Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sức bật mới trên vùng đất cù lao

Sức bật mới trên vùng đất cù lao
Ngày đăng: 16/09/2015

 Với cây trồng chủ lực là sầu riêng, những năm gần đây kinh tế của xã có bước phát triển, đời sống người dân không ngừng được nâng cao, chặng đường xây dựng nông thôn mới (NTM) có thêm những kết quả nổi bật.

Xã Ngũ Hiệp hiện có 1.400 ha vườn chuyên canh sầu riêng, chiếm trên 84% diện tích đất nông nghiệp toàn xã với sản lượng mỗi năm 35.000 tấn trái. Hơn 40 năm xuất hiện trên vùng đất cù lao, cây sầu riêng đã bén rễ, phát triển xanh tốt và đưa xã Ngũ Hiệp trở thành “Vương quốc sầu riêng”.

Đặt chân lên Bến phà Ngũ Hiệp, đã thấy những chuyến xe xuôi ngược vận chuyển sầu riêng về các vựa cho thương lái. Xuôi theo các tuyến đường liên ấp là những vườn sầu riêng xanh tốt nối tiếp nhau. Mức sống của người dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2014 đạt 30 triệu đồng/năm.

Đây là kết quả từ nỗ lực và định hướng đúng đắn của Đảng ủy, UBND xã Ngũ Hiệp trong lãnh đạo phát triển kinh tế dựa trên lợi thế cây trồng chủ lực của xã.

Ông Dương Văn Đây bên vườn sầu riêng đang cho thu hoạch.

5 năm qua, xã Ngũ Hiệp tập trung tuyên truyền, vận động nông dân thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nâng cao chất lượng cây ăn trái. Nếu năm 2010 xã còn 711 ha vườn tạp, vườn sầu riêng khổ qua xanh thì cuối năm 2014, 86% diện tích đã được chuyển sang chuyên canh các giống sầu riêng hạt lép, cho thấy sự năng động và nhạy bén của nông dân hướng tới nền nông nghiệp chất lượng cao, hội nhập.

Có 1 ha vườn chuyên canh sầu riêng, ông Nguyễn Hòa Thuần, ấp Hòa Thinh cho biết: “Trước đây diện tích sầu riêng khổ qua xanh ở xã Ngũ Hiệp chiếm ưu thế nhưng theo thời gian, vườn cây già cỗi, sầu riêng khổ qua không còn được thị trường ưa chuộng vì nhược điểm hạt to, cơm mỏng. Nắm bắt nhu cầu thị trường, tôi cải tạo vườn, chuyên canh giống RI 6 và Mongthong, hiện vườn cây đã bước vào giai đoạn cho thu hoạch, kinh tế cải thiện đáng kể”.

Bên cạnh khuyến khích chuyển đổi giống cây trồng, xã Ngũ Hiệp còn quan tâm chuyển giao khoa học - kỹ thuật để nông dân ứng dụng vào sản xuất, đặc biệt là kỹ thuật xử lý sầu riêng nghịch vụ, rải vụ đón giá, thực hiện mô hình VietGAP trên cây sầu riêng.

Nhờ cách làm này, nông dân xã Ngũ Hiệp không còn lo cảnh “dội chợ, rớt giá”, nhiều người đã trở thành triệu phú, tỷ phú từ vườn chuyên canh sầu riêng. Điển hình như ông Dương Văn Đây, nông dân ấp Long Quới. Hiện gia đình ông canh tác 2 ha sầu riêng, 70% diện tích đang cho thu hoạch với trung bình 30 tấn trái mỗi năm, lợi nhuận trên 500 triệu đồng.

Ông cho biết: “Qua kiến thức tích lũy được và kinh nghiệm thực tế, tôi dành nửa diện tích để xử lý nghịch vụ, diện tích còn lại vẫn để cây cho trái vụ thuận để bảo đảm về thị trường tiêu thụ. So với các loại cây ăn trái khác, sầu riêng chiếm ưu thế bởi giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên, trước đây nông dân vẫn lo cảnh rớt giá khi vào thu hoạch rộ; bằng cách xử lý nghịch vụ, rải vụ, hiện nay nông dân Ngũ Hiệp đã giảm áp lực về mùa vụ, tập trung chăm sóc và phát triển diện tích vườn chuyên canh loại cây trồng đặc sản này”.

Năm 2011, khi được huyện Cai Lậy chọn làm xã điểm xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã Ngũ Hiệp xác định phát huy nội lực để hoàn thành các tiêu chí. Thực tế thời gian qua, hiệu quả từ vườn chuyên canh đã nâng cao mức sống người dân, đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM ở xã. Những nông dân mạnh dạn cải tạo vườn tạp, chuyên canh các giống sầu riêng chất lượng cao đã ổn định về kinh tế, có điều kiện xây dựng nhà cửa kiên cố, đóng góp thực hiện các tiêu chí giao thông, thủy lợi, an ninh trật tự…

Xã Ngũ Hiệp cũng tranh thủ nguồn vốn đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, giao thương hàng hóa. Ngoài tuyến đê bao khép kín cặp sông Tiền bảo vệ vườn cây ăn trái, các tuyến đường liên ấp được đầu tư xây dựng đạt chuẩn NTM đã hình thành trục giao thông thông suốt, vận chuyển nông sản dễ dàng.

Với định hướng đúng đắn trong lãnh đạo phát triển kinh tế, sự năng động, nhạy bén và tinh thần cần cù lao động của nông dân, Ngũ Hiệp sẽ có thêm những đổi thay về bộ mặt nông thôn và sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM.


Có thể bạn quan tâm

Bất Chấp Khuyến Cáo Nông Dân Ào Ạt Trồng Mới Hồ Tiêu Bất Chấp Khuyến Cáo Nông Dân Ào Ạt Trồng Mới Hồ Tiêu

Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đức Cơ (Gia Lai), đến thời điểm này, diện tích cây hồ tiêu trồng mới trên địa bàn huyện là 150 ha, nâng tổng diện tích cây hồ tiêu trên toàn huyện lên 320 ha.

12/08/2013
Thu Nhập Cao Từ Vườn Trồng Xen Canh Thu Nhập Cao Từ Vườn Trồng Xen Canh

Nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật và mạnh dạn chuyển đổi cây trồng từ cây cho năng suất kém, hiệu quả không cao sang trồng loại cây có giá trị kinh tế là một trong những giải pháp giúp nông dân vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Anh Trương Văn Hùng ở ấp Sở Nhì, xã Thanh Bình (Hớn Quản, Bình Phước) là một trong những nông dân thành công với giải pháp này.

12/08/2013
Xuất Khẩu Hồ Tiêu Căng Thẳng Nguồn Hàng Xuất Khẩu Hồ Tiêu Căng Thẳng Nguồn Hàng

Theo Bộ NNPTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu 7 tháng từ đầu năm đã tăng 22,8% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trong 5 tháng còn lại của năm 2013, dự báo nguồn cung hồ tiêu sẽ rất căng thẳng.

12/08/2013
Phát Tài Với Nghề Nuôi Đà Điểu Phát Tài Với Nghề Nuôi Đà Điểu

Khác với hầu hết các loài động vật khác, chim đà điểu không những có hình dáng bên ngoài “khổng lồ” mà những quả trứng của nó cũng rất to lớn. Chính điều này đã cuốn hút được nhiều du khách mỗi khi đến tham quan khu vực trại nuôi đà điểu.

12/08/2013
Lãi Cao Từ Chăn Nuôi Lợn VietGAHP Lãi Cao Từ Chăn Nuôi Lợn VietGAHP

Năm 2013, trong khi hàng nghìn hộ chăn nuôi trên cả nước bị thua lỗ do giá lợn, gà giảm quá thấp, thì những hộ tham gia mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học do Trung tâm Khuyến nông quốc gia triển khai vẫn có lãi nhờ tỷ lệ lợn chết và hiệu số tiêu tốn thức ăn thấp.

12/08/2013