Từ Bò Sinh Sản Đến Vịt Bầu Quỳ
Nếu như trước đây, huyện Con Cuông (Nghệ An) rộ lên phong trào làm đường giao thông nông thôn thì năm 2013, mũi nhọn được xác định là thực hiện các mô hình kinh tế hộ. Hiện nay, nuôi bò sinh sản ở xã Chi Khê và nuôi vịt bầu Quỳ ở xã Mậu Đức là những mô hình đem lại hiệu quả...
Từ bò sinh sản Chi Khê...
Đến thời điểm này, 15 hộ dân thực hiện mô hình trồng cỏ VA06 và nuôi bò sinh sản ở bản Lam Khê, xã Chi Khê rất vui vì hiệu quả nhìn thấy rõ ràng. Bò không những phát triển tốt mà hầu hết đều cận kề ngày sinh sản, thậm chí, ở 2 gia đình, bò đã đẻ bê con. Cảm nhận rõ nhất điều này là tại gia đình ông Vi Văn Nghệ, hộ đã có cả bò mẹ, bò con trong chuồng.
Ông Nghệ nói rằng gia đình ông may mắn nhất trong 15 hộ vì khi nhận về "bò đã có chửa", chỉ gần 4 tháng sau ông đã có thêm một con bê. Đưa chúng tôi ra thăm bò mẹ, bò con nay đã lớn xấp xỉ nhau, ông hồ hởi cho biết giờ đây ở bản Lam Khê, đã có nhiều gia đình làm chuồng trại chăn nuôi bò và dành đất trồng cỏ VA06.
"Ở Chi Khê rừng đã khoán tận hộ, không còn bãi để nuôi trâu, bò thả rông, thế nên, việc nuôi bò nhốt chuồng là một phương án rất tốt. Không lo mất trộm, có bệnh tật thì gọi bác sỹ thú y, thức ăn thì có cỏ VA06... Hiệu quả ai cũng thấy nên dân bản mình theo làm nhiều lắm" - ông Nghệ phấn khởi.
Rời nhà ông Nghệ, chúng tôi đến thăm hộ ông Lương Bá Duyệt, nơi bò đã gần đến ngày sinh. Chờ chúng tôi "xác minh" xong, ông đưa chúng tôi đi thăm vườn cỏ. Nghe nơi trồng cỏ được người dân Chi Khê gọi là vườn thì kể cũng lạ, vậy nhưng thấy rồi thì quả chẳng sai. Vì hầu như nơi trồng cỏ nào cũng được vây, rào và có cổng rất cẩn thận. Vườn của nhà ông Duyệt phải rộng đến gần ngàn m2, cỏ VA06 tốt xanh ngút ngàn.
Nối tiếp vườn của ông Duyệt là hàng loạt vườn cỏ của các hộ khác ken dày theo dọc bãi ven sông. Cùng đi với chúng tôi có chị Phan Thị Thanh Việt - Trưởng Ban Nông nghiệp xã, chị nói: "Mô hình trồng cỏ VA06 và nuôi bò sinh sản nhốt chuồng ở xã Chi Khê có nhiều mục tiêu, trong đó, nâng cao thu nhập của người dân và cởi bỏ thói quen nuôi trâu, bò thả rông của bà con là 2 mục tiêu quan trọng nhất. Và hai mục tiêu này đều đã đạt được...".
Được biết, kinh phí thực hiện mô hình trồng cỏ VA06 và nuôi bò sinh sản được thực hiện tại 15 gia đình được chia đôi, Nhà nước chịu 50%, các hộ dân bỏ ra 50%. Theo Trưởng bản Kha Văn Dần, tiêu chí đề ra cho các hộ đăng ký là phải có nhân lực lao động, không giàu, nhưng cũng không quá nghèo để có tiền đóng góp.
Nhân dân bản Lam Khê đã bình chọn dân chủ lựa ra 30 hộ đúng tiêu chuẩn. Sau đó, chính quyền xã đã tổ chức bốc thăm công khai để chọn lấy 15 hộ thực hiện mô hình. Với sự quan tâm theo dõi của Ban Điều phối nông thôn mới huyện, cán bộ xã, bác sỹ thú y, các hộ thực hiện nuôi bò từ cuối năm 2012 đến nay đã cho kết quả tốt, chính vì vậy, nhiều người dân trong xã đã làm theo. Anh Dần cho biết: "Một con bê mới lọt lòng các hộ dân có ngay khoảng 7 triệu đồng, vậy nên ai cũng rất vui...".
... đến vịt bầu Quỳ Mậu Đức
Trong buổi hội thảo nhân rộng mô hình nuôi vịt bầu Quỳ theo hướng an toàn sinh học được tổ chức ở thôn Thống Nhất, xã Mậu Đức ngày 12/12/2013, 20 hộ dân tham gia thực hiện mô hình và cán bộ xã Mậu Đức đã bắt đầu hy vọng đến một ngày mảnh đất của họ sẽ tạo dựng được một thương hiệu vịt riêng. Thực tế, khi đã thấy những đàn vịt bầu Quỳ cân nặng bình quân từ 1,2 - 1,5 kg, và biết trước đó gần 3 tháng chúng chỉ có trọng lượng từ 100 - 150g thì ai cũng tin, hy vọng của cán bộ, nhân dân Mậu Đức là hoàn toàn có thể đạt được.
Hỏi chuyện ông Ngô Tiến Minh, Tổ trưởng tổ thực hiện dự án nuôi vịt bầu Quỳ xã Mậu Đức, với sự cẩn trọng của một người đứng tuổi, ông nói rằng mô hình đã có kết quả tương đối thành công. "Tương đối" là bởi nếu bà con không có biện pháp phòng, chống dịch bệnh thì giống gia cầm này sẽ khó tồn tại, hơn nữa, cần phải quan tâm đến nguồn thức ăn, tìm đầu ra và nhiều vấn đề khác có thể nảy sinh...
Với bà Lang Thị Hoa thì khác hơn, bà kể tỉ mỷ ngày đưa vịt giống về không may gặp phải thời tiết lạnh, cán bộ phải hướng dẫn chăm sóc, ủ ấm ra sao, rồi cách cho ăn, phòng dịch... như thế nào, kể cả chuyện đàn vịt không may bị chết mất mấy con cứ làm bà tiếc mãi. Bà nói: “Mới đầu thì thấy nuôi vịt bầu Quỳ không đơn giản đâu, nhưng bây giờ thì tốt rồi. Ai cũng nói phải giữ lại nhiều con giống cho đẻ trứng ấp để nhân thêm đàn...".
Theo tìm hiểu thì ở xã Mậu Đức, đời sống của nhân dân còn không ít khó khăn, năng suất lúa, ngô không thể tăng hơn được nữa nên việc đưa loại gia súc, gia cầm cho phù hợp với địa phương là hết sức cần thiết. Mậu Đức có nhiều ao hồ, vậy nên Ban Điều phối nông thôn mới huyện Con Cuông đã chọn đưa giống vịt bầu Quỳ Châu về cho bà con nuôi thử nghiệm.
Sau 3 tháng (từ ngày 22/9/2013), đã chứng minh, vịt bầu Quỳ hoàn toàn phù hợp với điều kiện khí hậu của Mậu Đức, và hướng nhân thêm đàn, mở rộng cho các hộ trên toàn xã cùng nuôi đang là đích đến của cán bộ nơi đây.
Ở huyện Con Cuông không chỉ có mô hình nuôi bò sinh sản, nuôi vịt bầu Quỳ mà còn có các mô hình khác đạt kết quả khá tốt như mô hình trồng mét ở xã Châu Khê, nuôi lợn đen ở xã Yên Khê... Nhưng dù vậy, cán bộ Ban Điều phối nông thôn mới huyện Con Cuông vẫn băn khoăn, lo lắng.
Trí thức trẻ Lương Văn Cảnh - Cử nhân Trường Đại học nông - lâm Huế là nhân viên mới của Ban Điều phối nông thôn mới huyện Con Cuông đã tâm sự rằng: "Lực lượng của ban mỏng, lại có nhiều người trẻ, các địa phương còn nhiều lúng túng trong triển khai thực hiện mô hình, nguồn kinh phí thì hạn hẹp... bởi vậy, để nhân rộng các mô hình là không hề đơn giản.
Kế hoạch vạch ra là tất cả cán bộ của ban phải bám sát cơ sở để cùng các hộ dân thực hiện tốt mô hình, sau đó tập trung công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân để mọi người cùng thấy rõ lợi ích mà làm theo...". Điều trí thức trẻ Lương Văn Cảnh tâm sự là một hướng đi đúng, bởi chẳng phải đâu xa, mô hình nuôi bò sinh sản nhốt chuồng ở bản Lam Khê đang được nhân dân xã Chi Khê tự nhân rộng lên đã rõ.
Có thể bạn quan tâm
Các loại ngô ngọt, ngô rau dùng làm nguyên liệu cho chế biến thực phẩm sẽ cho hiệu quả kinh tế cao vì bán được giá, thời gian sinh trưởng ngắn (chỉ khoảng 65-90 ngày)
Bà Trịnh Thị Ái Linh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Phú Yên cho biết: Tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi ven biển ở các huyện Đông Hòa, Tuy An và Sông Cầu đã tạm lắng, không phát hiện thêm vùng nuôi mới bị nhiễm bệnh.
Với quy trình công nghệ hiện đại khép kín từ khâu nuôi đến chế biến, xuất khẩu… Trại cá sấu Tồn Phát, ở ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi (TP.HCM) hiện đã được Tổ chức Bảo vệ Động vật Hoang dã Quốc tế (CITES) cho phép xuất khẩu cá sấu, góp phần mang lại lợi nhuận không nhỏ cho người nuôi.
Huyện Thanh Trì ngày 29/6, đã thông qua Tờ trình của UBND huyện về thực hiện chính sách hỗ trợ “Dồn điền đổi thửa” đất nông nghiệp giai đoạn 2012 – 2013.
Mấy năm gần đây, dọc theo tỉnh lộ 56B, đoạn qua xã An Nội, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam xuất hiện một chợ lợn ngang nhiên hoạt động tự phát. Suốt cả đoạn đường gần 100m, hai bên đường đều được quây thành chuồng nhốt lợn, thu hút hàng trăm người mua, người bán từ nhiều tỉnh lân cận. Chợ lợn An Nội mỗi ngày luân chuyển từ năm nghìn đến bảy nghìn con lợn, trở thành điểm tiêu thụ lợn lớn nhất miền bắc...