Làm giàu từ mô hình chăn nuôi kết hợp

Từ mô hình này đã góp phần đem lại thu nhập cho gia đình chị trên 700 triệu đồng/ năm; đưa chị trở thành 1 trong 10 tấm gương điển hình trong phong trào sản xuất chăn nuôi giỏi của Hội Nông dân tỉnh và được vinh danh tại hội nghị điển hình tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến xã An Điền, hỏi người dân ở đây hầu như ai cũng đều biết đến chị Yến. Cơ ngơi của gia đình chị có được ngày hôm nay là nhờ thu nhập chủ yếu từ mô hình kinh tế chăn nuôi kết hợp. Chị đã áp dụng thành công mô hình này hơn 20 năm qua.
Chị Yến cho biết, mô hình chăn nuôi, trồng trọt của gia đình hiện có 20.000 con gà, 117 con trâu, 2 con heo nái và 20 ha cao su. Do đã có nhiều năm kinh nghiệm nên việc sản xuất chăn nuôi của gia đình luôn ổn định và cho hiệu quả cao; trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình chị thu lãi từ 500 - 700 triệu đồng. Có được thu nhập ổn định như vậy, theo chị Yến là nhờ chị cùng gia đình đã lựa chọn hướng đi hợp lý trong đầu tư phát triển chăn nuôi kết hợp, tập trung và lấy ngắn nuôi dài.
Được biết, thời gian đầu gây dựng, gia đình chị đã gặp không ít khó khăn: không kinh nghiệm, ít vốn, ít có mối quan hệ... Mọi thứ chị phải tự học, tự làm. Nhờ lòng quyết tâm và ước mơ làm giàu cùng sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, người thân và bạn bè, những khó khăn ban đầu nhanh chóng qua đi.
Qua nhiều năm thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp thành công, chị đúc kết được nhiều kinh nghiệm thực tế, quan trọng nhất là khâu lựa chọn con giống và vệ sinh chuồng trại. “Để thực hiện mô hình chăn nuôi kết hợp thành công phải nắm vững và áp dụng sáng tạo các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, xử lý kịp thời, có hiệu quả các tình huống bất lợi có thể xảy ra; bên cạnh đó đầu tư thật kỹ về cơ sở hạ tầng, chủ động nguồn vốn phục vụ quá trình sản xuất”, chị Yến chia sẻ.
Cũng theo chị Yến, trong suốt quá trình chăn nuôi cần thực hiện chế độ chăm sóc hợp lý, giai đoạn còn nhỏ cần chế độ cho ăn đặc biệt; thực hiện chế độ tiêm phòng đầy đủ... để gà, trâu khỏe mạnh, lớn nhanh, đạt tiêu chuẩn về chất lượng an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, chị nuôi với hình thức hợp đồng gia công cho công ty nên sử dụng thức ăn công nghiệp kết hợp với các loại thức ăn dinh dưỡng, khoáng chất cần thiết được phép sử dụng nhằm bảo đảm điều kiện tốt nhất cho gà phát triển. Hiện nay, quy mô 5 trại nuôi gà với 20.000 con của gia đình chị đều được đầu tư hệ thống thức ăn và nước uống tự động, đỡ tốn công lao động. Đối với đàn trâu, hàng ngày chị cho chăn thả tự do, tối mới nhốt chuồng...
Đối với cây cao su, gia đình chị trồng từ những năm 90 của thế kỷ trước; đúng thời điểm giá mủ thấp, lại bấp bênh nên khi đó việc mở rộng diện tích rất khó khăn. Tận dụng đất trống trong vườn cao su kiến thiết cơ bản, chị đã mở thêm chuồng trại nuôi gà rồi dần dần nhân rộng thêm mô hình.
Giá mủ cao su bấp bênh nhưng chị vẫn quyết tâm giữ vườn cây, có những điều chỉnh thời gian cạo mủ sao cho phù hợp nên mang lại hiệu quả cao. Chị Yến tâm tình, những năm mủ cao su được giá đã mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình. Khi giá mủ cao su thấp chị tập trung đầu tư nhiều hơn cho chăn nuôi để ổn định thu nhập.
Sau hơn 20 năm nỗ lực sản xuất chăn nuôi, chị Yến đã đạt được nhiều thành công trong phát triển kinh tế, qua đó giúp đời sống gia đình cải thiện và nâng cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế của xã. Bên cạnh đó, với quy mô chăn nuôi, trồng trọt lớn nên gia đình chị đã tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với thu nhập trung bình 4 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, chị còn rất tích cực tham gia công tác xã hội. Hàng năm, chị đều trích một phần thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng để ủng hộ cho người nghèo, người dân ở vùng sâu vùng xa, các hoàn cảnh khó khăn…
Có thể bạn quan tâm

Nổi bật là hộ Nguyễn Văn Rừng thu lãi cao nhất với hơn 111 triệu đồng/ha, hộ Lê Thành Công thu lãi gần 82 triệu đồng/ha, Nguyễn Thành Trí thu lãi 70 triệu đồng/ ha, hộ Trần Văn Quân thu lãi trên 67 triệu đồng/ha... Mô hình này đã giúp nhiều nông hộ ở địa phương có được nguồn thu nhập đáng kể trong mùa nước nổi

UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết hàng chục hộ dân ở hai thôn 2, 3 xã Trà Linh vừa hình thành mô hình trồng sâm tập thể, bao gồm tổ trưởng, tổ phó, thư ký với trách nhiệm cụ thể được phân công cho từng thành viên (như chăm sóc, nuôi trồng, bảo vệ cây sâm…). Đây là mô hình mới nhất tại vùng sâm Ngọc Linh (sâm K5) có giá trị kinh tế rất cao, vì lâu nay chỉ có các vườn sâm riêng lẻ.

Nếu như trước đây, người trồng nấm ở Bảo lộc gần như chỉ tập trung vào sản xuất giống nấm mèo bởi có đầu ra ổn định (dù không đem lại giá trị kinh tế cao) và cũng không đòi hỏi kỹ thuật cao trong nuôi trồng. Nay, các loại nấm cao cấp như sò đùi gà, bào ngư nhật, bào ngư xám… đã được các hộ trồng nấm mạnh dạn đưa vào sản xuất, bởi ngoài lợi ích kinh tế họ còn không phải phụ thuộc vào nguồn cung cấp giống.

Ngày 30/5/2012, đoàn cán bộ của Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia đã tổ chức kiểm tra, đánh giá tiến độ triển khai mô hình nuôi ghép cá rô phi đơn tính đực theo hướng GAP trong ao tại tỉnh Hải Dương và Bắc Ninh.

Đến xã Lạc Tấn, huyện Tân Trụ (Long An), ai cũng biết anh Trịnh Văn Bé Sáu là nông dân điển hình thực hiện nuôi gà thả vườn theo hướng an toàn sinh học, mỗi năm lãi hơn 500 triệu đồng.