Sóc Trăng Thành Lập Hợp Tác Xã Hành Tím Vĩnh Châu
Ngày 31/3, tại khóm Soài Côn, phường 2, thị xã Vĩnh Châu đã tổ chức lễ thành lập Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu. Đây là Hợp tác xã hành tím được thành lập đầu tiên trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu. Dự lễ có đại diện Ban Quản lý Dự án phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng, đại diện các Sở ngành, Ủy ban thị xã Vĩnh Châu và những nông dân tham gia hợp tác xã.
Việc thành lập Hợp tác xã hành tím đầu tiên trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu có ý nghĩa rất lớn đối với nông dân và ngành chức năng địa phương vì sẽ góp phần giải quyết được bài toán cung cầu và giá cả đã tồn tại nhiều năm qua, giúp cho người nông dân yên tâm sản xuất và có thể làm giàu được với nông sản chủ lực của địa phương mình.
Đây cũng là bước đi tất yếu để thực hiện hiệu quả nâng cấp chuỗi giá trị từ cây hành tím Vĩnh Châu khi bước ra thị trường quốc tế; bởi ngoài vấn đề xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm thì việc liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân trong sản xuất là rất cần thiết để tạo ra lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có chất lượng đồng bộ, đảm bảo được vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để giúp cho các thành viên trong hợp tác xã có điều kiện sản xuất, giảm bớt chi phí đầu tư ngay từ đầu vụ do giá hành tím giống thường cao, trung bình khoảng 50.000 đồng/ký, vì vậy, hợp tác xã sẽ đầu tư khoảng 30% chi phí hành tím giống cho các thành viên. Từ năm 2014-2016, Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu sẽ tập trung vào việc cung cấp 140 tấn hành giống cho 175 ha với tổng chi phí là trên 2 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2014, hợp tác xã chưa thực hiện việc hỗ trợ do đã trễ lịch thời vụ và sẽ thực hiện từ năm 2015. Bên cạnh việc hỗ trợ chi phí đầu tư hành giống, hợp tác xã còn thu mua hành tím thương phẩm từ các thành viên với giá tương đương hoặc cao hơn giá thị trường.
Ông Thạch Soal-thành viên của Hợp tác xã hành tím Vĩnh Châu phấn khởi cho biết, tham gia hợp tác xã, người nông dân sẽ được rất nhiều cái lợi, mà trước hết là việc tiêu thụ được dễ dàng, nông dân không còn lo sợ hành đã thu hoạch mà không có người mua; chi phí sản xuất thì được giảm xuống, giúp nông dân tăng được lợi nhuận; đặc biệt là đầu vụ sản xuất không phải chạy đôn chạy đáo tìm hành giống vì đã được hợp tác xã hỗ trợ một phần nguồn hành.
Theo ông Trần Hoàng Thắng-Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu cho biết, Vĩnh Châu là địa phương có diện tích hành tím lớn nhất tỉnh Sóc Trăng, sản lượng hành tím hàng năm khoảng 120.000 tấn, tuy nhiên, trong những năm gần đây, thị trường tiêu thụ thiếu ổn định, giá cả bấp bênh, làm cho người trồng hành tím thu nhập không cao, thậm chí bị lỗ nặng.
Việc thành lập hợp tác xã hành tím nhằm tạo mối quan hệ liên kết trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ giữa các hộ dân; giúp cho việc tiêu thụ nông sản được ổn định, nông dân không bị thương lái ép giá trong những lúc thu hoạch rộ. Đồng thời, hướng đến việc nâng cao giá trị năng suất, chất lượng và uy tín của sản phẩm truyền thống của địa phương, làm cầu nối với các chương trình khuyến nông về chuyển gia khoa học kỹ thuật.
Có thể bạn quan tâm
Theo phản ánh của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) tại Hội thảo “Quản lý chất lượng giống tôm nước lợ” diễn ra ngày 24/4 tại Ninh Thuận: Tình hình kinh doanh tôm giống rất phức tạp, một số cơ sở ương giống mua Naupli, post của một số cơ sở sản xuất giống lớn về trộn với tôm của mình sản xuất hoặc với tôm chợ rồi lại lấy bao bì, nhãnh mác của công ty làm thương hiệu của mình. Một số lượng tôm giống cũng được buôn bán qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc qua cửa khẩu Quảng Ninh về Việt Nam. Hầu hết số lượng này không được kiểm dịch, kiểm soát nên gây thiệt hại cho người nuôi.
Với sự hỗ trợ của Hội ND, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cùng Công ty TNHH Cường Đại, nhiều hộ ND ở Thái Nguyên đã mua được máy cày theo phương thức trả chậm.
Trước những hậu quả nghiêm trọng do việc sử dụng không đúng cách những hóa chất, kháng sinh trong nghề nuôi tôm, vừa qua Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 03 và Thông tư số 04 về việc bổ sung Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin vào danh mục hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời đưa 28 sản phẩm có chứa Cypermethrin, Deltamethrin, Enrofloxacin ra khỏi Danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thuỷ sản, thuốc thú y thuỷ sản được phép lưu hành tại Việt Nam.
Liên quan đến tình trạng nông dân tự phát đào ao ươm cá tra giống trên đất lúa ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang), ông Lê Văn Hưởng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang cho biết: Đã chỉ đạo các ngành chức năng trong tỉnh kiên quyết không để phát sinh thêm việc đào ao ươm cá giống trên đất lúa, nhằm giữ diện tích lúa theo qui hoạch.
Thời gian qua, nhà vườn ở huyện Châu Thành (Hậu Giang) rầm rộ phát triển diện tích vườn cây ăn trái, từ đó nhiều nông sản của người dân tiêu thụ gặp không ít khó khăn, thường rơi vào cảnh “được mùa mất giá”. Tuy nhiên, đối với một số nhà vườn ở xã Đông Phước A thì ngược lại, đã chọn trồng và làm giàu từ cây mít Thái.