Sơn La Phát Huy Hiệu Quả Nuôi Trồng Thủy Sản
Tỉnh Sơn La hiện có 2.488 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, cùng với 20.900 ha lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La. Đây là điều kiện thuận lợi để nhân dân trong vùng phát huy lợi thế để phát triển kinh tế.
Trong thời gian qua, nghề nuôi trồng thủy sản tỉnh ta đã và đang phát triển với nhiều phương thức đa dạng, như: cá lồng bè, cá hồ chứa, cá ao, nước chảy, nuôi cá kết hợp với cấy lúa...
Đặc biệt, sau khi hình thành lòng hồ thủy điện Sơn La, nuôi cá lồng bè được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo để khai thác tiềm năng lợi thế mặt nước của lòng hồ thủy điện. Tỉnh đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư phát triển nuôi cá tầm trên khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La và thu được kết quả tốt, tạo sản phẩm đa và nâng cao giá trị cạnh tranh cho sản phẩm thủy sản trong nước và xuất khẩu.
Hiện, trên lòng hồ thủy điện Sơn La có 1 HTX và 1 doanh nghiệp đã nuôi thử nghiệm thành công cá tầm thương phẩm; một số doanh nghiệp khác nuôi ở hồ thủy lợi, các trang trại có điều kiện thích hợp tại Mộc Châu, Thuận Châu, Phù Yên...
Để làm tăng nguồn lợi thủy sản, trong 2 năm (2013 - 2014), Chi cục Thủy sản Sơn La đã phối hợp thả giống bổ sung lòng hồ thuỷ điện Sơn La trên 100.000 con cá giống các loại bao gồm: mè trắng, mè hoa, chép, anh vũ, chiên, lăng chấm, rầm xanh.
Đồng thời, triển khai nhiều dự án góp phần xóa đói, giảm nghèo như Dự án phát triển nuôi cá lồng hồ chứa thủy điện Hòa Bình tại xã Quy Hướng (Mộc Châu) quy mô 130 lồng, hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, tận dụng lợi thế mặt nước sẵn có của vùng lòng hồ, tận dụng nguồn thức ăn từ ngô, sắn, cỏ, lá và phụ phẩm nông nghiệp... Sau 8 tháng nuôi, các hộ đã thu được trên dưới 20 triệu đồng/lồng cho lãi ròng trên 10 triệu đồng/lồng.
Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản Sơn La thường xuyên phối hợp với các huyện, thành phố hướng dẫn kỹ thuật cải tạo ao, chọn và thả giống, chăm sóc cá nuôi; phòng, chống rét trị bệnh; ứng dụng nuôi các loài có giá trị kinh tế cao vào thực tế, như tôm càng xanh tại các huyện: Yên Châu, Mộc Châu, Mai Sơn, Sông Mã và Thuận Châu; các trang trại nuôi ba ba gai tại Sông Mã; cá hồi ở Mộc Châu; một số mô hình nuôi giun quế, nuôi lươn tại Yên Châu và Mai Sơn...
Ông Dương Văn Biểng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cho biết: Để nâng cao chất lượng nuôi trồng thủy sản, Chi cục đã kiểm tra, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn các cơ sở trong công tác phòng chống rét, cải tạo ao, thả giống và chăm sóc cá đúng kỹ thuật; hiện tỉnh ta có 14 trại sản xuất giống, trong năm 2014 đã sản xuất 45 triệu con cá giống các loại, 400 nghìn con ba ba giống.
Ngoài nuôi cá truyền thống, còn có một số loài thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: ba ba gai, ếch, lươn, tôm càng xanh, cá hồi, cá tầm… bên cạnh đó còn có 514 lồng cá các loại đang được nuôi trên 2 lòng hồ thủy điện.
Sản lượng nuôi trồng thủy sản trong năm qua ước đạt trên 5.400 tấn, vào thời điểm nay, do hồ thủy điện đã tích nước, nguồn lợi đang trong giai đoạn phát triển mạnh, số ngư dân tham gia đánh bắt thủy sản tăng, với lượng khai thác thủy sản đạt trên 1.000 tấn.
Nghề nuôi trồng thủy sản đã và đang từng bước được coi trọng, nhiều loài có giá trị kinh tế cao được nuôi rộng rãi. Trong thời gian tới, tỉnh ta cần mở ra hướng phát triển thử nghiệm thêm một số đối tượng nuôi thích hợp khác góp phần tăng thêm nguồn thực phẩm có giá trị, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc, nhất là đồng bào khu vực tái định cư khu vực lòng hồ thủy điện Hòa Bình và thủy điện Sơn La.
Có thể bạn quan tâm
Hiện nay nhiều địa phương trên địa bàn huyện Chợ Mới (An Giang) đã biết tận dụng lợi thế sẵn có để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, việc nuôi bò theo hướng ứng dụng công nghệ cao đang được nhiều hộ dân thực hiện, vì hiệu quả kinh tế mang lại khá cao so với cách nuôi truyền thống.
Là địa phương có thế mạnh về sản xuất lúa, nông dân tại xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa đã có sáng kiến làm quy trình sản xuất nấm rơm ngoài trời theo một quy trình khép kín. Thay vì đốt rơm rạ như trước kia một cách lãng phí, thì nay bà con nông dân tận dụng ngay nguồn rơm để làm nấm.
Hiện nay, ngoài một số xã Chiềng Hắc, Đông Sang, Mường Sang ở Mộc Châu; nông dân xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn cũng đang tiến hành trồng cà chua trái vụ bằng phương thức gieo hạt truyền thống. Nhưng để sản xuất cà chua trái vụ, các hộ nông dân gặp khó khăn trong việc xử lý bệnh héo xanh làm giảm năng suất.
Tính đến tháng 7/2013, toàn tỉnh có 42.552 ha cao su, nhiều nhất ở Tánh Linh, Đức Linh, Hàm Thuận Bắc, Hàm Tân… Hầu hết diện tích cao su đều sinh trưởng tốt, năng suất cao su năm 2012 bình quân đạt 15,08 tạ/ha, tăng gần 3 tạ/ha so với năm 2005.
1.000 đồng là mức giá người mua phải trả cho 1 con tôm thẻ chân trắng (loại 100 con/kg) tại Cà Mau, ở thời điểm này. Tính theo ký, mỗi kg tôm loại 70 con/kg cũng chỉ còn 120.000 đồng. So với trước, mức này giảm 15.000 - 20.000 đồng/kg. Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Bạc Liêu.