Tái cơ cấu nông nghiệp khởi sắc nhờ công nghệ Nhật Bản
Ông Nguyễn Quốc Đạt – Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nam cho biết, để tập trungtái cơ cấu nông nghiệp, tỉnh đã xác định ưu tiên số 1 là làm nông nghiệp công nghệ cao với những thiết bị, kỹ thuật tiên tiến nhất được đưa vào đồng ruộng.
Đưa công nghệ Nhật Bản vào trồng rau
Dẫn chúng tôi tới khu trồng đậu bắp bằng nhà kính theo công nghệ của Nhật Bản ở xã Phù Vân (TP.Phủ Lý), ông Lại Văn Hiếu – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nam giới thiệu, thời gian gần đây, trung tâm đã và đang đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp Nhật Bản như Công ty H.B.C International, Fujitsu...
trong việc liên kết tiêu thụ sản phẩm và chuyển giao công nghệ.
Kỹ sư kiểm tra mô hình trồng thử nghiệm đậu bắp trong nhà kính ở xã Phù Vân (TP.Phủ Lý, Hà Nam).
Trò chuyện với chúng tôi trong khu nhà kính trồng bắp hiện đại, kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Hồng Thái - người được Sở NNPTNT Hà Nam cử tham gia mô hình liên kết này để chuyển giao công nghệ - cho biết, làm việc với đối tác Nhật, ông học được rất nhiều thứ, nhất là về cách quản lý của họ.
Theo anh Thái, các chuyên gia Nhật Bản làm việc rất tỉ mỉ, họ kiểm tra từng chỉ số, từ đất, nước, khí hậu, cỏ cho đến sâu bệnh… Sau gần một năm thử nghiệm, họ mới quyết định liên kết với Hà Nam để sản xuất lớn.
Một công nghệ hiện đại được công ty Nhật Bản ứng dụng là sử dụng công nghệ IT (mạng internet), điện thoại thông minh vào quản lý, sản xuất nông nghiệp.
Theo lời giới thiệu của anh Thái, áp dụng công nghệ này, người quản lý không cần ra đồng vẫn nắm bắt, biết được công nhân đang làm gì và hiệu quả công việc ra sao.
“Mỗi công nhân được trang bị một điện thoại thông minh, đã cài sẵn chương trình quản lý.
Ví dụ, khi bắt đầu công việc thì tích vào nút bắt đầu, như bắt đầu lên luống hoặc tra hạt, chăm sóc… đến khi dừng công việc thì ấn vào nút kết thúc.
Tất cả các thông tin về quy đình đó sẽ lập tức được gửi về máy chủ và người quản lý sẽ biết được các công việc hay tình hình đang diễn ra” – anh Thái cho hay.
Sau khi thử nghiệm, 2 công ty của Nhật đã hợp tác thuê 34ha đất ruộng của 303 hộ ở 7 xóm thuộc xã Nhân Khang (huyện Lý Nhân) với thời gian 10 năm để sản xuất rau hữu cơ.
Trước mắt, Công ty CP An Phú Hưng đã đầu tư kênh mương, giao thông để sản xuất rau an toàn theo công nghệ Nhật Bản trên diện tích 11ha, với các loại rau như cà chua, củ dền đỏ, xà lách tím… theo đúng quy trình, đảm bảo sản phẩm an toàn, có chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật.
Bà Nguyễn Thu Đang – Giám đốc Công ty CP An Phú Hưng cho biết, thị trường Nhật Bản đòi hỏi chất lượng rất cao.
Quy trình từ làm đất, đến bón phân, chăm sóc đều phải chuẩn.
Tuy nhiên, đáp ứng được điều này, giá trị sản phẩm nông nghiệp sẽ cao hơn 2 – 3 lần.
“Dự kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích và đa dạng hóa các sản phẩm.
Một mặt tích cực đào tạo, nâng cao kiến thức cho người dân khi họ góp đất cùng mình làm công nhân.
Nếu làm tốt việc tích tụ đất đai, vừa tránh lãng phí đất, người dân vẫn giữ được đất, có thu nhập và tăng thu nhập nhờ làm công nhân” – bà Đang chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Hoa - một trong các hộ góp đất cho Công ty CP An Phú Hưng vui vẻ cho hay: “Trước đây khu vực này chúng tôi thường trồng ngô, rau màu, nhưng diện tích manh mún, nên việc chăm sóc rất vất vả mà thu nhập chẳng đáng là bao.
Hơn năm nay, tôi cho công ty thuê, rồi được nhận vào làm công nhân, vừa có thu nhập ổn định, vừa học hỏi được kỹ thuật, mà đất vẫn không bị mất”.
Dành 3.000ha đất làm nông nghiệp công nghệ cao
Ngoài H.B.C Intermational, các công ty khác của Nhật như Fijisu, Showa Denko cũng đã đặt vấn đề với tỉnh Hà Nam trong việc đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản sạch.
Tập đoàn Showa Denko đang có 21 nhà máy sản xuất rau sạch ở Nhật Bản.
Tập đoàn đang dự kiến sẽ đầu tư 1 tỷ USD xây dựng xưởng sản xuất rau sạch tại Khu công nghiệp Đồng Văn II.
Xưởng sẽ ứng dụng công nghệ trồng rau trong nhà bằng nước và đèn led.
Với công nghệ này sẽ giúp rau tăng trưởng gấp 2,5 lần so với ánh sáng thường, tiêu hao ít nước, giảm công chăm sóc, giảm chi phí và giá thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Quốc Đạt cho biết, Hà Nam đã chọn các huyện như: Duy Tiên, Kim Bảng, Lý Nhân, Bình Lục là huyện trọng điểm để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm sản xuất rau hữu cơ, nuôi bò sữa, lợn, gà.
Để có đất trồng rau, nuôi bò, tỉnh đã có chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tích tụ ruộng đất từ 2ha trở lên, dưới hình thức thuê lại ruộng của người dân trong thời gian 20 năm, với mức 100kg ngô khô/sào/năm.
“Tỉnh đang hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tích tụ khoảng 600ha đất ruộng, dự kiến đến năm 2020 là 3.000ha.
Đến nay một số công ty đã nhận đất và đã có sản phẩm như An Phú Hưng, Hoàng Anh Gia Lai, Vingroup…” – ông Đạt cho biết.
Năm 2014, Công ty CP An Phú Hưng đã phối hợp với Công ty H.B.C Intermational triển khai dự án trồng đậu bắp, rau sạch ở xã Nhân Khang (Lý Nhân).
Trước đó, phía công ty Nhật Bản đã tiến hành trồng thử nghiệm trên diện tích 2ha ở xã Phù Vân (TP.Phủ Lý).
Tại đây, các chuyên gia Nhật Bản dựng hai nhà kính để trồng thử nghiệm đậu bắp, xà lách tím…
Có thể bạn quan tâm
Vị đại gia 44 tuổi ở thủ phủ hồ tiêu tỉnh Gia Lai không cho rằng mình lập nghiệp từ 2 bàn tay trắng mà bằng sự quyết tâm, ý chí kiên định cộng thêm một chút liều lĩnh, ngông cuồng.
Một nhóm ngư dân Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc vừa bắt được một con cá trắm đen khổng lồ với chiều dài đo được là 1,75m và nặng gần 90kg.
Tỉnh Lào Cai đã trở thành “điểm đến” của không ít hộ dân từ miền xuôi lên đây thuê đất để phát triển kinh tế bằng cây rau, hoa, cũng như một số cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao. Gia đình anh Lê Văn Tài (quê Hưng Yên) là một trong những hộ như thế.
Chiều 20.10, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã đọc tờ trình báo cáo Quốc hội đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.
Từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), hàng ngàn hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nghèo của tỉnh Kon Tum đã dần thoát ra khỏi nếp nghĩ, cách làm cố hữu.