Chè VietGap Ở Quang Bình (Hà Giang)
Là huyện có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho cây chè sinh trưởng và phát triển, đặc biệt là giống chè Shan tuyết; những năm qua, cây chè được huyện Quang Bình (Hà Giang) xác định là cây kinh tế mũi nhọn, không chỉ xóa đói giảm nghèo, mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tích cực.
Để nâng cao hơnnăng suất, sản lượng và chất lượng, xã Xuân Minh được chọn thực hiện trồng, chăm sóc và chế biến chè theo quy trình VietGap, bước đầu đem lại kết quả tốt.
Với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của Quang Bình có thể phát triển được các giống chè hiệu quả kinh tế cao như Shan tuyết, người làm chè không những thoát nghèo mà còn có thể làm giàu chính đáng bằng chính sức lao động của mình.
Tiêu biểu cho phát triển sản xuất chè của huyện như: Xã Xuân Minh, Tiên Nguyên, Tân Bắc và Tân Trịnh, mỗi xã cung ứng nguyên liệu chè ra thị trường đạt hàng nghìn tấn mỗi năm, tạo cho nền sản xuất chè của huyện ngày càng phát triển.
Để giúp người dân thoát nghèo từ cây chè, huyện đã xây dựng Đề án phát triển chè đến năm 2020, trong đónhiều chính sách khuyến khích phát triển, đầu tư cải tạo vườn chè năng suất thấp, xây dựng mô hình trồng mới bằng các giống chất lượng cao.
Hiện nay toàn huyện có tổng diện tích chè hơn 2.440 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 1.800 ha, diện tích chăm sóc hơn 561 ha. Sản lượng chè búp tươi 6 tháng đầu năm 2014 ước đạt 4.700 tấn, tổng giá trị thu nhập từ chè ước đạt trên 30 tỷ đồng.
Chè VietGap là sản phẩm an toàn, có quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu chăm sóc, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm. Việc phát triển các mô hình chè VietGap đang được các nhà quản lý, người tiêu dùng và người trồng đặc biệt quan tâm. Là xã nằm trong vùng trọng điểm sản xuất chè của huyện, từ nhiều đời nay cây chè đã gắn bó mật thiết với người nông dân và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ dân xã Xuân Minh.
Để vươn tới sản phẩm chè có chất lượng tốt, an toàn, đáp ứng nhu cầu của thị trường, năm 2013 thực hiện kế hoạch của tỉnh về hỗ trợ áp dụng quy trình VietGap vào sản xuất, chế biến chè, UBND huyện Quang Bình phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng Nông, lâm thủy sản thực hiện Dự án trồng, chăm sóc chè theo quy trình VietGap tại xã Xuân Minh với tổng diện tích là 200 ha, dự án thực hiện trong 2 năm 2013 và 2014. Năm 2013 có 68 hộ tham gia thực hiện mô hình trên diện tích là 100 ha.
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Quang Bình cho biết: “Trước hết, với hình thức tỉnh hỗ trợ kinh phí lấy mẫu đất, mẫu nước để được cấp chứng chỉ, còn với người dân huyện chỉ đạo đi theo hướng tập huấn để tuân thủ theo quy trình thống nhất, đặc biệt là các loại thuốc bảo vệ thực vật không bị ảnh hưởng đến chất lượng của chè”.
Sau quá trình tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật trồng và chế biến chè an toàn theo hướng VietGap, hầu hết các hộ dân tham gia đều nắm được quy trình và tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về kỹ thuật trong quá trình thực hiện.
Hiện nay, diện tích chè được trồng và chăm sóc theo quy trình VietGap đều phát triển tốt, nhất là năng suất và chất lượng chè vượt trội hơn so với cách làm đại trà trước đây. Gia đình anh Triệu Dào Guyện ở thôn Minh Sơn là một trong những hộ trồng và chế biến chè lâu năm, trước đây gia đình anh canh tác và sản xuất chè bằng kinh nghiệm tích lũy được nên năng suất không cao.
Cách chế biến chè theo phương thức cũ khiến chất lượng chè thành phẩm chưa ngon mà còn ảnh hưởng đến môi trường. Khi thực hiện trồng và chăm sóc chè theo quy trình VietGap, chè của gia đình anh đã được nâng cao cả về năng suất và chất lượng.
Thực hiện dự án trồng, chăm sóc và chế biến theo quy trình VietGap đã giúp các hộ dân nâng cao được nhận thức kỹ thuật trong sản xuất chè. Trước đây người dân trồng chè chưa biết cách tạo các đường đồng mức trên đất dốc nên đất bị rửa trôi, phân bón không lưu giữ được, đất trồng chè nhanh cằn cỗi, cây chè chậm phát triển và cho năng suất thấp.
Thực hiện quy trình VietGap khi trồng chè trên đất có độ dốc, phải tạo thành các đường đồng mức, do đó việc chăm sóc thuận lợi hơn, phân bón không bị rửa trôi, giữ được độ màu mỡ cho đất, cây chè phát triển và cho năng suất, chất lượng búp tốt hơn. Hơn nữa, ở diện tích chè trồng mới trong 2 năm đầu bà con có thể trồng xen các loại hoa màu khác vừa tạo bóng mát cho cây chè, lại vừa có thêm thu nhập.
Anh Triệu Chòi Kinh, thôn Minh Tiến có gần 3 ha chè cũng tham gia vào dự án trồng và chăm sóc chè theo quy trình VietGap cho biết: “Khi thực hiện theo dự án này đã giúp tôi hiểu hơn về việc trồng chè an toàn và bảo vệ môi trường...”.
Đến thăm xưởng chế biến chè của HTX Xuân Mai tại xã Xuân Minh với dây chuyền khá hiện đại nên sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng. Điều này đồng nghĩa với đầu ra cho sản phẩm của HTX ổn định, từ đó góp phần thu mua ổn định chè cho bà con nông dân.
Anh Vũ Hồng Thắng, Chủ nhiệm HTX Xuân Mai cho biết: “Sản phẩm chè búp tươi của bà con năm nay cũng mập hơn, chất lượng cũng được nâng lên, vì vậy mà hiện nay HTX đang thu mua chè tươi với giá 8.000 đồng/kg”.
Việc áp dụng các kiến thức trong sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap đã dần dần giúp người dân thay đổi những hình thức canh tác lạc hậu, biết áp dụng những tiến bộ trong sản xuất, biết ngăn ngừa và hạn chế rủi ro từ các mối nguy cơ ô nhiễm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm chè, môi trường và sức khỏe...
Có thể nói sau một năm thực hiện dự án chè VietGap đã góp phần thay đổi rõ rệt nhận thức của mỗi hộ dân, mang lại những hiệu quả tích cực, sản lượng và chất lượng chè được nâng lên đáng kể, cùng với đó thu nhập của người dân cũng được cải thiện.
Đồng chí Triệu Phụ Chìu, Chủ tịch UBND xã Xuân Minh khẳng định: “Trong quá trình tổ chức thực hiện cơ bản bước đầu có những hiệu quả thiết thực, thứ nhất là bảo đảm năng suất so với cùng kỳ năm trước, thứ hai là giá trị cơ bản ổn định, bà con nông dân đồng tình ủng hộ, thời gian tới xã tiếp tục triển khai mở rộng đến các thôn trong toàn xã để tăng thêm 100 ha chè theo tiêu chuẩn VietGap...”.
Để tiếp tục phát huy tiềm năng thế mạnh của cây chè, cấp ủy, chính quyền huyện Quang Bình đang tập trung triển khai có hiệu quả phát triển vùng chè sạch Xuân Minh, Tiên Nguyên với mục tiêu xây dựng vùng sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, gắn với việc hỗ trợ, nâng cao năng lực thị trường cho người sản xuất, nâng cao vai trò liên kết các doanh nghiệp, các tổ hợp tác với nông dân trong sản xuất nguyên liệu, xây dựng thương hiệu chè của huyện, góp phần đưa hương vị đặc trưng của chè Quang Bình đến với đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước...
Có thể bạn quan tâm
Hàng ngàn dân nghèo sống ở đôi bờ sông Hậu thuộc địa bàn các tỉnh An Giang và Đồng Tháp sẽ có công ăn việc làm sau khi nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai đi vào hoạt động.
Cà Mau là một trong những vùng kinh tế thủy sản trọng điểm của cả nước, với vị trí địa lý, điều kiện thổ nhưỡng đã tạo nên tiềm năng và lợi thế phát triển thủy sản cho tỉnh Cà Mau, đặc biệt là nuôi tôm.
Sau 3 ngày 3 đêm thực hiện chuyến biển thực nghiệm khai thác, xử lý bảo quản cá ngừ đại dương (CNĐD) dưới sự hướng dẫn trực tiếp của 4 chuyên gia Nhật Bản, ngày 9.10, ba tàu cá của các ngư dân đã cập Cảng cá Quy Nhơn.
Ngày 07/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định 89/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản
Người dân sống dọc đầm Thủy Triều (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) đang rất phấn khởi bởi năm nay, hải sâm tự nhiên phát triển nhiều, góp phần tạo thêm nguồn thu nhập.