Sông Bình (Bình Thuận) thí điểm mô hình xoài Đài Loan đỏ
Dẫn chúng tôi tham quan vườn xoài Đài Loan đỏ rộng 3 ha, ông Phạm Quốc Vinh, thôn Đá Trắng, xã Sông Bình không ngần ngại tiết lộ câu chuyện về giống xoài ĐàiLoan đỏ đang áp dụng trồng. Cũng giống như bao gia đình khác đến vùng đất mới nơi đây lập nghiệp, trong khi mọi người trồng nhiều giống cây ăn trái có giá trị kinh tế như: xoài Đài Loan xanh, xoài cát Hòa Lộc, quýt đường, bưởi da xanh… thì ông lựa chọn giống xoài Đài Loan đỏ để trồng.
Đến vùng đất mới từ năm 2010, ông Vinh mua 3 ha đất ven kênh nước Châu Tá (812) để trồng cây ăn trái. Sau khi cải tạo đất xong, ông bàn cùng gia đình về Bến Tre mua hơn 1.000 cây giống xoài Đài Loan đỏ (với giá 30.000 đồng/cây) để trồng. “Khi trồng cũng khá lo lắng bởi vùng đất mới, lâu nay chưa ai dám trồng giống xoài này. Nhưng với kinh nghiệm của mình, cộng kiến thức tích lũy khi trồng các giống cây ăn trái khác, vì thế tôi mạnh dạn đầu tư đưa giống xoài Đài Loan đỏ phát triển trên vùng đất nghèo. Qua gần 3 năm trồng và chăm sóc, hiện vườn xoài sinh trưởng, phát triển nhanh và tương đối tốt”, ông Vinh nói.
Qua thời gian chăm sóc, nhận thấy giống xoài Đài Loan đỏ phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và thời tiết nơi đây. Hiện vườn xoài phát triển nhanh phủ gần kín diện tích đất, cây cho nhiều tán và ít sâu bệnh gây hại. Kinh nghiệm thực tế cho thấy, giống xoài này chăm sóc tương đối dễ, không đòi hỏi kỹ thuật nhiều, ít tốn công, tiết kiệm vốn đầu tư. Sau khi trồng khoảng 24 tháng cho trái, cây ra bông đậu trái đến khi thu hoạch hơn 3 tháng. Nếu người trồng biết áp dụng khoa học kỹ thuật xử lý trái nghịch vụ thì hiệu quả sẽ cao hơn gấp nhiều lần. So sánh giữa giống xoài Đài Loan đỏ với một số giống cây ăn trái khác như xoài Đài Loan xanh, xoài cát Hòa Lộc, xoài ba mùa… thì giống xoài Đài Loan đỏ có nhiều ưu điểm hơn.
“Vì đây là giống xoài ghép nên khi trồng, khoảng cách khoảng 5m một cây và hàng cách hàng 5m là vừa. Trước khi trồng cần bón lót phân hữu cơ hoai mục để rễ cây nhanh hấp thụ, khi cây trồng được hơn một tháng, cần bón ít phân NPK để tạo dinh dưỡng cho cây phát triển nhanh. Khi cây được một năm chỉ cần bón 2 đợt phân là đủ, mỗi lần bón chừng 0,5kg/cây, bước sang năm thứ hai cũng vậy. Đặc biệt, cây bắt đầu ra bông đậu trái cần bón một đợt phân và xịt thuốc bảo vệ thực vật để không bị sâu rầy gây hại”, ông Vinh cho biết.
Hiện hơn 1.000 cây xoài Đài Loan đỏ trồng gần 30 tháng tuổi đang cho trái 1/3 số cây trong vườn. Trong đợt Tết Ất Mùi vừa rồi, mấy cây lớn cho trái chiến, ông để thí điểm vài cây thấy trái đạt chất lượng, có màu sắc (đỏ tím) bắt mắt, khi thu hoạch trái ăn rất ngon, ruột dày có vị ngọt đậm và thơm, hạt nhỏ. Vào thời điểm cuối năm 2014, giá xoài Đài Loan xanh cao điểm có giá 48.000 đồng/kg thì xoài ĐàiLoan đỏ bán 58.000 đồng/kg, trọng lượng mỗi trái từ 1 - 1,5kg. Theo giá thị trường ổn định như hiện nay, ông Vinh tin tưởng vào mô hình này.
Hiện trên địa bàn xã Sông Bình phát triển gần 20 ha đất trồng giống xoài Đài Loan đỏ, hầu hết diện tích xoài này đã được gần 3 năm tuổi và cho trái đợt đầu tiên. Ông Vinh tiết lộ: “Giống xoài này còn mới nên việc phát triển đại trà chưa mạnh, chỉ có những người dân từ miền sông nước đồng bằng sông Cửu Long lên lập nghiệp mới trồng thí điểm. Hiện trên thị trường giống xoài Đài Loan đỏ được người tiêu dùng ưa thích, bán được giá cao nhất là các dịp lễ, tết hay ngày rằm”.
Về giá trị kinh tế mô hình trồng xoài Đài Loan đỏ mang lại còn dài, nhưng qua thực tế, bước đầu gia đình ông Vinh hoàn toàn tin tưởng vào hướng đi mới ở vùng đất nghèo Sông Bình. Cùng với sự phát triển các giống cây ăn trái khác thì xoài ĐàiLoan đỏ sẽ góp phần đa dạng hóa các giống cây trồng và giá trị kinh tế mang lại sẽ cao và ổn định hơn.
Có thể bạn quan tâm
Sau hơn 2 năm đưa cây gừng lên với bà con nông dân huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) theo Dự án 3PAD với mục tiêu thiết lập mô hình phát triển nông lâm nghiệp bền vững.
Hiện nay, nhu cầu rau an toàn (RAT) của người tiêu dùng rất lớn. Tuy nhiên, người trồng RAT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề tiêu thụ, rất cần sự hỗ trợ từ phía ngành chức năng và chính quyền địa phương.
Sau khi thuế xuất khẩu mặt hàng sắn về 0% từ 5/9, mặt hàng này đã trở thành nông sản xuất khẩu có giá trị tăng mạnh nhất trong 9 tháng vừa qua.
Đến nay, Hưng Yên đã cơ bản thu hoạch xong toàn bộ diện tích nhãn. Theo đánh giá sơ bộ của Sở Nông nghiệp và PTNT, sản lượng nhãn toàn tỉnh năm nay ước đạt 35 nghìn tấn, giảm khoảng 5 nghìn tấn so với vụ trước nhưng giá bán cao hơn từ 5 - 10 nghìn đồng/kg.
Đến nay, diện tích na dai toàn huyện Lục Nam (Bắc Giang) là 1.720ha, vượt 72% so với mục tiêu.