Sẽ Đưa Vải Thiều Sang Nhật Bản, Châu Âu
Nhằm phát triển cây vải thiều bền vững, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang không chỉ chủ động hỗ trợ người dân về mặt sản xuất, mà còn đẩy mạnh chế biến, tăng cường xúc tiến thương mại nhằm tìm đầu ra ổn định cho quả vải.
Được mùa, được giá
Con đường từ trung tâm huyện Lục Ngạn vào xã Tân Mộc chưa đầy 20km, dù mới được cải tạo để phục vụ cho mùa thu hoạch vải thiều của người dân, nhưng cũng phải mất gần 1 tiếng đồng hồ vật lộn chúng tôi mới vào tới địa bàn xã.
Nhưng điều đó không ảnh hưởng nhiều tới người trồng vải, bởi ngay ở trung tâm xã đã có hàng chục thương lái đặt điểm cân, thậm chí nhiều “cò” còn lặn lội vào tận nhà dân để đặt hàng trước nhằm thu mua được những quả vải thiều đẹp, phục vụ cho xuất khẩu.
Dù mới 2 giờ chiều, trời nắng như thiêu như đốt, nhưng trên đồi vải sai trĩu quả, gia đình anh Bùi Quang Phương ở thôn Hoa Quảng đã huy động bà con họ hàng và thuê thêm cả chục người để thu hái vải.
Quệt những giọt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt đỏ gay gắt vì nắng, anh Phương cho biết: “Gia đình tôi có hơn 6ha vải thiều và đã bắt đầu chín đỏ, giá bán tại vườn từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, cao hơn năm ngoái khoảng 7.000 đồng/kg nên ai cũng phấn khởi, tập trung thu hái quên cả nắng nóng”.
Cũng theo anh Phương, năm nay có 1/2 diện tích vải ra hoa đúng thời điểm bị mưa, nhưng nhìn chung vườn vải của gia đình vẫn được mùa, ước đạt khoảng 15 tấn quả tươi. Nếu giá bán giữ mức ổn định như hiện nay, gia đình anh Phương sẽ thu lãi gần 200 triệu đồng.
Theo dự báo, “thủ phủ” vải thiều Lục Ngạn năm nay sẽ được mùa, được cả giá. Ông Chu Văn Báo – Trưởng phòng NNPTNT huyện Lục Ngạn cho biết: Thời tiết đầu vụ vải năm nay không thuận lắm, mưa nhiều trong thời gian vải ra hoa và đậu quả nên quả non bị rụng khá nhiều.
Tuy nhiên, có thể khẳng định năm nay vùng vải Lục Ngạn được mùa, dù 2 tuần nữa mới vào chính vụ thu hoạch. Năm 2013, sản lượng vải thiều toàn huyện đạt 72.000 tấn, năm nay ước tính đạt khoảng 90.000 tấn, trên tổng diện tích 17.500ha trồng vải.
Theo ghi nhận của phóng viên, ngày 5.6, giá vải sớm (chủ yếu là các giống u hồng, u trứng, u thâm) tại các điểm cân ở Lục Ngạn dao động từ 9.000 – 30.000 đồng tuỳ chất lượng, mẫu mã quả vải. Nếu thị trường không có biến động lớn, dự kiến năm nay giá vải trung bình ở “thủ phủ” vải thiều cả nước sẽ đạt trên 20.000 đồng/kg (năm 2013 giá trung bình là 18.000 đồng/kg).
Giảm dần phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc
Mặc dù được mùa, nhưng người trồng vải thiều ở Lục Ngạn vẫn chưa hết băn khoăn, lo lắng do e ngại lượng vải xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng do tình hình căng thẳng trên Biển Đông. Tuy vậy, theo UBND huyện Lục Ngạn, tới thời điểm này hoạt động thu mua vải thiều vẫn diễn ra bình thường và đã có 13 thương nhân Trung Quốc sang Lục Ngạn “đặt hàng” thu mua vải thiều.
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, lâu nay, quả vải thiều vẫn bị phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc, sản lượng tiêu thụ vải thiều ở thị trường này chiếm khoảng 30% tổng sản lượng vải của nước ta, trong đó lượng vải xuất khẩu tập trung nhiều ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương).
Theo nhận định của các chuyên gia, vải thiều được xem là mặt hàng “độc”, nhiều dinh dưỡng, có tiềm năng tiêu thụ ở những thị trường như Nhật Bản, nhiều nước châu Âu. Vấn đề ở chỗ, quả vải thiều rất khó bảo quản, vào mùa hè, trời nắng nóng chỉ để trong vòng 1 ngày là quả vải đã bị đổi màu, vỏ thâm lại nhìn rất xấu mã, sang ngày thứ 2-3 thì chất lượng quả cũng bị giảm.
Để tăng thời gian bảo quản nhằm xuất khẩu quả vải thiều sang các thị trường mới như Nhật Bản, các nước châu Âu, thời gian qua ngành chức năng huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng (Bộ KHCN) nghiên cứu, áp dụng công nghệ CAS vào bảo quản quả vải tươi. Kết quả ban đầu cho thấy, vải thiều có thể bảo quản được hơn 1 năm với chất lượng tốt.
PGS-TS Lê Tất Khương – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển vùng cho biết: “Hiện nay Viện đang tiếp tục lấy mẫu vải thiều ở Lục Ngạn để nghiên cứu sâu hơn. Bảo quản thành công quả vải thiều sẽ góp phần tạo thuận lợi để đưa quả vải vào thị trường Nhật Bản và các nước châu Âu, góp phần gia tăng giá trị loại quả này” – ông Khương cho biết.
Theo ông Lê Bá Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết, mỗi năm, cây vải thiều đem về cho huyện khoảng 1.300 tỷ đồng, vì thế huyện vẫn xác định đây là cây trồng chủ lực của địa phương.
Do đó, huyện đã có kế hoạch cụ thể nhằm hỗ trợ người dân ngay từ đầu vụ để sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ cho người dân.
Hiện nay, vải thiều Lục Ngạn được tiêu thụ nhiều ở trong nước và đã xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Campuchia, Australia, một số nước Đông Âu dưới các hình thức như vải thiều tươi, vải sấy khô, cùi vải đóng hộp, rượu vang vải thiều, thạch vải, nước ép vải...
Có thể bạn quan tâm
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chiều ngày 6/10 cho biết, giá trị xuất khẩu nông sản tháng 9 ước đạt 2,15 tỷ USD, giảm 419 triệu USD (-16,3%) so với tháng 8 và giảm 574 triệu USD (-21,1%) so với tháng 9/2014.
Giá cao su được hỗ trợ bởi đà tăng của chứng khoán Nhật Bản và sự suy yếu của yên, mặc dù giao dịch thưa thớt, do thị trường Trung Quốc ngừng giao dịch để nghỉ lễ.
Theo Morgan Stanley, giá đường cuối cùng đã chạm đáy khi thị trường này không còn phụ thuộc vào sự giảm giá của đồng Real.
5 năm qua, mức tăng trưởng bình quân 4,32%/năm, trong đó, sản lượng thủy sản tăng 36,8%, giá trị tăng 53,29% so với năm 2010.
Kỹ thuật ương nuôi siêu thâm canh (Raceway) là biện pháp ương tôm mật độ rất cao (thấp nhất là 2,000 PL12/m3 và cao nhất là 12,000 PL12/m3) trong khoảng thời gian 15 - 30 ngày.