Nuôi heo làm giàu
Nhìn ngôi nhà khang trang, trị giá hàng trăm triệu đồng của gia đình chị Nguyễn Thị Bình, KV6, phường Hương Vân nhiều người không giấu nổi sự khâm phục. Không chỉ sở hữu duy nhất ngôi nhà ấy, chị Bình giờ được xem là gia đình kiểu mẫu, có của ăn của để và con cái học hành chăm ngoan nhờ mô hình chăn nuôi heo.
Vốn làm nghề thuần nông, trước năm 2000, gia đình chị Bình nuôi heo chỉ theo hướng nhỏ lẻ, tận dụng nguồn thức ăn thừa và rau củ quanh vườn. Năm 2004, khi tích luỹ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi, chị Bình phát triển mô hình theo phương thức nuôi gia trại. Thời điểm này, chị đầu tư bốn dãy chuồng lớn, nhỏ nằm cách nhà ở khoảng 100m, thỏm sâu cuối vườn.
Với quy mô chuồng trại đầu tư khép kín, có hệ thống mương máng xử lý thức ăn, đến phòng dịch... nên tháng nào gia đình cũng có heo thịt để bán. Chồng chị Bình chia sẻ: “Mình sinh ra từ làng và gắn bó với làng quê nên không thể rời đàn heo. Nhờ nuôi heo kinh tế gia đình khấm khá lên”.
Gần nhà chị Bình là gia đình ông Trần Công Diệu - người nuôi heo có tiếng tăm trong khu vực. Thăm gia trại nuôi heo của ông Diệu mới thấy phương thức làm ăn ở đây có bài bản, mang tính bền vững. Chuồng trại được xây cách ly với nhà ở, mương máng sạch sẽ, có hệ thống xử lý thức ăn thừa, phân heo được xử lý qua hầm bioga tạo nguồn chất đốt cho gia đình.
Bà Lê Thị Liên, vợ ông Diệu cho biết, gia đình đã tham gia nuôi heo cách đây 10 năm. Hiện tại, gia đình đã đầu tư 10 chuồng, diện tích nuôi gần 100 con với trọng lượng từ 50 - 60 kg/con. Khi hỏi mỗi năm lãi được bao nhiêu, bà Liên chỉ cười, vì bán ra nhiều nên không nhớ.
Theo bà Liên, KV 6, Hương Vân là địa bàn mà “nhà nhà chăn nuôi heo” theo tinh thần không thua bạn kém bè, như các ông Trần Công Quang, Nguyễn Tấn Phước nuôi không dưới 8 chuồng, với gần 100 con heo thịt và heo nái. Các gia đình này dường như có quy ước ngầm nuôi heo ít là khó chịu, ấm ức...
Qua tìm hiểu các chủ nuôi ở KV 6, phường Hương Vân thuộc lòng bài toán: Con giống + thức ăn + thuốc vệ sinh thú y dao động trên dưới 2,7 triệu đồng. Nếu chăn nuôi vượt qua con số này, tức là có lãi. Có hạch toán, có kế hoạch nên nhà nào cũng cố gắng tính toán sao cho số tiền thu được trên một con heo vượt được qua con số này.
Theo chồng chị Bình, đầu tiên là tính toán đến con giống, tiền thức ăn. Sau đó là chuyện phòng trừ dịch bệnh cho đàn heo. Thuốc khử trùng, các loại vắc xin phòng bệnh luôn được các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm túc, cẩn thận. Trong gia trại của chị Bình, gần 100 con heo nằm phơi mình trong chuồng.
Theo hạch toán, bình quân mỗi năm gia đình chị Bình xuất 5 lứa, mỗi lứa khoảng 40 con, khoảng 3 tấn heo hơi. Bình quân mỗi con lãi khoảng 400 nghìn đồng; như năm vừa rồi gia đình lãi hơn 80 triệu đồng... Nhờ bài toán trên mà mô hình nuôi heo ở KV 6, Hương Vân mang lại hiệu quả. Các hộ nuôi heo cũng nhờ thế mà yên tâm với khối tài sản không cố định cả trăm triệu đồng trong nhà.
Ông Hoàng Tấn Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Hương Vân nói, hiện nay trên địa bàn phường phần lớn đều tham gia nuôi heo. Người nuôi trước hỗ trợ người nuôi sau về cách thức nuôi lẫn con giống, thức ăn... Hộ ít nhất nuôi 1 - 2 chuồng, với 2 - 4 con; hộ nhiều lên cả trăm con. Con số này chiếm 30% số hộ trong phường.
Phó Chủ tịch phường Hoàng Tấn Thành cho rằng, khoảng 3 năm gần đây mô hình nuôi heo ở Hương Vân đã theo hướng gia, trang trại mà tạo cơ hội để phất lên làm giàu, như chị Bình, ông Quang, ông Phước, ông Diệu... Khi chăn nuôi ổn định, người dân đã quan tâm vấn đề môi trường, không thụ động chờ sự đầu tư, hỗ trợ của nhà nước mà tự đầu tư hầm biogas để chứa chất thải từ chăn nuôi.
Không “đao to búa lớn”, nhưng Hương Vân đang từng bước chuyển mình, đưa chăn nuôi heo từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hóa. Nói như người dân nơi đây, xây dựng nông thôn mới, đơn giản nhất là làm sao để người nông dân không rời làng, tự tin làm giàu trên chính mảnh đất quê mình...
Có thể bạn quan tâm
Năm 2014, xã Ý Tý (Bát Xát - Lào Cai) triển khai trồng thử nghiệm 12 ha cây đương quy tại 6 thôn gồm: Nhìu Cồ San, Mò Phú Chải, Choản Thèn, Lao Chải 1, Lao Chải 3, Sín Chải 1 với sự tham gia của 142 hộ dân.
Sau khi khảo sát thực tế, ngày 19-5, đại diện UBND huyện Hóc Môn và UBND quận 6 TPHCM đã ký thỏa thuận liên kết “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, quận 6 giúp 2 xã Tân Thới Nhì và Tân Hiệp từ nay đến cuối năm 2015 cùng thực hiện để đạt 19/19 tiêu chí.
Trong đó, 10 dự án đã được phê duyệt đầu tư và đang thi công, một số dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng như: Yên Mỹ, Duyên Hà, Thanh Đa... RAT hiện có hơn 80 cửa hàng bán và khoảng 180 điểm bán tại các siêu thị.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát khi đề cập đến các chính sách hỗ trợ ngư dân khai thác hải sản trên các vùng biển xa, cho biết: Đến nay, cả nước có gần 6.200 tàu cá đăng ký và được phê duyệt đủ điều kiện hoạt động trên các vùng biển xa.
Chiều 8-6, theo Viện Lúa ĐBSCL, nông dân các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, TP Cần Thơ… đang bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm. Năm nay thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên nông dân giảm được khá nhiều về chi phí đầu tư, đồng thời tăng được năng suất lúa. Theo dự kiến, với khoảng 1,7 triệu ha lúa hè thu năm 2014, toàn vùng ĐBSCL sẽ thu về từ 7- 8 triệu tấn lúa.