Sản Xuất An Toàn Con Đường Đưa Nông Sản Việt Nam Ra Thế Giới
GAP cơ bản với 26 tiêu chí đang giúp người dân hiểu cơ bản nhất về sản xuất rau an toàn và dần tiến tới tiêu chí của GAP thế giới...
Theo một thống kê của JICA, có tới 90% nông dân Việt Nam đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún và có thu nhập thấp. Hầu hết những sản phẩm nông sản của họ được tiêu thụ bởi thị trường nội địa. Và trên thực tế, những nông dân này rất khó có thể áp dụng VietGAP hoặc những tiêu chuẩn GAP khác có yêu cầu cao hơn.
Trong khi đó, rau xanh là loại thực phẩm thiết yếu trong mỗi bữa ăn hằng ngày, và thực trạng rau xanh không an toàn vẫn đang là nỗi ám ảnh thường trực của người tiêu dùng.
Nhằm loại bỏ dần những mối nguy hại cho sức khỏe người dân từ nguồn thực phẩm rau xanh, gần đây, “GAP cơ bản” đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng cùng với sự hỗ trợ của JICA.
Theo ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), sau hơn 3 năm triển khai áp dụng thì điểm GAP cơ bản tại 6 tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Hà Nam, Quảng Ninh... đã bước đầu giúp phần lớn nông dân tại các tỉnh này có thể áp dụng thực hành nông nghiệp tốt trong sản xuất cây trồng an toàn và hướng tới thị trường tiêu thụ trong nước.
“GAP cơ bản cũng đã giúp người sản xuất thấy được mối nguy trong hoạt động sản xuất hàng ngày, từ đó thay đổi nhận thức, từ bỏ hành vi, thói quen xấu trong sản xuất, có ý thức hơn trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân và gìn giữ môi trường”- ông Trần Xuân Định nói.
Thay đổi rõ rệt được ghi nhận ở xã Nhân Chính và Nhân Nghĩa (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam). Sau khi dự án được triển khai những hộ nông dân ở các xã này được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo và cấp phát sổ nhật ký đồng ruộng, đến nay từ một nơi trồng rau mang tính nhỏ lẻ và tự phát, không có sự kiểm soát về qui trình sản xuất và chất lượng sản phẩm đã trở thành vùng sản xuất rau theo tiêu chuẩn GAP an toàn.
Bà Nguyễn Thị Vang, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam- cho biết, từ khi áp dụng GAP cơ bản đến nay nhận thức của nông dân cũng như năng lực quản lý, giám sát việc sản xuất sản phẩm cây trồng đã được nâng lên rõ rệt.
“Đáng mừng là nhờ áp dụng GAP cơ bản, đến nay, nguồn rau sạch tại địa phương đã được các tư thương mua ngay tại ruộng nên bà con rất phấn khởi,” bà Vang cho biết.
Hơn nữa, theo bà Vang, sau khi hạch toán hiệu quả kinh tế cho thấy, sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cơ bản đã giảm được chi phí đầu tư so với sản xuất rau truyền thống trong khi sản phẩm rau đảm bảo an toàn hơn.
Theo ông Yamamoto Satoshi- Cố vấn hình thành dự án cao cấp-Văn phòng JICA Việt Nam, “GAP cơ bản” đã được đơn giản hóa bằng việc lựa chọn những tiêu chí cơ bản nhất của tiêu chuẩn VietGAP hiện hành và không yêu cầu người sản xuất phải đăng ký, xin cấp giấy chứng nhận.
Trong khi VietGAP có hơn 65 tiêu chí để sản xuất cây trồng an toàn và là quy định bắt buộc những nông dân sản xuất trên quy mô lớn phải áp dụng trong quá trình sản xuất. Người sản xuất phải xin giấy chứng nhận do một số đơn vị cấp phép chứng nhận VietGAP cấp và phải phí chứng nhận. Một số công ty kinh doanh và sản xuất nông sản đã có được giấy chứng nhận VietGAP và cũng đã sản xuất được rau quả an toàn chất lượng cao.
Tuy nhiên, đây là những doanh nghiệp tư nhân hướng tới thị trường nước ngoài và một số ít người tiêu dùng trong nước yêu cầu sản phẩm chất lượng cao. Những tiêu chuẩn GAP khác cũng đã được giới thiệu và áp dụng bới các công ty tư nhân cũng như các nhà tài trợ khác ở Việt Nam nhưng hầu hết đều hướng tới thị trường xuất khẩu có yêu cầu khắt khe.
Tại các tỉnh thí điểm dự án GAP cơ bản, nông dân đã hiểu rõ lợi ích của thực hành nông nghiệp tốt. Nông dân đã biết cách lựa chọn hóa chất, vật tư nông nghiệp an toàn, đúng chất lượng, biết sử dụng phân bón, thuốc bản vệ thực vật và thu hoạch sản phẩm một cách an toàn, thu được hiệu quả kinh tế cao và cải thiện phương thức sản xuất theo hướng bền vững.
Ông Yamamoto nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia có thế mạnh nông nghiệp. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm và mở rộng “GAP cơ bản” trong sản xuất ây trồng được coi là nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đảm bảo an ninh xã hội và tạo cơ hội đưa Việt Nam trở thành quốc gia cung cấp nông sản tin cậy, đảm bảo an toàn thực phẩm với chất lượng cao.
Tuy vậy, theo ông Yamamoto Satoshi, “sản phẩm được sản xuất theo quy trình GAP cơ bản chưa đủ tiêu chuẩn để xuất sang Nhật Bản. Nhưng người nông dân đã bước đầu cơ bản nắm được phương thức sản xuất rau an toàn. GAP cơ bản được thực hiện với 26 tiêu chí cơ bản nhất về sản xuất rau an toàn. Sau khi người nông dân có nhận thức về quy trình này sẽ là tiền đề để họ có những bước tiếp theo sản xuất theo tiêu chí của VietGAP và sau đó là theo tiêu chí của GAP thế giới.
Như vậy, con đường để nông sản Việt Nam vươn ra thế giới sẽ rộng mở hơn”.
Có thể bạn quan tâm
Hoa tam thất – nụ hoa tiền tỷ, đang cháy hàng tại Lào Cai do nguồn cung có hạn mà nhu cầu lại đang tăng nhanh chóng.
Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho biết, Đắk Lắk hiện có 70.800 ha cà phê đạt chứng nhận 4C, chiếm 34,8% diện tích cà phê toàn tỉnh, sản lượng hàng năm ước đạt 256.000 tấn.
Mặc dù tỉnh Bình Định chưa có chủ trương trồng cây mắc ca nhưng một số hộ dân ở xã miền núi Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Thạnh) đã tự phát trồng loại cây này.
Tiểu vùng khí hậu bán ôn đới là điều kiện lý tưởng cho người trồng rau ở Sa Pa phát triển những sản phẩm mang tính đặc trưng, đặc hữu, trong đó có su su. Su su Sa Pa là loại rau ngon có tiếng khắp cả nước.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hòa, Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết về lợi thế cũng như những thách thức của cây ăn trái Việt Nam trong xu thế hội nhập, nhất là tham gia TPP.