Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Trắng tay, vỡ nợ, bỏ xứ vì tôm

Trắng tay, vỡ nợ, bỏ xứ vì tôm
Ngày đăng: 08/11/2015

Hết cách, nhiều người đành phải cầm cố ruộng đất lấy tiền trả nợ, rồi đi các tỉnh khác làm thuê kiếm sống qua ngày.

Tay trắng hoàn trắng tay

Có một thời, con tôm được coi là phương thức làm giàu nhanh nhất của nông dân miền Tây.

Nó từng làm cho người nghèo mau chóng trở thành tỷ phú; nhưng cũng chính con tôm khiến cho người ta phải “bén duyên” lại với phận nghèo, chịu cảnh nợ nần và thậm chí phải cầm cố đất đai, bỏ xứ đi làm ăn xa…

Người nuôi tôm ở huyện Đầm Dơi, Cà Mau “treo” vuông sau những vụ nuôi thua lỗ.

Ông Lê Công Quẩn - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, huyện Phú Tân (Cà Mau) thở dài khi nói về nghề nuôi tôm ở xã mình rằng: “Đã qua rồi cái thời hoàng kim.

Theo kế hoạch, năm 2015 xã thả nuôi gần 450ha tôm công nghiệp, nhưng đến nay chưa đạt tới 30%.

Vài năm trở lại đây, người dân trong xã vay vốn nuôi tôm, rồi nợ ngân hàng ngày càng nhiều, số tiền nợ đã lên đến hàng chục tỷ đồng”.

Chỉ mới 3 năm trước, Phú Thuận được ví như “xã tỷ phú” của huyện Phú Tân, vì có nhiều nông dân giàu lên từ nghề nuôi tôm.

Hồi ấy nhà lầu, xe máy được xây cất và mua về nườm nượp.

Thế nhưng từ năm 2013 đến nay, dịch bệnh hoành hành khiến sản lượng thấp, giá tôm xuống thấp, khiến nông dân lâm vào cảnh nợ nần.

Giấc mơ trở thành tỷ phú với nghề nuôi tôm của ông Nguyễn Văn Khương (ngụ ấp Đất Sét, xã Phú Thuận) vẫn còn là bài học đắng cay của nông dân xứ này.

Ông Khương có gần 1ha đất nuôi tôm quảng canh, năm 2012 thấy dân trong làng phất lên từ nghề nuôi tôm công nghiệp, ông cũng cầm sổ đỏ vay tiền ngân hàng, rồi mượn nợ thêm bên ngoài, đào 2 ao nuôi tôm.

Nhưng chỉ sau 2 năm, gia đình ông phải bán hết đất, rồi bỏ xứ đi từ cuối năm 2014 đến nay không một lần trở lại thăm quê.

Tương tự, nhiều nông dân khác ở Cà Mau hay Bạc Liêu cũng phải gác lại giấc mơ đổi đời từ con tôm.

“Gần 10 năm bám trụ với nghề, gia đình tôi phải cầm cố hết ruộng đất rồi sang U Minh làm thuê, không biết đến khi nào mới có tiền chuộc lại đất” – ông Huỳnh Văn Út (xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) ngán ngẩm.

“Vua tôm” cũng… khóc

Được mệnh danh là “vua tôm”, nhưng ông Võ Hồng Ngoãn (Sáu Ngoãn) ở Bạc Liêu cũng phải thú nhận rằng bản thân ông đang e ngại với nghề.

“Thực tế cho thấy, hơn 10 năm nuôi tôm, nông dân ở các nơi bỏ xứ đi ngày càng nhiều” – ông Ngoãn nói buồn.

Ông Ngoãn cho biết, trước năm 2012, trang trại nuôi tôm của ông thả nuôi hơn 50ha tôm công nghiệp, nhưng từ năm 2012 đến nay chỉ nuôi “cầm chừng” có 4 đầm (5.000m2/đầm, tương đương 2ha).

Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) Nguyễn Văn Nhiệm cho biết: “Diện tích sản xuất của thành viên hiệp hội vài năm trước lên đến 2.700ha, nhưng hiện tại chưa tới 10%.

“Hiện nay một số hội viên muốn tái sản xuất cũng không còn vốn để làm.

Trong khi các ngân hàng đang dần siết chặt vốn vay, nên người nuôi rất khó tiếp cận đồng vốn từ ngân hàng để “gỡ nợ”– ông Nhiệm nói.

Ông Châu Công Bằng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau nhìn nhận rằng người nuôi tôm đang gặp khó do thời tiết bất lợi, mà đặc biệt là giá thành sản phẩm giảm mạnh.

“Trong những tháng đầu năm, tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Việc điều chỉnh tỷ giá đồng nội tệ so với đồng USD tạo ra lợi thế không đồng đều trong xuất, nhập khẩu.

Các nước nuôi tôm lớn trong và ngoài khu vực như Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador… bị dịch bệnh năm 2013 nay đã phục hồi, cùng với hàng tồn kho năm 2014 lớn làm mất cân bằng cung – cầu mặt hàng tôm trên thị trường thế giới; giá các yếu tố đầu vào phục vụ cho nghề nuôi tôm tăng cao…

Những thay đổi này gây khó khăn cho nghề nuôi tôm của Việt Nam nói chung, và Cà Mau nói riêng” – ông Bằng phân tích.

Bà Phan Thị Thu Oanh – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bạc Liêu dự báo: “Trong thời gian tới, nghề nuôi tôm sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn như: Giá cả các yếu tố đầu vào (thức ăn, con giống) tăng cao; biến động cung – cầu mặt hàng tôm trên thế giới, và ảnh hưởng của sự biến động tỷ giá”.

Thực tế giá tôm trên thị trường hiện giảm mạnh, người nuôi không có lãi.

Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg có giá 240.000 (giảm 30%); tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg có giá 70.000 đồng/kg (giảm hơn 41%) so với cùng kỳ.

Về giải pháp lâu dài, ông Bằng cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh này đang thống kê, phân loại hiện trạng nuôi tôm công nghiệp, từ đó khuyến cáo những hộ có điều kiện thì tiếp tục nuôi tôm công nghiệp theo mô hình năng suất cao, còn không có điều kiện thì nuôi mật độ thưa, hoặc chuyển đổi đối tượng nuôi…

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, 9 tháng đầu năm sản lượng tôm nuôi ở một số tỉnh giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2014, như: Trà Vinh (giảm 28,2%); Bạc Liêu (giảm 10,7%); Kiên Giang (giảm 25,15) và Sóc Trăng (giảm 22%).

Cũng trong 9 tháng đầu năm, diện tích nuôi tôm công nghiệp của tỉnh Bạc Liêu bị thiệt hại lên đến hơn 5.300ha (trong tổng số hơn 19.000ha thả nuôi).

Còn tại Cà Mau diện tích nuôi trên 9.200ha, nhưng thiệt hại hơn 700ha.


Có thể bạn quan tâm

Dây Chuyền Chế Biến Tinh Bột Sắn 120 Tấn/ngày Dây Chuyền Chế Biến Tinh Bột Sắn 120 Tấn/ngày

Cty CP Chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Bình Định (BDSTAR) đã tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập và khánh thành dây chuyền nâng công suất chế biến tinh bột sắn từ 60 tấn lên 120 tấn sản phẩm/ngày.

21/01/2015
Dưa Leo Vẫn Có Lãi Dưa Leo Vẫn Có Lãi

Gặp anh Lê Thanh Nam, ấp Thạnh Mỹ A, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Hậu Giang) đang tất bật chuyển những bao dưa leo lên xe kịp giao cho khách hàng, anh tranh thủ chia sẻ:

21/01/2015
Thủ Tướng Phê Duyệt Chương Trình Phát Triển 5 Ngành Có Lợi Thế Thủ Tướng Phê Duyệt Chương Trình Phát Triển 5 Ngành Có Lợi Thế

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký quyết định phê duyệt Chương trình đồng bộ phát triển và nâng cấp cụm ngành và chuỗi giá trị sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh thuộc 5 ngành: điện tử và công nghệ thông tin, dệt may, chế biến lương thực thực phẩm, máy nông nghiệp, du lịch và dịch vụ liên quan.

21/01/2015
Thu Tiền Triệu Mỗi Ngày Nhờ Bán Mật Ong Rừng Thu Tiền Triệu Mỗi Ngày Nhờ Bán Mật Ong Rừng

Anh Đồng Văn Vũ ở ấp Đồng Ky, xã Quốc Thái, huyện An Phú (An Giang) có nhiều năm trong nghề săn bắt ong rừng, cho biết: “Thời điểm cận tết cho đến đầu mùa mưa là khoảng thời gian khai thác mật chính vụ. Khoảng thời gian đó, chất lượng mật rất tốt, sản lượng cao hơn so với mật khai thác vào những tháng mùa mưa”.

21/01/2015
Kiểng Bắp Chơi Tết Được Ưa Chuộng Kiểng Bắp Chơi Tết Được Ưa Chuộng

Nhiều năm gắn bó với nghề sản xuất hoa kiểng bán tết, anh Nguyễn Văn Ngõ ở ấp Quốc Khánh, xã Quốc Thái, huyện An Phú (An Giang), cho biết: “Năm nay, ngoài trồng những loại hoa kiểng bán vào dịp tết như vạn thọ, cúc mâm xôi, hướng dương tôi còn trồng thêm 200 chậu bắp để cung ứng cho nhu cầu Tết Ất Mùi này”.

21/01/2015