Tái Canh Cà Phê Vẫn Còn Nhiều Vướng Mắc
Theo tính toán của ngành nông nghiệp tỉnh thì khi tái canh 1 ha cà phê theo hình thức trồng mới lại hoàn toàn, người nông dân phải bỏ ra chi phí khoảng 150 triệu đồng trong 3 năm đầu, còn nếu ghép chồi thì cũng phải chi phí ban đầu khoảng 50 triệu đồng.
Đây là một số tiền lớn nên nhiều nông dân “ngại” bỏ tiền ra đầu tư. Một số hộ khác thì do diện tích đất, chất lượng cây trồng kém, năng suất, sản lượng thấp… nên những năm qua không tích lũy được thì nay không có vốn để thực hiện tái canh.
Để thiết thực hỗ trợ nông dân trồng cà phê, Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Việt Nam đã thông qua gói tín dụng 10.000-12.000 tỷ đồng trong chương trình tái canh cà phê của Bộ Nông nghiệp - PTNT để cho vay tái canh cà phê ở các tỉnh Tây nguyên trong giai đoạn 2013-2015. Thực tế, ở Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, các địa phương này đã có gần 2.000 khách hàng được vay, với tổng dư nợ trên 256 tỷ đồng.
Còn ở Đắk Nông, chương trình này đến nay vẫn chưa được triển khai. Về vấn đề này ông Lê Văn Công, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh cho biết: “Hiện nay, đơn vị vẫn chưa được cấp vốn theo chương trình này của Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT Việt Nam.
Tuy nhiên, những hộ dân, doanh nghiệp nào muốn vay vốn để tái canh thì ngân hàng vẫn sẵn sàng. Về lãi suất thì đơn vị huy động thế nào sẽ cho vay với mức hợp lý thế ấy và yêu cầu bên vay vốn phải đảm bảo tốt những yêu cầu về hồ sơ, thủ tục, tài sản thế chấp”.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có tổng diện tích cà phê hơn 114.000 ha, trong đó 97.837 ha cà phê kinh doanh. Điều đáng nói là so với mức năng suất trung bình trong cả nước là 2,35 tấn/ha thì ở tỉnh ta chỉ đạt 2,22 tấn/ha.
Toàn tỉnh có tới 30% diện tích cà phê kinh doanh cần được tái canh trong thời gian từ 5-10 năm tới đây. Theo ngành nông nghiệp tỉnh thì nguyên nhân chính là do nhiều diện tích được bà con trồng ngoài quy hoạch, thiếu nước tưới, cây giống và cách thức chăm sóc không đảm bảo.
Ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thừa nhận: “Ngành đã có quy hoạch về việc phát triển cây cà phê nhưng mới là quy hoạch chung. Quá trình triển khai quy hoạch đã có nhiều điểm không phù hợp, còn quy hoạch chi tiết thì vẫn chưa thực hiện được”.
Điều này cũng lí giải vì sao các ngân hàng thương mại trên địa bàn ngần ngại trong việc cho nông dân vay tái canh bởi họ không nắm được cơ sở chắc chắn về hiệu quả sử dụng vốn.
Không những thế, qua 3 năm triển khai chương trình tái canh, quá trình gieo ươm và cấp phát giống cho nông dân cũng đã bộc lộ không ít việc chưa phù hợp. Trong đó, việc cơ quan chuyên môn cấp giống về cho tỉnh muộn đã ảnh hưởng đến thời vụ xuống giống của nông dân. Hơn thế, việc đảm bảo chất lượng cây giống cũng không hề dễ.
Có thể nói, những vướng mắc trên là vấn đề căn cơ cần được cơ quan chuyên môn, ngành chức năng tập trung tháo gỡ trong thời gian tới, góp phần giúp nông dân, doanh nghiệp “nâng tầm” cho cây trồng chủ lực này.
Có thể bạn quan tâm
Những năm gần đây, huyện Tiền Hải tích cực tuyên truyền người nuôi trồng thủy sản mở rộng diện tích nuôi tôm công nghệ cao để từng bước nâng cao giá trị.
Hướng tới nâng cao thu nhập cho người dân vùng đất rừng U Minh hạ trên cùng đơn vị diện tích, Sở Khoa học – Công nghệ Cà Mau
Để đa dạng đối tượng nuôi trên cùng một đơn vị diện tích, hướng tới tăng thu nhập, gia đình ông Trần Văn Thiệu (ở xã Hưng Mỹ, huyện Cái Nước, Cà Mau)
Từ năm 2018, người dân xã Khánh Thượng (huyện Ba Vì) bắt đầu đưa cây cam vào trồng trên những diện tích đất đồi gò.
Nhờ ham học hỏi, dày công chăm sóc, anh Nguyễn Thành Khôi (SN 1990), thôn Thượng Vũ, xã Quý Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã thu nhập cả trăm triệu đồng.