Siết Chặt Việc Sử Dụng Chất Cấm Trong Chăn Nuôi
Nhiều mẫu thịt lợn được kiểm nghiệm trên thị trường phát hiện dư lượng chất cấm và kháng sinh cao. Nguyên nhân ban đầu được xác định do người chăn nuôi đã tự ý cho những chất này vào thức ăn.
Theo báo cáo tại buổi giao ban công tác quản lý chất lượng và ATTP tháng 9 và triển khai kế hoạch tháng 10/2014 của Bộ NN&PTNT tổ chức sáng ngày (25/9), tình trạng thịt có dư lượng kháng sinh sulfadimidin vượt ngưỡng cho phép ở TPHCM có thể là do người dân đã tự ý trộn thêm vào thức ăn trong quá trình chăn nuôi.
Khi nhận được thông tin 43% mẫu thịt được kiểm nghiệm có hàm lượng kháng sinh sulfadimidin vượt ngưỡng giới hạn cho phép, Cục Thú y đã chỉ đạo cơ quan thú y vùng trực tiếp làm việc với các bên liên quan để xác minh thông tin.
Đồng thời, tổ chức họp bàn với Sở NN&PTNT TPHCM và 5 tỉnh liên quan tăng cường kiểm soát sử dụng kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi và giám sát dư lượng khánh sinh, chất cấm trong sản phẩm chăn nuôi.
Theo tổng kết về hiện trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện nay của ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, nếu kiểm tra trong thành phẩm thức ăn thì ít phát hiện chất cấm và kháng sinh, vì phần lớn người chăn nuôi sử dụng các chất này bằng con đường phòng trị bệnh trực tiếp cho vật nuôi.
“Trong tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ NN&PTNT, có 18 loại kháng sinh cho sử dụng trong chăn nuôi thì không có sulfadimidin. Điều này chứng tỏ người dân đã sử dụng trong quá trình chăn nuôi, chứ không phải được trộn trong thức ăn chăn nuôi”, ông Dương nói rõ hơn.
Để đẩy mạnh việc kiểm soát chất lượng thức ăn chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đã chỉ đạo 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Long và Đồng Nai thực hiện thí điểm nhiệm vụ kiểm soát trọng điểm chất lượng thức ăn chăn nuôi.
Theo đó, các địa phương tập trung kiểm tra chủ yếu các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các cơ sở chăn nuôi tự trộn thức ăn và các cơ sở chăn nuôi tận dụng các nguồn thức ăn của bếp ăn tập thể, nhà hàng, khu công nghiệp.
Kết quả, tại Thanh Hóa, phát hiện 8,1 tấn thức ăn chăn nuôi có sử dụng chất cấm. Cơ quan chức năng đã xử lý phạt tiền 80 triệu đồng, đình chỉ hoạt động kinh doanh 1,5 tháng và tiêu hủy toàn bộ lô hàng 8,1 tấn thức ăn chăn nuôi vi phạm.
Tại Hưng Yên, tiến hành lấy 3 mẫu thức ăn và 8 mẫu thức ăn bổ sung để phân tích nhưng không có mẫu nào dương tính với chất cấm nhóm Beta agonist.
Hiện Cục Chăn nuôi đang xây dựng dự thảo thông tư về quản lý sử dụng kháng sinh trong thực ăn chăn nuôi.
Có thể bạn quan tâm
Tại Thanh Hóa: Đã có 4 hồ, đập tại huyện Tĩnh Gia đã bị tràn, vỡ khiến hàng nghìn hộ dân ở các xã Tân Trường, Trường Lâm, Mai Lâm, Trúc Lâm, Hải Thượng… bị cô lập trong nước lũ. Toàn huyện hiện có gần 2.000 ha lúa mùa đang thời kỳ thu hoạch, 1.500 ha hoa màu vụ đông vừa gieo trồng bị nước cuốn trôi, nhiều nhà dân bị sập đổ và hơn 30 ha nuôi trồng thuỷ sản, sản xuất muối bị thiệt hại.
Theo chủ các cơ sở chuyên ấp nở giống gia cầm tại xã Yết Kiêu (Gia Lộc - Hải Dương), giá bán gia cầm giống tại lò giảm mạnh so với tháng trước.
Sau ba năm thực hiện chính sách phát triển vùng sản xuất rau chế biến (giai đoạn 2010-2012), tỉnh Bắc Giang đã hình thành hàng chục vùng gieo trồng tập trung quy mô lớn, đáp ứng một phần nguyên liệu cho nhà máy chế biến nông sản. Nhờ đó, nhiều nông dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Kế Sách là vùng trọng điểm nuôi cá tra xuất khẩu của tỉnh Sóc Trăng, nhưng diện tích treo ao đã trên 70%. Những người tâm huyết với nghề giờ cũng ngán ngẫm, đành treo ao để chờ giá đầu ra ổn định, nhưng xem ra tình hình chẳng mấy cải thiện.
Sau ngày chính quyền địa phương hợp nhất 16 hợp tác xã (HTX) ở làng nghêu Khai Long (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) thành một, những người điều hành hoạt động khai thác nơi bãi bồi ven biển ấy có cách làm hoàn toàn mới mẻ…Từ đó, việc khai thác nguồn lợi thủy sản ở ven bãi cạn này không còn bị xáo trộn.