đến Nay Ở Bình Thuận Giá Thu Mua Thanh Long Đạt Mức Kỷ Lục Từ Trước Đến Nay Ở Bình Thuận

Từ vài ngày qua, giá thu mua thanh long tại Bình Thuận liên tục tăng cao và đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, đem lại niềm vui cho không ít hộ dân vùng chuyên canh. Như tại xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam), các chủ vựa đưa ra giá thu mua dao động từ 29.500 - 30.000 đồng/kg, nên nhiều nhà vườn thu được khoản tiền lớn từ 400 - 500 triệu đồng.

30/03/2013
Hiệu Quả Từ Nuôi Bò Sữa Ở Đông Kết (Hưng Yên) Hiệu Quả Từ Nuôi Bò Sữa Ở Đông Kết (Hưng Yên)

Nằm ven sông Hồng, xã Đông Kết (Khoái Châu - Hưng Yên) có lợi thế về đồng cỏ ven triền đê và diện tích trồng chuối tương đối lớn (hơn 100 ha)… Đây chính là nguồn thức ăn dồi dào để phát triển đàn bò sữa. Trong thời gian qua, bò sữa đã trở thành con vật nuôi “xóa đói giảm nghèo”, mang lại cuộc sống no đủ cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã.

01/04/2013
13 Mô Hình Được Hỗ Trợ Từ Nguồn Vốn Của Chương Trình Xây Dựng NTM 13 Mô Hình Được Hỗ Trợ Từ Nguồn Vốn Của Chương Trình Xây Dựng NTM

Năm nay, toàn tỉnh có 13 mô hình được hỗ trợ xây dựng mô hình từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (MTQG XD NTM).

14/06/2013