Nuôi Cá Lóc Trong Bể Lót Bạt Một Mô Hình Nuôi Mới, Hiệu Quả Cao
Mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt có nhiều ưu điểm như: Tận dụng được diện tích đất nhỏ, đầu tư ít, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đã phát triển ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều năm qua. Một số hộ dân ở huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) học tập và triển khai mô hình này bước đầu có hiệu quả.
Ông Nguyễn Kính ở thôn Phú Ân 3 xã Diên An, huyện Diên Khánh - người đầu tiên của xã nuôi cá lóc trong bể lót bạt. Ông tìm hiểu thông tin qua các chương trình truyền hình, mạng internet và nhất là các mối quan hệ bạn bè... và đã đến các tỉnh miền Tây để học tập kinh nghiệm nuôi và mua cá giống. Đất vườn ít, không thể đào ao thả cá, ông chọn nuôi cá lóc trong bể lót bạt. Cùng làm với ông còn có người cháu là anh Phạm Quốc Hưng. Bước đầu, 2 cậu cháu làm thử 2 bể nuôi cá lóc và 1 bể nuôi cá trê.
Theo ông Kính, với một bể khoảng 2,5 x 3m, đầu tư vừa làm bể và con giống (từ 1.500 đến 2.000 con giống) chi phí ban đầu không quá 3 triệu đồng. Sau gần 6 tháng nuôi, cá được tiêu thụ hết, người nuôi có lãi. Với một xã như Diên An, diện tích đất không nhiều, nuôi cá lóc theo mô hình này có thể tận dụng được diện tích đất ngay trong vườn nhà. Nguồn nước nuôi ít, có thể sử dụng nước giếng khoan, giếng đào. Thời gian nuôi ngắn, sử dụng được nguồn lao động trong gia đình hoặc ngay tại địa phương.
Cũng theo kinh nghiệm của ông Kính và anh Hưng, muốn cá mau lớn, không bị dịch bệnh, người nuôi phải chú ý từ khâu làm bể, thay nước, chọn con giống và học hỏi kỹ thuật chăm sóc cá. Khi lót bạt cần chú ý có độ nghiêng để dễ thay nước. Nguồn nước phải sạch, có độ pH phù hợp.
Tiến hành thay nước theo chu kỳ, thường là vào buổi sáng mỗi ngày. Mật độ nuôi không quá dày. Và đặc biệt là phải nắm bắt cách chăm sóc theo từng giai đoạn phát triển của cá, nhất là trong thời gian nuôi cá bột (khoảng 2 tháng đầu). Để tận dụng thức ăn thừa của cá lóc, gia đình ông Kính còn nuôi thêm 1 bể cá trê. Hiện cá lóc và cả cá trê đều dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Anh Phạm Quốc Hưng chia sẻ: “Đầu tiên phải chọn con giống, đem về xử lý kỹ thuật thuốc, sát trùng và khử trùng nguồn nước thật sạch. Thức ăn cho cá có thể lấy từ cá biển (các loại cá tạp), cá đồng, ốc. Trừ chi phí, sau 6 tháng (xuất trên 1.000 con), tôi lãi khoảng từ 9 đến 10 triệu đồng”.
Khởi đầu mô hình nuôi cá lóc trong bể lót bạt đã có những tín hiệu vui. Song để phát nghề nuôi thủy sản nói chung và mô hình nuôi cá lóc nói riêng, người nông dân rất cần sự hướng dẫn kỹ thuật, tư vấn của các cơ quan, đơn vị chuyên ngành. Ông Nguyễn Kính cho biết, ông rất mong ở huyện, xã có kỹ sư chuyên về khuyến nông, khuyến ngư, để nông dân được tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi thủy sản; tạo điều kiện cho nông dân được tập huấn, có điều kiện phát triển ngành nghề, tham quan những mô hình ở các tỉnh, những khu phát triển cao, để học hỏi thêm... Vừa làm vừa học hỏi, ông sẵn lòng chia sẻ với bà con kinh nghiệm nuôi cá lóc trong bể lót bạt, để người dân sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình ngay trên vườn đất quê mình.
Về phía Hội Nông dân xã Diên An, Hội cũng rất mong được sự hỗ trợ về vốn, về khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân, trên cơ sở đó nhân rộng mô hình làm ăn mới. Ông Nguyễn Lầu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Diên An cho biết: Nuôi cá lóc trên bể lót bạt là mô hình phù hợp với vùng ít đất sản xuất như Diên An. Hội sẽ tạo điều kiện cho các hộ có mô hình sản xuất mới như hộ nhà ông Kính, để hỗ trợ vốn mua giống, thức ăn cho cá.
Có thể bạn quan tâm
So với những năm trước, năm nay tôm nuôi phần lớn được mùa nhưng lại rớt giá; trong khi đó giống, thức ăn, mọi chi phí đầu vào đều cao.
Xã Tam Quan là địa phương chăn nuôi số lượng gia cầm lớn nhất huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) (khoảng 1 triệu con). Tuy nhiên, năm 2004 và năm 2011 2011 do dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát, gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống của nhân dân trên địa bàn.
Huyện Bát Xát (Lào Cai) được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển cây dược liệu quý. Đó là điều kiện khí hậu nhiệt đới và bán ôn đới với độ ẩm cao, diện tích rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh chiếm 80% tổng diện tích rừng toàn huyện với thảm thực vật đa dạng, phong phú…
Những năm qua, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng thâm canh tăng năng suất và giá trị kinh tế trên ha canh tác. Một trong các giải pháp là đẩy mạnh ứng dụng các đề tài nghiên cứu khoa học vào sản xuất, điều này đã phát huy hiệu quả ở một số loại cây như cây lúa cấy mật độ hợp lý, bí đỏ, ngô nếp, đặc biệt là cây cà chua ghép trên nhiều đồng đất tại Vĩnh Tường.
Những năm qua, một số loại cây trồng như sắn, điều… do không ổn định về giá cả, năng suất lại đạt thấp nên hoạt động thâm canh cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị kinh tế đang là hướng đi của nhiều nông dân trong tỉnh.