Sâu Cuốn Lá Nhỏ Hại Lúa Hè Thu
Vụ hè thu này huyện Thăng Bình gieo sạ được 7.250ha lúa. tuy nhiên 2 tuần gần đây trên cây lúa bắt đầu xuất hiện sâu cuốn lá nhỏ gây hại ở nhiều địa phương.
Cánh đồng lúa hơn 5ha ở tổ 8 và tổ 11 (thị trấn Hà Lam, Thăng Bình) dự kiến vụ này sẽ cắt giảm chuyển sang trồng hoa màu nhưng do thực hiện nhiều biện pháp chống hạn nên nông dân vẫn sạ. Hiện nay, hơn 5ha lúa tại cánh đồng này có nguy cơ bị giảm năng suất từ 30 - 40% do bị sâu cuốn lá gây hại. Ông Nguyễn Phước Long (tổ 10, thị trấn Hà Lam) có 7 sào đất canh tác lúa tại đây.
Các năm trước do ít hạn nên nước về đồng sớm, ông tranh thủ làm đất để sạ trà 1, nhưng năm nay do hạn hán kéo dài, thiếu nước sản xuất nên đành phải sạ trà 3 với giống HT1 và Q.Nam9 ngắn ngày. Khoảng 2 tuần gần đây, khi ruộng lúa chuẩn bị trổ đòng thì sâu cuốn lá bùng phát mạnh. Ông Long cho biết: “Khi bắt đầu xuất hiện sâu cuốn lá gây hại tôi đã mua thuốc đặc trị về phun ngay, nhưng đến nay lúa vẫn bị trắng cả 7 sào và có dấu hiệu khô cây”. Gia đình anh Nguyễn Công Hòa (tổ 13, thị trấn Hà Lam) cũng có 2 sào lúa bị sâu cuốn lá gây hại.
Anh Hòa cho biết: “Đến nay đã 3 lần phun thuốc đặc trị sâu cuốn lá nhưng vẫn không diệt được tận gốc loại sâu này. Hiện trên ruộng đã bắt đầu xuất hiện thêm nhiều con bướm nhỏ có màu trắng, khả năng chỉ vài ngày nữa một đợt sâu non khác lại ra đời và tiếp tục cắn phá lúa”.
Theo thống kê, Thăng Bình hiện có khoảng 180ha lúa bị sâu cuốn lá gây hại, tập trung ở các xã Bình Định Bắc (30ha), Bình Quý (20ha), Bình Tú (20ha), các xã còn lại bị nhiễm từ 5 - 10ha. Ông Võ Duy Anh – Trưởng trạm Bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình cho biết, sâu cuốn lá gây hại diện rộng là do các địa phương triển khai biện pháp phòng trừ bệnh cho nông dân chậm, một số nơi nông dân phun thuốc không đúng liều lượng ghi trên nhãn thuốc.
Trong thời gian tới sâu cuốn lá sẽ tiếp tục gây hại trên địa bàn huyện Thăng Bình, nhất là đối với các chân ruộng sạ muộn tập trung ở khu vực hồ Đông Tiển thuộc xã Bình Trị, Bình Định Bắc và các cánh đồng thuộc khu vực ven sông Trường Giang, xã Bình Giang.
“Để hạn chế thiệt hại do sâu cuốn lá gây ra, bà con nông dân cần quan sát trên các cánh đồng thấy bướm rộ lên nhiều thì chờ đến khi không còn thấy bướm bay lên nữa, khoảng 5 ngày sau là phun thuốc đặc trị sẽ cho hiệu quả cao. Bởi lúc này sâu mới chỉ từ 2 - 3 ngày tuổi, chưa gây hại nhiều và còn non nên dễ diệt trừ” - ông Anh nói.
Related news
Đảm đương cương vị Phó Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Phước Ninh, huyện Dương Minh Châu (Tây Ninh), bà Lâm Thị Có “lăn xả” vào thực hiện nhiều việc cụ thể, thiết thực nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, ND có việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Trong bản báo cáo nêu kiến nghị, ý kiến cử tri từ các địa phương gửi đến các kỳ họp Quốc hội khóa XIII do Ban Dân nguyện của Quốc hội tổng hợp, cử tri dành nhiều quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp.
Lời kêu gọi này được tiến sĩ Nguyễn Duy Lượng - Phó Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) đưa ra tại Hội nghị sơ kết 5 năm “Chương trình phối hợp hoạt động giữa Hội NDVN và Bộ Khoa học - Công nghệ (KHCN) giai đoạn 2011 – 2015 tổ chức ngày 16.11 tại Hưng Yên.
Những ngày qua, hàng chục hộ dân trồng chuối trên địa bàn xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc đứng ngồi không yên bởi hàng trăm tấn chuối đã đến lúc tiêu thụ mà không có thương lái hỏi mua hoặc nếu có thì giá thu mua cũng ở mức “bèo”.
Sau nhiều năm thất bại nặng nề vì nuôi heo thịt với phương pháp thủ công, anh Nguyễn Duy Tuấn (SN 1982, quê thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cùng vợ quyết chí thực hiện một quyết định táo bạo là nuôi heo... bằng hệ thống lạnh khép kín nhập giống về từ Mỹ. Mô hình độc đáo này đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.