Sáng Kiến Trồng Xen Tiêu Trên Vườn Cao Su
Nhiều nông dân ở Đức Phú (Tánh Linh) đã và đang lấy cao su làm cây leo để trồng tiêu, chờ ngày mủ cao su được giá trở lại. Việc làm này không chỉ cứu được hàng trăm ha cao su thay vì chặt như một số nơi, còn mở ra một phương pháp xen canh khá hợp lý.
Người đầu tiên
Ở gần chân đèo Tà Pứa, xã Đức Phú, huyện Tánh Linh, căn nhà của anh Nguyễn Văn Quyền khá bề thế. Xung quanh nhà là tiêu và cao su xanh ngút ngàn.
Năm 1996, sau nhiều ngày vất vả, vợ chồng anh Quyền trồng được 4 ha cao su trên đất rẫy, cũng như làm nhà ở ngay trong vườn để tiện chăm sóc.
Trong thời gian chờ cây khép tán, anh Quyền suy nghĩ: Đất Đức Phú pha đất đỏ bazan, độ phì cao, vì vậy nếu trồng cao su theo quy cách: cây cách cây 3m, hàng cách hàng 6m là lãng phí.
Anh bắt đầu nghĩ tới việc trồng xen một giống cây gì đó nhưng chưa nghĩ ra. Mãi đến năm 2000, sau vài lần thử, anh quyết định khoanh 3 sào cao su gần nhà để trồng xen tiêu khi cao su được 4 năm tuổi. Khi tiêu bắt đầu leo, anh chặt bớt tàn cao su để lấy ánh sáng. Vào mùa khô, khi anh Quyền tưới nước cho tiêu đồng nghĩa với tưới luôn cho cao su.
Hưởng lợi từ sáng kiến
Hiện nay 3 sào tiêu trồng xen cao su đang cho trái. Nhiều người đến thăm vườn bất ngờ khi thấy tiêu leo trên cây cao su, và cho trái sum suê, cũng như không leo ở bất cứ cây gì khác. Năm vừa qua, anh thu được khoảng 700kg tiêu hạt. “Tôi không phải tốn tiền đúc trụ, trồng cây vông hoặc me tây khi để tiêu leo lên cao su” - anh Quyền cho hay.
Thuận lợi đôi bề vì giữ được cao su, vừa có thêm nguồn thu. Không dừng lại đó, anh còn xen canh tiêu ở 1,5 ha điều và mới đây thu hoạch được 300 kg tiêu hạt. Nếu tiêu hạt đứng giá 200.000 đồng/kg như hiện nay, năm tới đây, ở hai nơi trồng xen, anh có thể thu 200 triệu đồng, gần bằng thu nhập của cao su lúc được giá.
Một cách trồng xen
Chúng tôi đến thăm anh Nguyễn Hoàng Châu ở thôn 1, xã Nghị Đức khi anh đang chăm sóc 1ha cao su trồng xen tiêu. Khác với anh Quyền, anh Châu vẫn khai thác mủ cao su. Anh Châu cho biết: Trồng xen tiêu trên vườn cao su, sản lượng mủ không giảm, nhưng năng suất cây tiêu trong vườn của anh thì thấp do thiếu quang hợp.
Nếu chặt bớt tán cây, sản lượng mủ thấp đi nhưng bù lại tăng được năng suất tiêu. Anh đang phân vân lựa chọn. Tuy nhiên, khi cần anh sẽ chọn tiêu vì giá mủ cao su quá thấp (260 đồng/TSC, thay vì 1.100 đồng/TSC như trước đây).
Anh Châu cho biết thêm, hiện nay nhiều gia đình ở xã Nghị Đức đã học tập anh Quyền trồng tiêu trên cao su. Vườn của anh Quyền vì thế là nơi nhiều người tìm đến học hỏi kỹ thuật. Trồng tiêu trên cao su, ngoài việc tiêu vẫn cho năng suất khá, còn ít tốn công phát cành như khi trồng trên các cây leo khác.
Chẳng hạn, với cao su chỉ cần phát cành 2 lần/ năm, trong khi với cây me tây phải phát 5 lần/năm. Ở Đức Phú và Nghị Đức hiện nay cao su đang nhờ cây tiêu để trụ lại, còn người nông dân nhờ tiêu mà có thu nhập thay vì thiệt hại tài chính nếu phải chặt cao su trồng loại cây khác.
Thiệt hại sẽ vô cùng lớn khi chặt cao su
50 triệu đồng là giá trị đầu tư cho mỗi ha cao su từ lúc trồng đến khi cho mủ. Tại Đức Phú, giả định chỉ người dân chặt bỏ chừng 50 ha cao su thì thiệt hại trong dân là 2,5 tỷ đồng. Nếu rộng ra thì thiệt hại sẽ rất lớn.
Có thể bạn quan tâm
Thời gian gần đây, cá lồng bè tại xã Hòn Nghệ, huyện Kiên Lương và xã Nam Du, huyện Kiên Hải (Kiên Giang) bị chết hàng loạt khiến người nuôi lo lắng.
Sau khi thu hoạch quả là thời kỳ cây nhãn bị tổn thương lớn nhất trong năm, giai đoạn này cây yếu nhất.
Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang vừa phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Yên Sơn, UBND xã Mỹ Bằng tổ chức tổng kết mô hình chăn nuôi gà ri lai an toàn trên nền đệm lót sinh học.
UBND huyện Thuận Bắc (Bình Thuận) vừa phối hợp với Sở KH-CN tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá Đề án nhân rộng ứng dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” SX lúa vụ HT năm 2015 tại xã Bắc Phong.
Hơn 10 năm qua, khi người dân thử nghiệm thành công mô hình nuôi tôm càng xanh (TCX) theo hướng thâm canh trên đất lúa ở xã Nhị Mỹ, mô hình đã tạo “cú hích” cho quá trình phát triển kinh tế vùng đất này.