Sản Xuất Thành Công Giống Lươn Đồng Bằng Sinh Sản Bán Nhân Tạo
Trung tâm Giống Thủy sản An Giang vừa triển khai thành công dự án “Phát triển mô hình sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo tại An Giang”, do Kỹ sư Triệu Thị Y Vanne làm chủ nhiệm. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 580 triệu đồng, trong đó ngân sách sự nghiệp khoa học hỗ trợ trên 408,6 triệu đồng.
Kỹ sư Triệu Thị Y Vanne cho biết: Kết quả rất khả quan. Dự án thực hiện từ tháng 7-2011 đến tháng 7-2012, đã phổ biến rộng rãi cho nông ngư dân trong tỉnh công nghệ sản xuất giống lươn đồng, giúp nông dân chủ động nguồn giống, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới làm cơ sở cho việc khuyến cáo nông dân sử dụng con giống nhân tạo, hạn chế khai thác tận thu, tận diệt nguồn lươn ngoài tự nhiên và góp phần bảo tồn nguồn lợi thủy sản tự nhiên. Quá trình thực hiện, dự án đã tổ chức 4 lớp tập huấn cho 120 nông dân về kỹ thuật sản xuất giống lươn đồng tại: TX.Tân Châu, huyện Thoại Sơn, Châu Thành và Châu Phú. Kết quả thực nghiệm thu được 69.000 con lươn giống kích cỡ 3 - 10 gram (so mục tiêu dự án 64.000 con, đạt tỷ lệ 107,81%).
Tỷ lệ nở bình quân từ 50 - 90%, tỷ lệ sống từ lươn bột lên lươn hương 60 - 80%, từ lươn hương lên lươn giống 60 - 75%, đáp ứng mục tiêu đề tài. Các hộ nông dân tham gia mô hình sản xuất giống lươn đồng bằng phương pháp sinh sản bán nhân tạo đều thu được lợi nhuận cao. Tỷ suất lợi nhuận dao động từ 21,23 - 103,61%/mô hình, lợi nhuận thu được từ 207 - 775 ngàn đồng/m2. Trong đó có mô hình của ông Nguyễn Ngọc Hân (huyện Thoại Sơn) đạt tỷ suất lợi nhuận 125,60%, ông Hồ Văn Luông (huyện Châu Thành) đạt 105,85%.
Dự án đã triển khai 15 mô hình nằm trong vùng chuyên canh của địa phương. Trong thời gian thực hiện mô hình, các hộ nuôi được hướng dẫn thực hiện các biện pháp nuôi vỗ thành thục lươn bố mẹ, ương dưỡng lươn bột lên lươn giống, giải pháp kỹ thuật về quản lý chất lượng nước và phòng ngừa dịch bệnh trong hệ thống sản xuất giống lươn. Sau khi ương 90 ngày, tiến hành thu lươn giống theo từng đợt.
Mô hình triển khai làm 2 giai đoạn: Nuôi vỗ bố mẹ và ấp nở, ương dưỡng từ lươn bột thành lươn giống. Mỗi hộ được đầu tư kinh phí xây dựng một bể nuôi lươn bố mẹ theo quy cách bể lót bạt diện tích 15 m2; khu ấp trứng và ương lươn giống được bố trí trong khu vực riêng biệt có mái che và nhiệt độ ổn định. Với diện tích bể sinh sản bằng bạt cao su có bố trí đất làm giá thể 15 m2/mô hình, bố trí lươn bố mẹ mật độ 15 con/m2, sử dụng loại thức ăn công nghiệp (42 - 45% đạm) và thức ăn tươi sống (cá tạp, ốc…), kết hợp các yếu tố môi trường như nhiệt độ (28 - 32 độ C), pH (6,5 - 8,0), oxy (3 - 6 ppm), amonium (1 - 2 ppm).
Kỹ sư Y Vanne lưu ý, giai đoạn ương dưỡng từ lươn bột lên lươn giống đóng vai trò quan trọng, quyết định sự thành công của mô hình: Nguồn thức ăn chính sử dụng là trứng nước, trùn chỉ, thức ăn tươi sống và công nghiệp 42 - 44% đạm. Để có được lươn giống đạt trọng lượng bình quân 3 - 10 gram/con phải trải qua thời gian ương dưỡng 3,5 - 4 tháng. Trong nhiều yếu tố ảnh hưởng, sự quản lý, chăm sóc tốt hệ thống mô hình nuôi, cùng với cung cấp đầy đủ các loại thức ăn phù hợp từng giai đoạn phát triển của lươn tác động quyết định đến năng suất, hiệu quả và lợi nhuận.
Thành công của mô hình mở hướng đi mới cho người nuôi lươn về chất lượng con giống và kỹ thuật nuôi: Nông dân chủ động sản xuất con giống chất lượng, giảm tỷ lệ hao hụt, giảm chi phí và lợi nhuận cao hơn giống tự nhiên. Hiệu quả của dự án mang ý nghĩa quan trọng trong việc bảo tồn loài giống lươn tự nhiên cũng như việc xã hội hóa một nghề sản xuất mới cho người dân.
Có thể bạn quan tâm
Ông Nguyễn Duy Lâm, Trưởng phòng thủy sản (Sở NN&PTNT) cho biết, tỉnh Bình Định đã quyết định loại 4 tàu cá của ông La Tình, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn ra khỏi mô hình khai thác, thu mua xuất khẩu cá ngừ đại dương (CNĐD) theo chuỗi, đồng thời thu hồi 4 bộ thiết bị câu CNĐD theo kiểu Nhật Bản đã lắp đặt trên 4 tàu cá của ngư dân này.
Năm 2014, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng VietGAP do Trung tâm Khuyến nông quốc gia chuyển giao cho nông dân xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Tuy nhiên, để nhân rộng cần có sự quan tâm nhiều hơn của ngành chức năng.
Dựa vào tán rừng, anh Đỗ Văn Tài (xã An Cư, Tịnh Biên, An Giang) đã khai thác lợi thế để phát triển chăn nuôi nai theo hình thức bán hoang dã, mỗi năm đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng. Đây được xem là cách làm giúp các chủ rừng nâng cao đời sống, góp phần bảo vệ và phát triển rừng bền vững.
Đồng Tháp Mười có hệ thống rừng tràm phong phú, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho ong, nên việc nuôi ong của người dân giảm được chi phí thức ăn. Thời gian qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Tân Công Sính đã thành lập mô hình nuôi ong lấy mật và hỗ trợ vốn cho nhiều hội viên tham gia nuôi ong, giúp cho nhiều người ổn định cuộc sống và làm giàu.
Sáng ngày 27/02, Doanh nghiệp tư nhân Tân Tài Lộc tổ chức buổi ra mắt trang trại chăn nuôi bò sữa theo hướng hiện đại chuyên nghiệp. Đến tham quan trang trại có ông Trần Văn Chuyện - Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Sóc Trăng, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Mỹ Xuyên.