Tái Cơ Cấu Ngành Nông Nghiệp Loay Hoay Tìm Lối Đi

Dù được xem là “đòn bẩy” thúc đẩy ngành nông nghiệp tăng trưởng về chất, góp phần vào sự phát triển kinh tế chung của tỉnh nhưng hiện giờ, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp xem ra vẫn loay hoay tìm lối đi khi bắt tay thực hiện…
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Sở NN&PTNT đã xây dựng Đề án và đề nghị UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2020, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành đạt 4%, giá trị sản xuất trên 65 triệu đồng/ha, tỷ trọng chăn nuôi chiếm 40%, độ che phủ rừng đạt 50%, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo nghề nông nghiệp tối thiểu đạt 80%...
Đã xác định đối tượng...
Nhận định của Sở NN&PTNT, loại cây dẫn đầu nhóm có lợi thế cạnh tranh và còn khả năng tăng giá trị gia tăng hiện nay là lúa, bắp và hành, tỏi Lý Sơn. Theo đó, diện tích canh tác cây lúa định hướng đến năm 2030 sẽ giữ ổn định ở mức 35.500ha, giảm 3.300ha so với hiện nay. Riêng cây bắp định hướng đến năm 2020 sẽ mở rộng lên 6.500 ha, tăng 2.000 ha so với hiện nay.
Lý giải cho kế hoạch “giảm lúa tăng bắp” này, Giám đốc Sở NN&PTNT Dương Văn Tô cho rằng, hiện có không ít diện tích canh tác lúa một vụ kém hiệu quả do thiếu nước, điều kiện sản xuất khó khăn.
Trong khi đó, cây bắp lại ưa những chân đất cao, ít nước, mà quy trình sản xuất cũng không quá cầu kỳ. Đặc biệt là đầu ra, nông dân không phải thấp thỏm lo lắng. Bởi theo thông báo của Bộ NN&PTNT thì năm 2014, cả nước phải nhập khẩu 3,5 triệu tấn bắp.
Con số này vào năm 2020 sẽ là 11 - 12 triệu tấn nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất thức ăn chăn nuôi. “Rõ ràng, bắp đang là lựa chọn số một trong quá trình điều chỉnh quy mô sản xuất các loại cây trồng theo hướng “giảm giá thành sản xuất; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm cũng như thu nhập cho nông dân”, ông Tô khẳng định.
Nếu như trồng trọt có lúa, bắp, hành tỏi thì chăn nuôi có heo, bò, trâu. Nhưng đối tượng được cho chiếm lợi thế nhất trong chăn nuôi nông hộ hiện nay là bò.
Vì vậy nên hiện giờ, cùng với việc khuyến khích nông dân tăng đàn, hỗ trợ người nuôi bò kỹ thuật chăm sóc, trồng cỏ; ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh thực hiện chương trình cải tạo giống bò thịt (Zêbu hóa đàn bò) nhằm nâng cao tầm vóc và chất lượng đàn bò thịt. Định hướng đến năm 2020, tổng đàn bò có 320 nghìn con, trong đó có 60% bò lai.
... chỉ đợi “giấy bảo hành”
Về mặt lý thuyết, các đối tượng cây, con trên có nhiều lợi thế cạnh tranh. Song, thực tế thì chưa hẳn vậy. Đơn cử như bắp, loại cây đang được Bộ NN&PTNT khuyến khích “thay” lúa ở những chân ruộng sản xuất kém hiệu quả. Thế nhưng, hiện người dân khá e dè, thận trọng với việc trồng bắp.
Ông Trương Tài, thôn Long Bàn, xã Tịnh An (TP.Quảng Ngãi) cho hay, ngoài chuyện “được mất... nhờ trời”, người trồng bắp lâu năm như ông chưa bao giờ được yên giấc mỗi khi đến vụ thu hoạch. Lý do, bất kỳ giá bắp cao hay thấp, họ cũng bị thương lái ép giá. Ấy nên khi nghe tỉnh sẽ mở rộng diện tích trồng bắp, ông Tài nói thẳng: “Trước khi hô hào chúng tôi trồng nhiều bắp, các ngành chức năng hãy cho bà con chúng tôi những địa chỉ thu mua uy tín cái đã”.
Trong khi đó, những người chăn nuôi bò thịt cũng không khỏi băn khoăn: Nuôi một vài con, chuyện bán buôn không thành vấn đề; nhưng nếu tăng đàn thì bán cho ai, ai mua? Bởi nói như ông Nguyễn Dùm ngụ thôn An Thổ, xã Phổ An (Đức Phổ), thực tế nuôi bò vỗ béo mà người ta hay gọi là “mua da bán thịt” cũng giống như “đánh bạc” vậy. Nghĩa là nó phụ thuộc vào sự nhạy bén cũng như kỹ thuật nuôi của mỗi người.
“Thế nên nếu kêu gọi chúng tôi tăng đàn, cấp trên cũng phải giúp dân kiếm... chỗ bán - mua. Chứ cứ nói suông như lâu nay thì ai mà dám làm”, ông Dùm bày tỏ.
Rõ ràng, dù đã “chỉ mặt đặt tên” đối tượng ưu tiên phát triển, nhưng nếu sản phẩm của nó chưa có “giấy bảo hành”- tức là thiếu cái bắt tay của doanh nghiệp, cách thức sản xuất không gắn với nhu cầu thị trường, nông dân đơn độc... thì, “vùng trũng trong nông nghiệp” ở tỉnh ta sẽ khó được lấp đầy trong quá trình tái cơ cấu.
Có thể bạn quan tâm

Nguyên tắc chung của nhà có mái che: khung nhà được làm bằng sắt (thép) hoặc bằng bê tông hoặc bằng tre đảm bảo chắc chắn, không bị ảnh hưởng bởi gió bão. Mái nhà lợp bằng tấm lợp plastic hoặc tấm lợp compozit hoặc màng UROZHAI. Xung quanh chắn lưới cách ly côn trùng (có thể dùng lưới nilon hoặc lưới kim loại). Nền nhà cứng, phẳng và sạch. Tốt nhất nên lát nền bằng xi măng + cát + sỏi.

Cái nắng đầu tháng 5 khét lẹt, không một chút gió khiến ruộng dưa gần chục ha ở thị trấn nông trường Việt Trung (Bố Trạch-Quảng Bình) như bị nung nóng. Trên ruộng dưa, anh Nguyễn Hữu Nam (ở TK 1- thị trấn NT Việt Trung) vẫn đội nắng, miệt mài chọn dưa để thu hoạch cho kịp giờ thương lái đến ăn hàng.

Thời gian qua, thông tin về chất cấm đã kéo giá heo hơi giảm mạnh xuống hơn 1 triệu đồng/tạ. Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn giá xuất chuồng, giá thịt heo ở chợ vẫn ở mức cao. Lợi nhuận từ sự chênh lệch giá thịt heo từ người chăn nuôi đến người tiêu dùng đang rơi vào tay thương lái và tiểu thương.

Từ trên đỉnh đồi nhìn xuống trang trại tựa như một bức tranh thiên nhiên đẹp hoàn mỹ. Vừa qua khỏi cổng trang trại là khu nuôi heo rừng, lúc cao điểm lên tới vài trăm con. Dọc hai bên đường là những cây bơ ghép giống của Mỹ, cây mắc ca 2 năm tuổi, xanh mơn mởn, đan xen dưới tán cà phê nặng trĩu quả, đỏ rực đang chờ người thu hái

Đến xã Vạn Thạnh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) những ngày này, chúng tôi chứng kiến không ít nỗi buồn của người nuôi khi tôm hùm liên tục chết. Trong khi đó, giá tôm lại liên tục giảm…