Vui Mùa Đu Đủ Ở Mỹ Phong (Bình Định):
Từ tháng 3 đến tháng 5 (Âm lịch) là vào mùa thu hoạch đu đủ ở xã Mỹ Phong (huyện Phù Mỹ - Bình Định). Những ngày này, nông dân trong xã tấp nập thu hái đu đủ và đưa sản phẩm đến bán ở các điểm thu mua của thương lái dọc theo quốc lộ 1A trên địa bàn xã.
Cây đu đủ dễ trồng, dễ chăm sóc, chỉ cần chân đất tơi xốp, giàu chất hữu cơ và có độ ẩm thích hợp, có mương rãnh thoát nước vào mùa mưa. Toàn xã có trên 400 ha đất có điều kiện trồng xen cây đu đủ với một số cây trồng cạn như đậu, bắp… Giống đu đủ lùn có tuổi thọ gần 2 năm, thu nhiều lứa, mỗi lứa 30 - 40 quả, cả năm thu hoạch hàng trăm quả.
Quả đu đủ xanh thì nấu canh, làm gỏi, dưa chua; quả chín thì ăn tươi hoặc làm sinh tố…, đầu ra sản phẩm dễ dàng, nên cây đu đủ được hầu hết người dân Mỹ Phong trồng ở vườn nhà, vườn đồi, trên rẫy, nhiều nhất ở thôn Gia Hội, thôn Văn Trường Tây... Theo bà Đặng Thị Hồng, ở thôn Vĩnh Bình- Mỹ Phong, thương lái buôn đu đủ, mỗi ngày, bà mua bình quân 600 - 700kg, có ngày gần cả tấn, đưa đi tiêu thụ ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh. Bác Nguyễn Văn Hay (thôn Gia Hội) cho hay: “Tôi trồng đu đủ quanh nhà, lúc đầu trồng để ăn, nhưng mấy năm nay quả đu đủ bán được giá cao và ổn định, tui trồng thêm gần 50 gốc, hái bán 30 - 40 kg/ngày, cũng được cả trăm ngàn, thừa tiền đi chợ”.
Mùa đu đủ này, nông dân Mỹ Phong rất vui vì đu đủ được mùa, được giá. Bên cạnh đó, từ mùa đu đủ đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, như mua gom, lựa, đóng bao bì, vận chuyển..., thu nhập bình quân ngày công cũng được 70 - 80.000 đồng.
Có thể bạn quan tâm
Những ngày này, khách hàng tấp nập về xã Lương Phong (Hiệp Hoà- Bắc Giang) thu mua bưởi Diễn đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước. Những trái bưởi vàng tươi, thơm ngát giữa cái rét đậm cuối năm mang lại niềm vui cho người dân nơi đây.
Là đảng viên trẻ, gánh vác trọng trách tuyên truyền, vận động nông dân phát triển kinh tế, anh luôn đi đầu trong phong trào sản xuất, tìm hướng đi mới cho kinh tế của thôn, trong đó phát triển mạnh các loại cây rau màu chế biến xuất khẩu. Cùng đó, anh lãnh đạo nhân dân duy trì sản xuất lạc đông, trực tiếp tổ chức sản xuất, thu mua và bao tiêu sản phẩm.
Cần cù lao động, không ngừng tìm hiểu đưa vào thị trường những sản phẩm mộc dân dụng mới, Nguyễn Văn Toàn (ảnh), Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) đồ gỗ mỹ nghệ Toàn Thịnh đã góp phần xây dựng vùng quê Trung Đồng, xã Đức Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) ngày càng trù phú. Anh vinh dự là một trong ba gương mặt trẻ tiêu biểu của tỉnh nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2012 do Trung ương Đoàn trao tặng.
Ngồi trò chuyện cùng tôi, ông Xưởng nguyên là Trưởng phòng Hành chính Nông Trường Yên Thế nhắc tới một câu chuyện gợi lại một thời khốn khó của Nông Trường mà cũng là khó khăn chung của cả đất nước. Nông Trường Yên Thế được thành lập ngày 3-1-1966, với tên gọi ban đầu là Nông Trường Quốc Doanh Yên Thế (tách ra từ Nông Trường Quốc Doanh Bố Hạ). Trải qua bao thăng trầm, tới ngày 6-11-2008 thì Nông Trường giải thể để thành lập xã Đồng Tâm. Để có cái tên Đồng Tâm là cả một sự trăn trở của bao người. Anh Dương Văn Thế, Chủ tịch UBND xã tâm sự cùng tôi: “Đảng ủy bàn bạc tìm được tên rồi còn tranh thủ xin ý kiến của các đảng viên lão thành, những cán bộ chủ chốt của Nông Trường nay đã về hưu.” Mọi người thống nhất với tên mới Đồng Tâm. Một cái tên gợi lên bao điều: Là ý chí quyết tâm của Đảng bộ với 200 đảng viên; là sự đồng lòng chung sức của cả một xã mới với 788 hộ và 2.651 nhân khẩu.
Cùng với việc xây dựng ổn định đời sống văn hóa, chị em phụ nữ ngày càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình. Một trong những tấm gương đó là chị Nguyễn Thị Huấn - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ tổ dân phố Vĩnh Ninh 2, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Bắc Giang Chị Nguyễn Thị Huấn bắt đầu chuyển đổi từ nghề nông sang nghề trồng hoa, trồng đào từ năm 2005. Được biết, trước kia kinh tế gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Sau khi Thành phố mở rộng thu hồi đất, gia đình chị bắt đầu đi thuê đất làm kinh tế gia đình, và chuyển sang trồng đào, trồng hoa mỗi năm thu được gần trăm triệu đồng.