Sử dụng kém hiệu quả đất nông lâm trường
Địa phương báo cáo hời hợt
Ngày 22.9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến vào báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông- lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 - 2014”.
Nông dân thu hoạch chè tại Nông trường chè Mộc Châu, Sơn La.
Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, Trưởng đoàn giám sát đánh giá: “Việc sử dụng đất nông- lâm trường kém hiệu quả, giao khoán sử dụng sai mục đích, sai đối tượng khá nhiều dẫn đến thất thoát, lãng phí tài nguyên đất đai còn khá phổ biến. Hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, năng suất, sản lượng trồng trọt thấp, đóng góp nguồn thu cho xã hội và ngân sách nhà nước chưa tương xứng với nguồn lực (tổng nộp ngân sách nhà nước của các nông- lâm trường trong 10 năm, từ năm 2004-2014 chỉ được 1.809 tỷ đồng)”.
Nêu ý kiến về khoản đóng góp này, ông Phùng Quốc Hiển - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng đây là con số đáng lo ngại.
“Trừ những diện tích đất không sử dụng thì các nông- lâm trường cũng có trong tay khoảng 2 - 3 triệu ha đất, nhưng nộp tất cả các loại thuế cho Nhà nước trong vòng 10 năm chỉ có hơn 1.800 tỷ đồng, chia ra mỗi năm là 180 tỷ đồng, đóng góp không bằng một nhà máy, hiệu suất đất đai thế này thì hỏng rồi.
Tính ra 1ha đất chỉ đóng 90.000 đồng, như vậy nhà nước chỉ thu được khoảng 10kg gạo loại thường thường” - ông Hiển nói.
Trưởng đoàn giám sát Ksor Phước cho rằng, con số đóng góp ngân sách trên ông thấy có nghi ngờ nhưng không có gì để bác bỏ. Cũng theo ông Ksor Phước, một số địa phương làm báo cáo hời hợt nên con số trên phải kiểm tra lại.
Thu hồi đất, giao cho dân
Báo cáo của Chính phủ đã nhận định, tình trạng tranh chấp, vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông- lâm trường, công ty nông- lâm nghiệp vẫn diễn ra thường xuyên, trong thời gian dài và nhiều vụ việc phức tạp.
Có tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông- lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán là phổ biến, nhất là đất vùng ven đô thị, gây nhiều bức xúc (điển hình là một số nông- lâm trường ở các tỉnh Tây Nguyên, Tây Bắc và trên địa bàn Hà Nội).
“Hiện cả nước có 54 công ty nông- lâm nghiệp, ban quản lý rừng đang vi phạm chính sách đất đai, trong đó diện tích có tranh chấp hơn 18.300ha; 76 đơn vị xảy ra tình trạng lấn chiếm, với diện tích gần 60.000ha; 34 đơn vị đang cho mượn, chuyển nhượng đất, với diện tích hơn 5.000ha; 6 đơn vị đang cho thuê lại đất với diện tích hơn 8.700ha” - ông Ksor Phước cho hay.
Để giải quyết những sai phạm trên, Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang kiến nghị, cần phải tổ chức thanh tra xử lý vi phạm trong sử dụng đất đai của các nông- lâm trường trọng điểm, chủ yếu là ở khu vực Tây Nguyên. “Đề nghị Chính phủ giao cho Thanh tra Chính phủ chủ trì việc này, chúng tôi sẽ tham gia.
Tất nhiên chỉ làm trọng điểm, có lực lượng Thanh tra Bộ TNMT, lực lượng các địa phương và sự chủ trì của Thanh tra Chính phủ thì mới xử lý được những tồn tại, vướng mắc và xử lý được những vi phạm” - Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, những năm qua về cơ bản nhiều nông- lâm trường làm ăn không hiệu quả, lãng phí rất lớn đất đai, tài nguyên:
"Lãng phí tài nguyên, lãng phí tiền của thì Chính phủ phải kiên quyết thu hồi. Về cơ bản, chúng ta không quản lý được đất đai nông- lâm trường. Phải yêu cầu các địa phương kiên quyết thu hồi, giao lại đất cho người dân canh tác”.
Giai đoạn 2004 - 2014, Thanh tra Chính phủ đã thực hiện 8 cuộc thanh tra có liên quan đến việc quản lý, sử dụng đất đai tại các nông- lâm trường, phát hiện sai phạm về kinh tế 229 tỷ đồng và 679.056ha đất; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 126 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 103 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Chia sẻ tại Hội thảo Chiến lược phát triển cây mắc ca tại Tây Nguyên, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam Dương Công Minh nhấn mạnh từ khi du nhập vào Việt Nam khoảng năm 2000, ngành kinh tế mắc ca đã manh nha hình thành khi giá trị kinh tế loại cây trồng được mệnh danh “hoàng hậu của các loại hạt khô” không hề nhỏ.
Hàng trăm tàu cá làm nghề giã cào của ngư dân thành phố bám biển ngày đêm khai thác. Thường từ 0 giờ các tàu cá xuất bến đi khai thác ruốc, đến sáng hoặc trưa cùng ngày cập Cảng cá Quy Nhơn để bán. Mỗi tàu cá khai thác được từ 2 - 7 tạ ruốc, cá biệt có tàu cá khai thác đến hơn cả tấn ruốc.
Theo Ban quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tỉnh Phú Yên, trong năm 2015, dự án này tiếp tục thực hiện chương trình Gap theo mô hình nuôi thủy sản an toàn sinh học tại đầm Ô Loan (khu vực các xã An Cư, An Hải, huyện Tuy An).
Địa hình nhiều đồi núi, độ che phủ rừng lớn là điều kiện thuận lợi cho nông dân huyện Sơn Động (Bắc Giang) phát triển đàn ong mật. Để mang lại hiệu quả kinh tế cao, việc xây dựng thương hiệu loại hàng hóa đặc sản này đang được địa phương quan tâm.
Anh Trần Văn Vương - Phó Trưởng Công an xã Ninh Vân kể cho tôi nghe câu chuyện khá lý thú về dê hoang trên núi Hòn Hèo. Thấy tôi hăng hái muốn lên núi tìm dê hoang, anh đã tình nguyện đi cùng. Sau cơn mưa đêm cuối năm, con đường lên đỉnh Hòn Hèo vốn đã gập ghềnh lại càng trở nên khó đi. Tôi và anh Vương gửi xe ở một chòi canh rẫy ngay bìa rừng để ngược lên khu vực thùng Ba Dao (Hòn Hèo) tìm bầy dê hoang.