Kỹ Thuật Nuôi Cá Chẻm Thương Phẩm
Năm 2008, Phòng Kinh tế Hội An đã xây dựng mô hình nuôi thương phẩm cá chẻm đầu tiên tại hộ ông Phùng Ngọc Hải ở phường Cẩm Châu. Đến nay, kết quả rất khả quan của mô hình này đã mở ra một hướng mới cho nghề nuôi thủy sản nước lợ...
KỸ sư Võ Quảng Lâm (Phòng Kinh tế Hội An) cho biết: Để đưa mô hình vào sản xuất, từ đầu năm 2008, đơn vị đã đưa chủ hộ thực hiện mô hình tham quan học tập kinh nghiệm nuôi cá chẻm tại Cam Ranh và Trường đại học Nha Trang (Khánh Hòa). Sau đó, cá chẻm được đưa về nuôi thử nghiệm trên diện tích 1,5 ha với số lượng 25.000 con, cỡ giống từ 1 - 1,5 cm. Nguồn giống do Trường đại học Nha Trang cung cấp. Sau 7 tháng nuôi, mô hình đã đạt một số kết quả bước đầu với kích cỡ cá thu hoạch bình quân 1kg/con, sản lượng đạt 6 tấn. Hộ nuôi thử nghiệm Phùng Ngọc Hải đã thu lãi ròng hơn 60 triệu đồng.
Theo ông Phùng Ngọc Hải, ao nuôi cá phải có độ sâu từ 1,2 - 1,5 m, cấp tháo nước thuận lợi. Đáy ao là đất thịt pha cát, bờ ao vững chắc không bị rò rỉ, cao hơn mức nước trong ao 30 - 40 cm. Nguồn nước cung cấp cho ao nuôi tương đối trong sạch. Trước khi thả cá phải tiến hành xả nước, vét bùn đáy ao. Dùng vôi bột với liều lượng từ 7-10 kg/100 m2 rải đều khắp đáy ao và phơi đáy từ 2 - 3 ngày. Sau đó diệt tạp bằng saponin với liều lượng 1kg/100m2. Trong quá trình nuôi, diễn biến môi trường ao nuôi cơ bản thuận lợi cho cá sinh trưởng và phát triển. Độ pH dao động từ 7,5 - 8,5, độ mặn từ 10 - 25 phần nghìn, nhiệt độ dao động từ 26-320C. Trong những ngày nhiệt độ cao trên 300C, cá có hiện tượng bỏ ăn, tuy nhiên không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cá.
Cá chẻm là loài cá dữ nên thường tấn công lẫn nhau, nhất là giai đoạn cá còn nhỏ, làm cho tỉ lệ sống giảm. Vì vậy, khi cá ở giai đoạn cá còn nhỏ phải ươm cá trong những chiếc giai có kích thước 4m x 2m x 1,2m và 1 tuần phải phân đàn cũng như cung cấp đầy đủ thức ăn. Mật độ ươm từ 40-50 con/m2, mật độ thả từ 1-2 con/m2. Tuần lễ đầu, nên cho ăn với liều lượng 100% trọng lượng cá, tuần thứ hai giảm dần còn 60%, đến tuần thứ 3 bằng 40%. Sau 4 tuần ươm, cá giống đạt kích cỡ từ 5 - 10 cm thì thả ra ao để nuôi thương phẩm. Việc đưa cá ra ao nuôi cần chú ý thả cá cùng kích cỡ để tránh hiện tượng ăn lẫn nhau hay cạnh tranh thức ăn.
Ở giai đoạn cá thịt, thức ăn của cá chẻm là cá tươi băm nhỏ (giai đoạn đầu) hoặc nguyên con (ở giai đoạn lớn). Hai tháng đầu, mỗi ngày cho ăn 2 lần vào sáng sớm và chiều tối, lượng thức ăn bằng 8-10% tổng trọng lượng cá trong ao. Từ tháng thứ 3 trở đi cho ăn 1 lần vào chiều tối, lượng thức ăn bằng 5-6% tổng trọng lượng cá trong ao. Cũng theo ông Phùng Ngọc Hải, khi cho cá ăn cần tạo phản xạ bằng tiếng động để tập trung cá thành đàn, đúng thời điểm và vị trí cho ăn. Cá chẻm không bao giờ ăn thức ăn chìm dưới đáy ao nên cần thả thức ăn từ từ đến khi cá no thì ngừng. Hằng ngày kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi, đồng thời thay nước từ 20 - 50 % lượng nước trong ao. Đặc biệt lưu ý, việc thay nước thường xuyên sẽ giúp cá ăn khỏe, sinh trưởng nhanh.
Thực tế cho thấy, cá chẻm là đối tượng nuôi khá thích hợp ở vùng nước mặn lợ, cá có tốc độ sinh trưởng và phát triển nhanh. Với cỡ giống từ 1-1,5cm sau 7 tháng có thể đạt 0,9-1kg/con. Cá nuôi ít bị mắc bệnh, chất lượng cá thơm ngon được thị trường ưa chuộng. Việc nuôi cá chẻm thành công cũng đã góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, tạo tiền đề để chuyển đổi đối tượng nuôi trên một số diện tích nuôi tôm kém hiệu quả của thành phố. Do vậy, để nâng cao hiệu quả, thời gian đến, ngành nông nghiệp Hội An tiếp tục nghiên cứu thử nghiệm mô hình nuôi cá chẻm thương phẩm bằng thức ăn công nghiệp nhằm giảm thiểu ô nhiễm và có biện pháp liên kết với các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu để bao tiêu sản phẩm cho người nuôi.
Cá chẻm có tên khoa học là Lates calcarifer (Bloch 1790), tên tiếng Anh là seabass, thuộc bộ cá vược. Cá có thể sinh trưởng và phát triển trong môi trường nước ngọt và nước lợ. Từ khi Trường đại học Thủy sản Nha Trang (nay là Đại học Nha Trang) nghiên cứu thành công sinh sản nhân tạo cá chẻm, việc nuôi thương phẩm cá chẻm đã được nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh tiến hành và được xem như là một đối tượng thay thế con tôm sú trên đầm nước lợ
Có thể bạn quan tâm
Sáng 28/10, tại Hội nghị hồ tiêu quốc tế lần thứ 42 diễn ra tại TPHCM, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu VN khẳng định: Ngành hồ tiêu VN có được thành công lớn như hôm nay nhờ thực hiện hiệu quả bài học “liên kết 4 nhà”: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh doanh.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, ước tổng sản lượng thủy sản trong tháng 10 đạt 527 nghìn tấn, trong đó sản lượng khai thác 214 nghìn tấn, sản lượng nuôi trồng 286 nghìn tấn. Lũy kế 10 tháng đầu năm, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 5,3 triệu tấn (tăng 4,7% so với cùng kỳ 2013), trong đó sản lượng khai thác 2,5 triệu tấn (tăng 4,5%), sản lượng nuôi trồng 2,8 triệu tấn (tăng 4,8%).
Trong đó nuôi cá ruộng lúa 44,2ha, nuôi VAC và nuôi nhử 1.906,3ha, nuôi cá tra xuất khẩu có 126,5ha đang nuôi 37,3ha tập trung ở một số xã ven sông lớn như Thanh Bình, Quới Thiện, Quới An, Trung Thành Đông, Trung Thành Tây, Tân An Luông.
Hiện tại, đàn cá tra bố mẹ chọn giống được duy trì, lưu giữ tại Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang còn lại 800 con. Nếu so với đầu năm 2012, thời điểm mới tiếp nhận từ kết quả của dự án “Chuyển giao công nghệ sản xuất cá tra có chất lượng di truyền cao cho các tỉnh ĐBSCL” do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2 thực hiện thì đàn cá đã hao hụt 200 con.
Nhiều bà con nuôi tôm trong vùng ngọt hoá cho biết, do giếng khoan đã bị trám lấp nên họ định dùng muối để tạo độ mặn rồi thả nuôi tôm biển… Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều bà con ở xã An Hiệp, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre đã thử làm cách này trước khi biết khoan giếng lấy nước mặn, nhưng không mang lại hiệu quả.