Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chủ Động Ứng Phó Khô Hạn Vụ Hè Thu

Chủ Động Ứng Phó Khô Hạn Vụ Hè Thu
Ngày đăng: 17/03/2014

Nam bộ đang bước vào cao điểm mùa khô theo đó tình trạng thiếu nước ngọt và khô hạn cục bộ tại một số địa phương sẽ khó tránh khỏi.

Trước diễn biến đó, ngày 14/3, tại TP Mỹ Tho, Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Sở NN-PTNT Tiền Giang tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn phục vụ SX vụ đông xuân 2013 - 2014 và vụ hè thu 2014 ở ĐBSCL.

Ông Nguyễn Minh Giám, Phó trưởng Đài khí tượng thủy văn Nam bộ cho biết: Nam bộ bước vào cao điểm mùa khô, nhiệt độ tăng rất cao, gây khô nóng do vậy các tỉnh cần chủ động ứng phó với tình trạng thiếu nước và khô hạn cục bộ có thể xảy ra sẽ ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của cư dân nông thôn.

Ông Lê Thanh Tùng (Văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam) cho biết: Hơn 1,6 triệu ha lúa đông xuân ở ĐBSCL đến nay đã an toàn, không có diện tích bị ảnh hưởng hạn và mặn xâm nhập. Hiện tại đã có khoảng 50% diện tích được thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 6,83 tấn/ha, tăng khoảng 0,01 tấn/ha so với cùng kỳ. Chỉ có lo lắng vụ lúa hè thu mới bắt đầu và việc ứng phó với khô hạn đang là gánh nặng.

Kế hoạch vụ hè thu 2014, khu vực ĐBSCL dự kiến gieo sạ trên 1,6 triệu ha và sẽ xuống giống trong 3 đợt. Đợt 1 xuống giống đến cuối tháng 4 là 800.000 ha; đợt 2 đến cuối tháng 5/2014 sẽ gieo sạ 600.000 ha; đợt 3 đến hết tháng 6/2014 phải xuống giống dứt điểm phần diện tích còn lại.

Hiện triển khai công tác phòng chống hạn cho vụ lúa hè thu là vấn đề cấp thiết nhất. Ông Nguyễn Khánh Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bến Tre cho biết: Năm 2013 xâm nhập mặn đã gây thiệt hại trên 90 tỷ đồng của nhà nông nên ngay từ đầu năm 2014 ngành nông nghiệp đã chủ động triển khai đắp đập tạm ngăn nước mặn xâm nhập, khuyến cáo nông dân không nên sản xuất lúa ngoài khu vực chưa có đê bao ngăn triều cường.

Còn về lâu dài địa phương rất cần Bộ NN-PTNT phân bổ vốn thực hiện những hạng mục còn lại thuộc Dự án ngọt hóa bắc Bến Tre để bảo vệ vùng lúa trọng điểm của huyện Ba Tri và Giồng Trôm, đồng thời đảm bảo nước ngọt sinh hoạt cho toàn cư dân trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong 6 tháng mặn xâm nhập.

Còn ở Tiền Giang - ông Trần Hoàng Bá, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết: Tiền Giang có khoảng 36.627 ha bị ảnh hưởng mặn xâm nhập hằng năm. Tuy nhiên, năm nay do mặn về trễ hơn 1 tháng nên các trà lúa đông xuân trong vùng đã an toàn và đảm bảo ăn chắc, chỉ còn khoảng 4.713 ha có khả năng thiếu nước tưới nếu như mặn xâm nhập sâu.

Nhận rõ vấn đề nên ngành nông nghiệp đã dự trù kinh phí hơn 20,3 tỷ đồng để đắp 173 đập tạm, tổ chức 178 điểm bơm chuyền, nạo vét 146 tuyến kênh nội đồng bị cạn. Còn công tác chống hạn cho vụ lúa hè thu 2014 các huyện phía tây giáp ranh với Đồng Tháp và Long An ngành nông nghiệp cũng đã dành 17,5 tỷ đồng tổ chức bơm chuyền hai cấp phục vụ tưới cho 11.500 ha và nạo vét 72 công trình thủy lợi. Nước sinh hoạt hiện đã mở 21/73 vòi nước công cộng cấp nước miễn phí cho dân sử dụng.

Về nhu cầu vốn 2014, Tiền Giang kiến nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ cho tỉnh 57,1 tỷ đồng phục vụ công tác chống hạn, mặn và cấp nước sinh hoạt mùa khô 2014.

Về lâu dài Tiền Giang kiến nghị Bộ sớm phân bổ nguồn vốn giai đoạn 2 của các công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Bảo Định và kinh khí nạo vét tuyến kênh 14 để cấp nước tưới cho 35.000 ha vùng dự án ngọt hóa Gò Công.

Ở Sóc Trăng, ngành nông nghiệp tỉnh này đang lo lắng nước mặn và khô hạn làm ảnh hưởng trà lúa xuân hè vì diện tích nông dân xuống giống đã vượt kế hoạch hơn 12.000 ha và hiện đạt con số trên 50.000 ha. Diện tích tăng đột biến do nông dân chủ quan nghĩ năm nay nước mặn xăm nhập trễ.

Sau khi nghe các tỉnh báo cáo tình hình hạn và xâm nhập mặn khu vực ĐBSCL - ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng cục phó Tổng cục Thủy lợi đề nghị các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp về thủy lợi như đóng cống ngăn mặn, trữ nước ngọt kịp thời; đắp đập thời vụ (đập tạm) ngăn mặn, ưu tiên đầu tư nạo vét kinh mương trữ nước ngọt chống hạn, đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt và phục vụ sản xuất.

Các tỉnh trong vùng cần theo dõi, giám sát mặn thường xuyên, vận hành hợp lý các công trình để vừa đảm bảo tiêu thoát, ngăn mặn vừa đưa nước ngọt về.

Các địa phương cũng chủ động thoát nước định kỳ và nguồn nước ô nhiễm trên kinh rạch. Cập nhật dự báo dài hạn, ngắn hạn về thời tiết, thủy văn và diễn biến mặn. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về hạn hán, xâm nhập mặn, sử dụng nước tiết kiệm… sao cho đảm bảo vụ lúa hè thu được thắng lợi.


Có thể bạn quan tâm

Khi Nghề Chăn Nuôi Dê, Cừu Được Rót Vốn Ở Ninh Thuận Khi Nghề Chăn Nuôi Dê, Cừu Được Rót Vốn Ở Ninh Thuận

Vùng đất Ninh Thuận quanh năm khô hạn thường xuyên, tưởng khó có thể làm giàu từ canh tác, chăn nuôi. Nhưng bằng cơ cấu vật nuôi hợp lý, nhờ được hỗ trợ nguồn vốn kịp thời, Ninh Thuận đã thành một địa phương có nghề chăn nuôi dê, cừu phát triển nhất cả nước.

19/03/2013
Trồng Chuối Thu Tiền Tỉ Mỗi Năm Từ Đồng Vốn Nhỏ Trồng Chuối Thu Tiền Tỉ Mỗi Năm Từ Đồng Vốn Nhỏ

Khởi nghiệp chỉ với 10 triệu đồng, sau vài năm trồng chuối và thêm cả buôn chuối, Phạm Năng Thành (xã Đại Tập, H.Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) đã thu được trên 1 tỉ đồng mỗi năm.

14/12/2012
Nông Dân Nuôi Cá Tra Giỏi Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long Năm 2013 Nông Dân Nuôi Cá Tra Giỏi Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long Năm 2013

Ngày 02/8/2013, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Hậu Giang, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội thi "Nông dân nuôi cá tra giỏi vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2013".

09/08/2013
'Vua' Rắn Mối Miền Tây 'Vua' Rắn Mối Miền Tây

Là thạc sĩ thể dục thể thao nhưng Thuyết lại có đam mê trái ngành. Không chỉ làm giàu từ rắn mối, anh còn nuôi thêm lươn, dế, bồ câu, nhím, heo rừng và cả sâu bọ.

26/06/2013
Giá Tôm Tăng Mạnh, Nông Dân Trúng Lớn Ở Tiền Giang Giá Tôm Tăng Mạnh, Nông Dân Trúng Lớn Ở Tiền Giang

Ông Phan Văn Phúc, thương lái chuyên thu mua tôm ở thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang cho biết, hiện nay tôm sú nguyên liệu loại 30 con/kg được các thương lái đến tận ao thu mua với giá 220.000 đồng/kg, tăng 40.000 đồng/kg so với tuần trước; tôm sú loại 40 con/kg có giá 180.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; đối với tôm thẻ chân trắng loại 100 con/kg được các thương lái thu mua tăng 5.000 - 8.000 đồng/kg so với tuần trước, có giá 95.000 - 98.000 đồng/kg.

20/12/2012