Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sướng Như... Gặt Thuê

Sướng Như... Gặt Thuê
Ngày đăng: 24/10/2014

Anh em Lộc đi gặt thuê như đi chơi. Cưỡi xe máy đến đầu ruộng, thu tiền tươi, gặt xong di chuyển sang ruộng khác.

Nói chuyện đi gặt thuê, cắt lúa mướn ai cũng nghĩ trăm đường cơ cực. Dậy từ nửa đêm, cơm đùm cơm nắm, lỉnh kỉnh đòn xóc, quang gánh, tối về đã nhọ mặt người. Chuyện đó mới độ chục năm, giờ nghe đã như cổ tích, nhất là với đội quân cắt lúa thuê bằng máy...

1. Giữa tháng 9 nhuận, cánh đồng lúa thị trấn Lim (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) lúa chín dào dạt. Tiết thu đặc trưng, ngày nắng vàng rực nhưng không quá nực, đêm se lạnh nằm ngủ phải phủ mền ngang thắt lưng. Cứ thế, lúa được tôi dưới cái nắng ban ngày cộng với sương sa ban đêm nên chín nhanh, hôm trước hôm sau nhìn ruộng lúa đã đổi màu.

Nhớ thời còn hợp tác xã, thửa ruộng bằng sân chiếu bóng bu vào mấy chục người gặt, ai cũng chổng mông lên giời, mặt cắm xuống đắt mà cả ngày mới hết có góc ruộng. Kiểu giong công chấm điểm đã sinh ra kiểu gặt đối phó.

Sau này, ruộng đất chia về từng nhà, mới sinh ra nghề gặt thuê. Khắp các làng quê, đội quân cắt lúa mướn, mót thóc đông như trẩy hội. Gặt hết trong làng ngoài xã, họ chuyển sang làng xã khác. Chủ yếu đàn bà con gái, đồ nghề chỉ là cái liềm cái hái giắt lưng. Thậm chí lúa nhà mình chín rục, chim chóc rỉa cũng kệ. Đi gặt thuê tiền tươi thóc thật sướng hơn.

Có làng đến vụ đi gặt thuê quá nửa, nhà cài then đóng cửa, đứa nhỏ gửi ông bà, đứa nào lớn hơn, đầu vượt cây lúa thì theo bố mẹ nhập đội quân cắt lúa thuê. Nghề gặt lúa mướn trăm đường cơ cực, cả ngày ngoài đồng, đen như củ súng. Gặt xong còn tranh thủ đi mót lúa kiếm thêm. Có người mỗi vụ kiếm vài bao lúa.

Lúa mót, lẫn đất cát, đá sỏi về xay xẩy giần sàng chán nấu cơm lên vẫn nhai phải sỏi lộm cộm. Hạt cơm trộn cả mồ hôi, nước mắt.

2. Trời còn tối mờ, tiếng máy đã nổ giòn giã trên cánh đồng thị trấn Lim. Bốn chiếc máy gặt chạy phăm phăm, nuốt gọn từng thửa ruộng. Theo anh Lộc, một chủ gặt thuê, người làm nông bây giờ quá sướng. Thuê cấy, thuê làm cỏ, thuê phun thuốc và khâu cuối là thuê gặt. Mà gặt máy, chỉ mất 10 phút đã xong sào ruộng, từng bao lúa tấp ngồn ngộn đầu bờ ruộng, có xe công nông chở tận cổng.

Hai anh em Lộc vét tiền nhà, vay mượn thêm, mua 2 chiếc máy gặt liên hợp Kubota của Nhật, mỗi cái hơn nửa tỷ đồng. Ở nông thôn thế là ghê, vì mỗi cái máy bằng chiếc ô tô Corrola đi vài ngàn cây. Giờ 2 chiếc Corrola ấy đang hùng hục chạy dưới ruộng.

Ruộng bằng phẳng, máy gặt Kubota DC- 60 loáng cái đã gặm hết mẫu ruộng. Một người lái, 2 người ra bao, hàm cắt ngào ra ngoạm lúa, phía ra thóc vào bao, rơm nghiền nhỏ phụt ra làm phân bón ruộng. Ruộng lầy thụt máy vẫn chạy phăng phăng, bộ bánh xích thiết kế không khác gì bánh xe tăng nên ruộng nào Kubota DC- 60 cũng chơi.

Anh em Lộc đi gặt thuê như đi chơi. Cưỡi xe máy đến đầu ruộng, thu tiền tươi, gặt xong di chuyển sang ruộng khác. Với tốc độ gặt trên dưới 10 phút/sào, chủ máy và chủ ruộng chưa kịp quen nhau đã chia tay.

Ruộng nào chủ chưa ra, lúa thu xong tấp lên, chẳng ai mảy may nghi ngờ lái máy có ăn bớt bao thóc nào không. Thậm chí những bao thóc để cả ngày không ai lấy, chủ ruộng bận thì hôm sau, hôm sau nữa ra chở về cũng không mất.

Một máy gặt giải quyết việc làm cho 3 lao động. Thuê người lái máy 300 ngàn/ngày, 2 người ra bao mỗi người 200 ngàn, chi dầu mỡ nuôi máy, còn bao nhiêu chủ máy đút túi. Đến lượt cái máy lại làm thay cho cả ngàn người.

Bắc Ninh hiện có hàng trăm máy gặt, nhưng tính ra diện tích lúa cắt máy vẫn chưa đạt 2/3. Vì cậy nhu cầu mua máy của nông dân còn khá lớn. Hơn nữa đời 1 máy gặt chỉ xung quanh 4 năm, nên các thế hệ máy liên tục đào thải, thay thế nhau. Xu hướng nông dân đang thích xài máy Nhật Bản, tuy “đắt nhưng xắt ra miếng”, máy Trung Quốc rẻ kiểu “Dream Tàu” đào thải dần.

Trước kia gặt tay cánh đồng lúa vàng đen đặc người, giờ vắng tanh vắng bóng. Mỗi máy 1 vụ gặt 400 giờ, mỗi giờ máy vừa gặt vừa chơi cắt 4 sào lúa (kể cả thời gian di chuyển trên đường), như vậy 1 vụ một máy Kubota DC- 60 gặt 160 mẫu ruộng, tức bằng diện tích lúa ½ xã. Vì vậy 1 xã sắm 2 máy gặt thì đàn bà con gái giắt liềm giắt hái lên gác bếp hết. Đó là phạm vi 1 xã, huyện Tiên Du có hơn chục xã làm nông nghiệp cần 20 “con” Kubota, dân đã “thất nghiệp” toàn phần.

Không chỉ giải phóng sức lao động, trước kia thuê gặt 250 ngàn/sào, giờ chỉ còn 150- 160 ngàn, vậy mỗi vụ cắt 160 mẫu lúa, một máy Kubota DC- 60 đã tiết kiệm cho nông dân 160 triệu. Rơm cắt máy mềm hơn, trâu bò dễ ăn hoặc vùi xuống làm phân bón ruộng, chẳng bù trước cắt tay cây rạ còn ngang đầu gối, cứng ngắc, cày lật không được, nông dân đến khổ.

3. Anh Vũ Hoàng Thành, chủ showroom máy gặt Việt Thành tuy trẻ, nhưng đã có chục năm bán máy Kubota. Thành yêu chiếc máy như con mình, tìm hiểu và chăm sóc nó cả ngày không chán. Chiếc máy vô tri vô giác nhưng khi lội ruộng nó chợt hùng dũng, nhanh lẹ đến lạ kỳ.

Có lẽ không loại máy móc nào làm việc với cường độ cao như máy gặt, 10- 12 tiếng/ngày và ròng rã cả vụ gặt, không ngơi nghỉ. Thời gian làm việc của máy gặt có lẽ chỉ thua máy bay. Vì vậy tuổi thọ máy gặt không quá 4 năm, sau tuổi thanh xuân máy rệu rã dần, hay dở chứng nếu chủ máy cố dùng cũng không hiệu quả. Bởi máy già ăn dầu, gặt chậm, hay hỏng phụ tùng, tiền công gặt không đủ tiền công sửa máy.

Thành nói, đời máy gặt so với đời 1 con người quá ngắn ngủi, nhưng đó là quãng đời hữu ích. Máy vắt đến giọt sức lực cuối cùng, để rồi khi thành phế thải nằm đó hoặc được tái chế, hóa thân thành chiếc máy gặt thế hệ tiếp theo. Cái máy cần mẫn, như đức tính của chính người Nhật Bản - quê hương sinh ra máy gặt Kubota nổi tiếng toàn thế giới. Hiện cả châu Á, nơi làm ra 4/5 lượng gạo toàn cầu dùng máy Kubota.

Showroom của Thành như 1 bảo tàng máy gặt, từ máy Lion, Bilang của Trung Quốc, đến Kubota DC- 60, DC- 70 của Nhật, cả máy bãi Thái Lan, Campuchia đưa về. Những chiếc máy cũ đã nghỉ làm việc, nằm buồn thiu bên những chiếc máy mới đẹp đẽ, sáng sủa như những chàng rể ở một xứ Ba Tư nào đó chờ cô dâu đến rước về làm chồng.

Sau năm thứ 4, máy rệu rã dần, chạy tốn dầu, ì ạch, hay “ăn vạ” thì chủ máy có thể cho nó nghỉ hưu. Đời chiếc máy ngắn ngủi nhưng vinh quang, nó lăn lộn cùng đồng ruộng, làm giàu cho chủ máy và giải phóng sức lao động cho cả triệu nông dân. Nó là minh chứng rõ nhất cho tiến trình hiện đại khu vực “tam nông” hiện nay.

Chỉ nay mai thôi những chiếc máy mới này sẽ được nông dân xách cả bịch tiền đến đón về. Thời của máy gặt đã đến, trong khi các showroom ô tô vắng hoét thì showroom máy gặt chồng tiền trước cả tháng chưa được nhận máy. Đại lý chờ máy từ Cty Kubota Việt Nam trong Bình Dương chuyển ra, nông dân thì suốt ngày nã đại lý, bởi lúa chín không chờ máy.

Vụ gặt rất nhanh, chỉ trên tháng, máy về muộn ngày nào mất tiền ngày đấy. Một máy gặt mỗi vụ đem lại cho chủ máy cả trăm triệu, còn hơn chiếc ô tô Mobile home giá 3 tỷ chở khách đường dài. Hết vụ gặt chủ máy đi làm việc khác.

Vì thế, Thành nói vui với anh em Lộc, là thời nay không gì sướng bằng đi... gặt thuê. Gặt vừa hết thửa ruộng đã cầm tiền tươi. Giá đã có mức chung, chủ máy ra giá và nông dân chỉ gật, không mặc cả. Cao điểm gặt rộ, chủ máy còn phải tắt điện thoại, ai tìm dặn vợ bảo đi vắng.

Lộc và người em tên Tường sắm 2 chiếc máy DC- 60, một cái đã chạy 3 vụ được 1.200 giờ gặt, một mới chạy vụ này là đầu tiên đã gần 400 giờ. Chiếc Kubota DC- 60 giá gần 600 triệu chỉ mất 4 vụ lúa đã hòa vốn, từ vụ thứ 5 trở đi chủ máy lời. Gặt 40 ngày, máy làm ra trên trăm triệu, trong khi chiếc ô tô giá trị tương ứng bò trên đường cả năm ròng cũng chỉ thu lãi từng ấy. Vì vậy anh em Lộc có 2 chiếc máy gặt là ung dung sống.

Đồng đất miền Bắc lúa chín rải đều. Bắc Trung bộ gặt sớm hơn 1 tháng, máy gặt dồn cả vào trong đó... Gặt xong đến lượt các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Trung du, chủ máy lại thuê xe tải chở máy ra Bắc. Cứ thế đắp đổi, 1 vụ gặt máy chạy được trên 40 ngày là ấm bụng. Như vụ rồi, anh em Lộc cũng chở máy lên Vĩnh Phúc gặt tăng 1, sang Bắc Giang làm tăng 2 rồi mới vòng về đồng ruộng quê nhà làm tăng chót.

Không cho máy nghỉ, không ngừng... thu tiền là phương châm của những chủ máy gặt. Trước dùng máy Trung Quốc, ruộng lầy thụt máy nằm ì ra, đã thế phụ tùng hỏng hóc liên tục, gọi hãng đến thay nóng cả điện thoại. Mà máy nghỉ giờ nào mất tiền giờ đấy, nên chủ máy xót ruột lắm. Từ ngày có máy Kubota Nhật Bản, tình trạng máy chết giữa đồng chấm dứt hẳn.


Có thể bạn quan tâm

Khởi Nghiệp Với Giống Ếch Thái Lan Khởi Nghiệp Với Giống Ếch Thái Lan

Đầu năm 2010, qua tìm hiểu anh Lê Đức Anh – thị trấn Tân Minh (Hàm Tân - Bình Thuận) biết giống ếch Thái Lan dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao.

11/04/2013
Nông Dân Chặt Bỏ Cây Cao Su, Hệ Quả Tất Yếu Của Việc Làm Ăn Theo 'Phong Trào' Ở Đác Nông Nông Dân Chặt Bỏ Cây Cao Su, Hệ Quả Tất Yếu Của Việc Làm Ăn Theo 'Phong Trào' Ở Đác Nông

Nhiều diện tích cao su ở xã Thuận Hạnh, huyện Đác Song đã 10 năm tuổi mà thân cây chỉ bằng cổ tay, không cho mủ nên bị người dân chặt bỏ hoặc bỏ hoang.

30/05/2013
Vui Buồn Nghề Thu Mua Tôm, Cua Ở Bạc Liêu Vui Buồn Nghề Thu Mua Tôm, Cua Ở Bạc Liêu

Ở vùng nông thôn, nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Ông Trần Văn Phúc, một hộ nuôi tôm (ấp An Điền, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải - Bạc Liêu) nói: “Ở địa phương này, đường sá đi lại khó khăn, nên thương lái ít vào đây thu mua tôm, cua… Nếu không có người thu mua tôm, cua, người dân ở đây sẽ gặp khó khăn”.

11/04/2013
Sản Lượng Vải Thiều Chín Sớm Ở Bắc Giang Tăng Và Được Giá Sản Lượng Vải Thiều Chín Sớm Ở Bắc Giang Tăng Và Được Giá

Những ngày này, thị trấn Cao Thượng tràn ngập sắc đỏ đặc trưng của vải sớm Tân Yên. Dọc đường vào xã Phúc Hoà (nơi có diện tích vải sớm lớn nhất huyện, khoảng 350 ha) có hàng chục điểm cân vải. Nông dân chở vải từ các xã Phúc Hoà, Liên Sơn, Cao Thượng, Hợp Đức, Tân Trung…

30/05/2013
Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Bồ Câu Pháp Hiệu Quả Bước Đầu Từ Mô Hình Nuôi Bồ Câu Pháp

Ông Trịnh Minh Tấn (SN 1950, ngụ tổ 7, ấp Bàu Sen, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, Tây Ninh) hiện đang nuôi 50 cặp bồ câu Pháp sinh sản dưới hình thức nhốt chuồng. Đây là mô hình chăn nuôi mới ở huyện Châu Thành đem lại thu nhập khá. Theo ông Tấn, bồ câu là giống sinh sản nhanh (ấp 18 ngày là trứng nở), ít bệnh tật, ít tốn thức ăn và công chăm sóc nhưng giá trị kinh tế lại cao.

11/04/2013